Biển Đông - một cách tiếp cận mới

PGS-TS. NGUYỄN CHU HỒI - Đại học Quốc gia Hà Nội| 22/09/2015 02:42

Lịch sử sẽ chọn Biển Đông là nơi thử thách khốc liệt để thay đổi trật tự thế giới giữa các siêu cường? Câu trả lời phụ thuộc vào thái độ và quyết tâm của các quốc gia trong khu vực Biển Đông, ASEAN và chính các siêu cường.

Biển Đông - một cách tiếp cận mới

Lịch sử sẽ chọn Biển Đông là nơi thử thách khốc liệt để thay đổi trật tự thế giới giữa các siêu cường? Câu trả lời phụ thuộc vào thái độ và quyết tâm của các quốc gia trong khu vực Biển Đông, ASEAN và chính các siêu cường.

Đọc E-paper

Hiện thực hóa khả năng làm chủ thực tế không gian "đường lưỡi bò” chiếm phần lớn diện tích Biển Đông của Trung Quốc (TQ) được Bắc Kinh tính toán rất kỹ với các bước đi đe dọa hòa bình, ổn định, quyền tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông.

Tuy nhiên, "bàn cờ Biển Đông" không phải chỉ để mình TQ chơi và muốn làm gì thì làm, đặc biệt sự kiện TQ xây dựng các đảo nhân tạo gần đây đã khiến Mỹ nhảy vào cuộc.

Điều này đẩy Biển Đông vào tình thế mới với sự can dự ngày càng rõ của các nước lớn, đồng thời cũng khẳng định dự báo rằng Biển Đông có lẽ bắt đầu bị "quốc tế hóa", dù TQ không hề muốn.

TQ không bao giờ từ bỏ tham vọng độc chiếm Biển Đông và thực hiện Giấc mộng Trung Hoa mà ông Tập Cận Bình đã hứa khi nhậm chức. Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị gần đây cũng ngang ngược tuyên bố bằng mọi cách bảo vệ lợi ích biển của TQ để không "xấu hổ” với các đời cha ông.

Như vậy, phía TQ rất quyết tâm và khả năng hiện thực hóa yêu sách "đường lưỡi bò” phi lý trên Biển Đông của họ còn phụ thuộc vào các yếu tố "bên ngoài".

Trước hết, TQ phải tính đến vai trò và thái độ của Mỹ và đồng minh. Cuộc gặp cấp Tổng thống giữa Mỹ và TQ vào tháng 9 năm nay hé lộ một phần và là phép thử mức độ thỏa hiệp hay không giữa hai đối thủ chiến lược về Biển Đông.

TQ đã tranh thủ thời điểm Mỹ đang lúng túng với các vấn đề an ninh toàn cầu như Ucraina, Trung Đông, Bắc Phi và ngay cả nội bộ đồng minh để làm thay đổi hiện trạng Biển Đông, bất chấp dư luận.

Nếu các vấn đề nói trên tiếp tục phức tạp, kinh tế Mỹ khó khăn hơn và sa lầy vào các điểm nóng như vậy thì Bắc Kinh sẽ tăng tốc những hành động phi pháp tại Biển Đông.

Các quốc gia trong khu vực và Việt Nam phải cảnh giác! Mặc dù TQ bắt nạt các nước nhỏ láng giềng, nhưng chính hành động này cũng đẩy các nước láng giềng và khu vực vào một cuộc "chạy đua vũ trang" không mong muốn, buộc các nước phải liên minh với nhau và xu hướng liên kết với Mỹ chặt chẽ hơn vì các nước trong khu vực và Mỹ có những lợi ích chung trong vùng Biển Đông.

Trong cuộc hội kiến ngày 16/9 tại Bắc Kinh, Phó Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng TQ Lý Khắc Cường đã thống nhất về sự ổn định hàng hải và hợp tác trên biển là vô cùng quan trọng.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị phía TQ kiểm soát tốt bất đồng trên biển, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, không để ảnh hưởng đến xu thế cải thiện và phát triển của quan hệ hai nước.

Cục diện Biển Đông có thêm các yếu tố mới, đem đến cả những cơ hội và thách thức mới cần lưu ý để giải bài toán ứng xử hiệu quả, bảo đảm quyền và lợi ích biển của Việt Nam trước mắt và lâu dài.

Tình hình hiện nay và tương lai cho thấy nước ta phải điều chỉnh đồng bộ chiến lược phát triển và bảo vệ an ninh chủ quyền biển, đảo của đất nước theo tinh thần chuyển từ đối phó thụ động theo "vụ việc" sang ứng phó chủ động theo cách tiếp cận độc lập, linh hoạt trong phát triển quan hệ với cả TQ và Mỹ, cũng như hài hòa giữa lợi ích trước mắt và lâu dài của đất nước.

Tiếp tục theo đuổi các giải pháp hòa bình để giải quyết lâu dài vấn đề tranh chấp chủ quyền, trong đó có vấn đề hợp tác bảo vệ môi trường và bảo tồn tài nguyên biển được nêu rẩt rõ trong Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Nhưng giải pháp hòa bình không phải là con đường duy nhất, kể cả kiện ra tòa công pháp quốc tế về biển cũng phải tìm thấy thiện chí của các bên.

Tình hình Biển Đông rất khó lường, nên chúng ta tiếp tục tuân thủ tinh thần của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, tránh rơi vào bẫy sử dụng vũ lực.

Đôi khi giải pháp quốc phòng lại chính là để vãn hồi hòa bình, muốn thế đòi hỏi phải cân bằng được về sức mạnh quốc phòng sao cho nước nhỏ mà không yếu.

Sức mạnh quân đội quyết định sự được hay mất lãnh thổ, nhưng lòng dân quyết định việc gìn giữ lãnh thổ lâu dài. Vì thế nước ta không chỉ hiện đại hóa quân đội theo hướng chính quy, hiện đại, đủ sức giữ vững độc lập, chủ quyền đất nước, mà còn xây dựng được sức mạnh lòng dân.

Đặc biệt phải xây dựng và củng cố quốc phòng toàn dân trên biển theo hướng ưu tiên tiếp cận dân sự, trong đó có ngư dân để bảo đảm vừa sản xuất vừa sẵn sàng tham gia giải quyết tình huống xấu liên quan tới tranh chấp trên biển giữa các nước.

Và tất nhiên phải hợp tác với các nước để tuần tra biển và phối hợp giải quyết khi có tình huống xấu.

>Mỹ đòi Trung Quốc giải thích "đường lưỡi bò"

>“Đường lưỡi bò” của Trung Quốc: Không có cơ sở pháp lý

>Mỹ - Trung khắc sâu bất đồng về tranh chấp biển đảo châu Á

>Bắc Kinh sẽ là “nạn nhân lớn nhất” trong căng thẳng Biển Đông

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Biển Đông - một cách tiếp cận mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO