Quyền uy cây gậy giấy?

LAM HỒNG| 12/07/2012 05:46

Cây gậy trừng phạt kinh tế của Mỹ không còn đủ uy lực để răn đe các quốc gia khác, còn đồng thời cho thấy rõ hơn sức mạnh đi lên của các đối thủ của Mỹ.

Quyền uy cây gậy giấy?

Cây gậy trừng phạt kinh tế của Mỹ không còn đủ uy lực để răn đe các quốc gia khác, còn đồng thời cho thấy rõ hơn sức mạnh đi lên của các đối thủ của Mỹ.

Đọc E-paper

Người Mỹ biểu tình phản đối cấm vận Iran

Danh sách trừng phạt



Biện pháp trừng phạt của Mỹ nhắm vào Iran có hiệu lực từ ngày 28/6, khóa chặt các cửa thương mại dầu mỏ của Iran trị giá tới 95 tỷ USD mỗi năm.

Biện pháp này được Mỹ áp dụng nhằm khống chế Iran từ bỏ các chương trình vũ khí hạt nhân.

Ngay sau lệnh trừng phạt được Mỹ thông qua, Nhật Bản và 10 nước EU cũng đã cắt giảm thương mại với Iran. Tiếp theo đó, 7 nước khác, trong đó có Ấn Độ, cũng đã ngừng các hoạt động thương mại với Iran.

Mỹ chiếm 12% thương mại toàn cầu, đồng USD cũng chiếm 35% giao dịch quốc tế, nên các biện pháp trừng phạt thương mại thường được Mỹ sử dụng như một vũ khí lợi hại trong các chính sách ngoại giao.

Sử dụng quyền biểu quyết trong hàng loạt các tổ chức có ảnh hưởng đến quốc tế như: Liên Hiệp Quốc, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Tổ chức Thương mại Thế giới..., Mỹ đang đơn phương trừng phạt kinh tế hơn 75 quốc gia trong tổng số 193 nước trên thế giới với hàng loạt lý do được dẫn giải: phổ biến vũ khí hạt nhân, khủng bố, săn bắt cá voi, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, phân biệt tôn giáo và vi phạm nhân quyền...

Những nước luôn ở trong tầm ngắm là: Afghanistan, Cuba, Iran, Iraq, Libya, CHDCND Triều Tiên, Sudan, Syria, Yemen.

Một số quốc gia và vùng lãnh thổ khác cũng là đối tượng chú ý của Mỹ nhưng chưa bị trừng phạt một cách rõ ràng, như Canada, Ý hay Đài Loan.

Trước đây, các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ thường khiến những quốc gia bị trừng phạt suy yếu nặng nề về kinh tế.

Chẳng hạn, nếu tính cả mức trượt giá đồng USD so với giá vàng thì tổn thất do lệnh cấm vận của Mỹ, kéo dài 50 năm, qua 9 đời Tổng thống Mỹ, gây ra cho Cuba lên đến 975 tỷ USD.

Hay các biện pháp trừng phạt của Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) đối với hoạt động xuất khẩu dầu khiến Syria thiệt hại khoảng 4 tỷ USD.

Tuy nhiên, trải qua nhiều thập kỷ áp dụng vũ khí trừng phạt kinh tế, theo một số thành viên Quốc hội Mỹ, việc đơn phương cấm vận nước này, nước khác không còn là ưu thế của Mỹ.

Bởi vì, trong bối cảnh toàn cầu hóa, giao dịch thương mại toàn cầu có sự gắn kết với nhau thì lệnh trừng phạt từ Mỹ cũng gây khó khăn cho các nhà sản xuất Mỹ, trong khi không làm thay đổi các nước bị cấm vận.

Thượng nghị sĩ Pat Roberts gọi cấm vận là một loại “chính sách ngoại giao pháo hạm (sử dụng biện pháp mạnh) của thời đại mới”, không có pháo cũng chẳng có chiến hạm. Theo ông, Mỹ chưa bao giờ cấm vận thành công nước nào.

Cây gậy vô hiệu

Washington lựa chọn vũ khí trừng phạt kinh tế nhằm trừng phạt và răn đe các nước khác mà không phải dùng đến chiến tranh, không tốn kém. Tuy nhiên, hiện nay, chính sách này không phát huy hiệu quả.

Nước bị cấm vận có thể dựa vào chính các đối thủ cạnh tranh của Mỹ để tồn tại và phát triển. Cấm vận đa phương đòi hỏi đàm phán khó khăn và lâu dài giữa các nước, thậm chí càng thể hiện rõ sự suy yếu quyền lực của Mỹ trong bối cảnh các cường quốc khác đang muốn gia tăng quyền lực.

Chẳng hạn, Nga, Trung Quốc đã đe dọa sử dụng quyền phủ quyết để ngăn chặn việc Mỹ và châu Âu cấm vận Iraq cũng như Iran.

Quay trở lại lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ nhắm vào Iran, Bộ trưởng Dầu lửa Iran Rostam Ghassemi cho là việc thực hiện các biện pháp trừng phạt vô hiệu vì Iran đã có những khách hàng mới.

Theo ông Ghassemi, bất chấp cấm vận, châu Âu vẫn nhập dầu của Iran, từ 200.000 đến 300.000 thùng mỗi ngày.

Kevan Harris, một chuyên gia về Iran tại Đại học John Hopkins ở Mỹ, nói: “Các lệnh trừng phạt không thể ngăn chặn nguồn tiền chảy vào Iran, mà chỉ có thể làm đổi hướng dòng chảy của tiền tệ bằng cách đi qua một bên thứ ba, ví dụ như các ngân hàng nước ngoài không có mối liên hệ với Mỹ”.

Cho đến nay, các lệnh trừng phạt quốc tế áp đặt lên Iran trong 5 năm nhưng dường như đã không thể làm các công ty của Iran ngừng hoạt động và hàng hóa vẫn được bày bán trên các kệ hàng.

Các nhà phân tích nhận định, hàng hóa nhập khẩu vào Iran có thể đến từ các nguồn cung mới và các tàu vận chuyển hàng hóa của Iran sẽ tới những hải cảng nước ngoài khác mà đa số là ở châu Á.

Có lẽ vì vậy Washington gần đây đã bắt đầu hạn chế các lệnh trừng phạt kinh tế. Thậm chí, cựu Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell yêu cầu phải xem xét thay đổi chính sách cấm vận kinh tế, kể cả việc giảm thời gian cấm vận các nước “đối nghịch” như Libya hay Iran.

Năm 2011, nghị quyết lên án lệnh cấm vận chống Cuba của Mỹ được Đại hội đồng thông qua với 186 phiếu tán thành, 2 phiếu phản đối và 3 phiếu trắng.

Bởi vì, bất chấp các biện pháp cấm vận kinh tế của chính quyền Bush, Mỹ vẫn là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Cuba, với tổng kim ngạch xuất khẩu sang Cuba lên tới 582 triệu USD trong năm 2007 và 35 trong tổng số 50 bang của nước Mỹ hiện đang làm ăn với Cuba.

Mặc dù tại Quốc hội Mỹ, áp lực áp đặt các lệnh trừng phạt đối với việc xuất khẩu dầu mỏ của Iran và Ngân hàng Trung ương của nước này đang ngày càng tăng, song các quan chức của chính quyền Obama nói rằng họ phản đối việc này bởi động thái đó có thể gây ra tác động tới nền kinh tế thế giới.

Dẫu sao, Mỹ vẫn không từ bỏ chính sách trừng phạt kinh tế. Bằng chứng là tháng trước, Ủy ban Quan hệ Quốc tế của Quốc hội Mỹ đã gia hạn cấm vận Iran và Libya thêm 5 năm thay vì 2 năm như đề nghị của cựu ngoại trưởng Powell.

Dẫu sao, có cây gậy giơ lên vẫn tốt hơn là không có cây gậy nào...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Quyền uy cây gậy giấy?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO