Tin kinh tế đáng chú ý 24g qua

09/09/2010 06:38

Châu Âu phê chuẩn gói giải cứu thứ hai dành cho Hy Lạp; Nhật Bản và Australia giữ nguyên lãi suất cơ bản, trong khi Mỹ dự định chi thêm 50 tỷ USD cho phát triển hạ tầng cơ sở được bình luận là liều thuốc trợ lực mới cho nền kinh tế đầu tàu... là một vài tin kinh tế đáng chú ý trong vòng 24 giờ qua.

Tin kinh tế đáng chú ý 24g qua

Châu Âu phê chuẩn gói giải cứu thứ hai dành cho Hy Lạp; Nhật Bản và Australia giữ nguyên lãi suất cơ bản, trong khi Mỹ dự định chi thêm 50 tỷ USD cho phát triển hạ tầng cơ sở được bình luận là liều thuốc trợ lực mới cho nền kinh tế đầu tàu... là một vài tin kinh tế đáng chú ý trong vòng 24 giờ qua.

Thêm 9 tỷ Euro

Liên minh châu Âu đã nhất trí phê chuẩn gói giải cứu thứ hai dành cho Hy Lạp, trị giá 9 tỷ Euro (tương đương 11,58 tỷ USD). Dự kiến, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sẽ có động thái tương tự vào ngày 10/9 tới.

Trước đó, cả EU và IMF đã lên tiếng khen ngợi những nỗ lực của Hy Lạp trong việc cải cách hệ thống thuế khóa và lương hưu của nước này.

Theo kế hoạch, Hy Lạp sẽ nhận đợt cứu trợ thứ 2 này vào ngày 14 và 15/9. Các cơ quan truyền thông Hy Lạp cho biết EU và IMF yêu cầu Athens tăng cường thực hiện các biện pháp cải cách cơ cấu cần thiết sau khi nước này nhận được số tiền cứu trợ đợt 2.

IMF sẽ tiếp tục yêu cầu Hy Lạp cắt giảm chi phí công, đưa ra các sáng kiến nhằm tăng cường sức mạnh của hệ thống ngân hàng trong nước và gia tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế quốc gia bằng cách mở cửa các thị trường và nghiệp vụ hiện đang bị đóng cửa.

Trong khi đó, theo tờ Morning News, cuộc khủng hoảng nợ của Khu vực đồng tiền chung châu Âu sắp tiến vào giai đoạn nguy hiểm. Chính phủ các nước đang chuẩn bị đẩy nhanh tiến độ vay vốn tại thị trường tư bản để tài trợ vốn cho nền kinh tế bất ổn của các nước này.

Tờ Financial Times cũng cho hay, chính phủ các nước khu vực này đang tập trung phát hành trái phiếu trong tháng 8 để huy động vốn. Tuy nhiên, một số chiến lược gia cảnh báo, một số nền kinh tế yếu hơn khó có thể tập trung nguồn vốn cần thiết.

Ngừng tìm cơ chế

Trước đó, kết thúc cuộc họp các bộ trưởng tài chính EU, liên minh này đã nhất trí ngừng các cuộc thảo luận tìm kiếm cơ chế lâu dài để giải quyết các cuộc khủng hoảng có thể xảy ra trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu trong tương lai.

Các bộ trưởng tài chính EU cũng tiến gần hơn tới thỏa thuận về biện pháp trừng phạt những nước vi phạm Hiệp ước ổn định và tăng trưởng của tổ chức này.

Bộ trưởng Kinh tế, Tài chính và Việc làm Pháp Christine Lagarde cho biết, EU đã đạt tiến bộ về vấn đề trừng phạt những nước vi phạm, nhưng chưa đi đến kết quả quan trọng nào để công bố tại giai đoạn hiện nay.

Còn Ủy viên EU phụ trách vấn đề kinh tế và tiền tệ Olli Rehn khẳng định trừng phạt là vấn đề không cần bàn cãi, giống như trong thi đấu bóng đá. Ông nhấn mạnh "sẽ chẳng ích gì nếu các cầu thủ tranh luận với trọng tài về luật chơi trước mỗi trận đấu".

Bộ trưởng Tài chính Slovakia Ivan Miklos tiết lộ, EU hiện chưa thống nhất về thủ tục trừng phạt, cụ thể chưa khẳng định được liệu có cần sự đồng thuận giữa các bộ trưởng tài chính tổ chức này về mọi quyết định trừng phạt trước khi thực thi hay không.

Bộ trưởng Tài chính Đức kêu gọi các nước thành viên EU kiên nhẫn hơn sau khi đã đạt nhiều tiến bộ về khía cạnh ngăn chặn khủng hoảng trong Hiệp ước ổn định và tăng trưởng.

Về vấn đề cơ chế lâu dài để giải quyết khủng hoảng, các bộ trưởng tài chính EU nhất trí sẽ thảo luận vấn đề này trong tương lai với lý do Khu vực đồng Euro nói riêng và EU nói chung đã có cơ chế hữu hiệu tạm thời là Phương tiện ổn định tài chính châu Âu (EFSF).

Giữ nguyên lãi suất

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 0,1%. Hội đồng chính sách BOJ giữ nguyên đánh giá rằng kinh tế Nhật tiếp tục phục hồi khiêm tốn, đồng thời cảnh báo rủi ro sụt giá và cam kết tiến hành các biện pháp giải cứu khi cần. 

Trong cuộc họp hôm 30/8 trước đó, BOJ đã quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ thông qua việc bơm thêm 10.000 tỷ Yên cho các tổ chức tài chính nước này dưới dạng các khoản vay rẻ có thời hạn 6 tháng, nâng tổng số tiền hỗ trợ ngân hàng lên 30.000 tỷ Yên.

Cũng trong ngày 7/9, Ngân hàng Trung ương Australia (RBA) quyết định duy trì mức lãi suất 4,5% tháng thứ tư liên tiếp. RBA cho rằng, mức lãi suất hiện tại là hợp lý trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn còn bất ổn và lạm phát đang nằm trong tầm kiểm soát.

Thống đốc RBA Glenn Stevens cho rằng mức lãi suất hiện tại là tương đương với các mức bình quân trong thập kỷ qua. Ông dự báo tăng trưởng kinh tế Australia sẽ chậm lại, do sự tăng trưởng chững lại ở Trung Quốc và châu Âu. Giới phân tích dự báo, RBA có thể nâng lãi suất vào cuối năm nay.

Liều thuốc mới

Trong nỗ lực kích thích kinh tế tăng trưởng, Tổng thống Mỹ Barack Obama mới đây cho biết sẽ yêu cầu Quốc hội Mỹ chấp thuận kế hoạch chi tiêu 50 tỷ USD để khởi động dự án phát triển cơ sở hạ tầng mới để mở rộng, xây mới hệ thống đường sá nước này. 

Các hãng tin nước ngoài bình luận, kế hoạch 50 tỷ này có thể sẽ là liều thuốc mới cho nền kinh tế đầu tàu, sau khi những tác động tích cực từ gói kích thích kinh tế đầu tiên trị giá 790 tỷ USD đang phai nhạt dần.

Theo kế hoạch này, Chính phủ Mỹ dự định sẽ dùng khoảng 50 tỷ USD để xây mới và tái thiết hệ thống đường bộ, sân bay, đường sắt (gồm cả đường sắt cao tốc) cũng như xây dựng một ngân hàng chuyên đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng.

Tổng thống Obama hy vọng, trong vòng 6 năm, nước Mỹ có thể xây mới khoảng 240.000 km đường bộ (tương đương 6 lần chiều dài vòng quanh trái đất) và khoảng 6.500 km đường sắt để nối thông bờ Đông và Tây của quốc gia này.

Theo hãng tin BBC, kế hoạch này của ông Obama còn hướng tới các chiến lược phát triển dài hơi hơn cho nước Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ tại nước này sẽ diễn ra trong tháng 11 tới. Tuy nhiên, tờ CNNMoney nhận định, kế hoạch này nhiều khả năng sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa.

Mua 12 hãng bay

Hãng British Airways (Anh) và Iberia Airlines (Tây Ban Nha) lập danh sách 12 hãng hàng không mục tiêu chuẩn bị mua lại hoặc sáp nhập. Sau khi 2 hãng này sáp nhập sẽ tiến thêm một bước là xem xét mua lại hoặc sáp nhập với 12 hãng hàng không trên. 

Giám đốc điều hành British Airways - ông Willie Walsh không cho biết tên các hãng hàng không nằm trong danh sách. Tuy nhiên, người ta tin rằng danh sách sẽ bao gồm các hãng hàng không của Trung Quốc và Ấn Độ.

Ông Walsh muốn sáp nhập hoàn toàn thay vì mua lại thiểu số cổ phần của các hãng hàng không. Ông hy vọng nhiều hãng hàng không sẽ tham gia cùng British Airways và Iberia Airlines xây dựng tập đoàn hàng không quốc tế (International Group Airline, viết tắt là IAC).

Ông Walsh nói: “Chúng tôi đã tổ chức nhiều cuộc họp xem xét, đánh giá các hãng hàng không trên toàn thế giới, chúng tôi chú ý đến các hãng hàng không có sức hấp dẫn với chúng tôi và chọn ra 12 hãng hàng không mục tiêu từ 40 hãng hàng không trên thế giới để quan sát tập trung hơn".

Ông nói thêm: “Đối với các hãng hàng không có cùng tư tưởng, nghĩa là họ tin rằng vụ sáp nhập là một phần trong sự phát triển của ngành hàng không, chúng tôi hy vọng tạo nền tảng cho họ”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tin kinh tế đáng chú ý 24g qua
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO