Mô hình Singapore của Lý Quang Diệu đã bước vào khúc rẽ

LAM HỒNG| 01/04/2015 00:00

Thủ tướng Lý Hiển Long thừa nhận Singapore đang rất thành công nhưng không có nghĩa đất nước phồn thịnh này không tồn tại các vẫn đề cần giải quyết.

Mô hình Singapore của Lý Quang Diệu đã bước vào khúc rẽ

Mô hình phát triển Singapore do cố Thủ tướng Lý Quang Diệu tạo dựng từ thời lập quốc có thực sự là mô hình có thể áp dụng cho nhiều quốc gia?

Singapore trở thành một biểu tượng của giàu có, trật tự, hiệu quả và trung thực. Mặc dù thành quả này không phải hoàn toàn do một mình ông Lý tạo dựng nên, nhưng ngay cả các nhà phê bình khó tính nhất cũng sẽ đồng ý rằng ông Lý là người góp công rất lớn.

Dưới sự lãnh đạo của ông, Singapore từ một hòn đảo nhỏ không có tài nguyên thiên nhiên đã chuyển đổi thần kỳ thành một trong những nước giàu nhất thế giới. Ông Lý là một người quan sát sắc sảo thời cuộc trong sự biến chuyển rất quan trọng của thế giới: Trung Quốc mở cửa và sự phản ứng của Mỹ. Quốc đảo này đã khéo léo khai thác những lợi thế của một cảng tự nhiên có vị trí chiến lược trên eo biển Malacca, luân chuyển 40% thương mại hàng hải thế giới. Từ đó, đầu tư nước ngoài đổ vào ồ ạt.

Ông Lý có rất nhiều quyết định đúng để đưa Singapore ngày càng thịnh vượng hơn, đặc biệt là trong sự lựa chọn về mô hình quản lý kinh tế: chính phủ nhỏ, nền kinh tế mở, các quy định đơn giản, minh bạch và hiệu quả.

Singapore thường đứng đầu trong bảng xếp hạng về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới. Vì thế, lãnh đạo nhiều quốc gia tìm đến Singapore như tìm đến một mô hình quản trị hiệu quả và ông Lý như một nhà hiền triết. Rõ ràng, sự kết hợp của sự thịnh vượng và sự quản lý độc đảng của Singapore là một mô hình độc đáo.

Giới lãnh đạo Bắc Kinh, từ Đặng Tiểu Bình đến Tập Cận Bình, học hỏi Singapore không chỉ về quản lý kinh tế, mà còn về một mô hình quản lý xã hội tiên tiến. Lý Quang Diệu đã lãnh đạo thành công Singapore bằng chế độ độc đảng, một nét tương đồng với chế độ của Bắc Kinh. Vì vậy, các nhà lãnh đạo của Trung Quốc đặc biệt bị mê hoặc bởi cách nắm giữ quyền lực của ông Lý trong một thể chế rất minh bạch.

Không phải ngẫu nhiên mà ông Tập Cận Bình chọn Vương Kỳ Sơn là nhân vật quyền lực thứ hai tại Trung Quốc trong nỗ lực làm thanh sạch bộ máy quản lý. Ông Vương, hiện là lãnh đạo của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương (CCDI), về mặt lý thuyết, xếp ở vị trí thứ 6 trong 7 Ủy viên thường trực Bộ Chính trị. Những hành động chống tham nhũng quyết liệt của ông đã khiến 200.000 quan chức Trung Quốc bị xử lý, trong đó có 30 quan chức cấp Thứ trưởng trở lên.

Ổn định chính trị và trật tự xã hội là một phần của sự hấp dẫn của đảo quốc Singapore. Là một quốc gia đa sắc tộc, gồm người Hoa, Malay và Ấn Độ, Singapore từng xảy ra bạo loạn chủng tộc trong những năm 1960.

Kể từ đó hòa hợp dân tộc đã được đảm bảo bằng hạn ngạch nhà công cộng, hạn chế về ngôn luận, và hình phạt khắc nghiệt đối với vi phạm pháp luật (bao gồm cả án tử hình). Do đó, đình công và các hình thức biểu tình hiếm khi xảy ra.

Một xã hội luôn ngăn nắp, trật tự, nghiêm chỉnh, thượng tôn pháp luật được duy trì trong gần nửa thế kỷ qua. Đảng Hành động Nhân dân (PAP) của ông Lý đã có quyền lực tuyệt đối để thực hiện các ý chí chính trị phục vụ dân tộc. Hệ thống chính trị được dựa trên mô hình phương Tây, thừa hưởng từ Anh, nhưng điều chỉnh để ngăn chặn ảnh hưởng của một đảng đối lập. Trong cuộc tổng tuyển cử gần đây nhất, trong năm 2011, PAP chỉ giành được 60% số phiếu bầu, nhưng hơn 90% số ghế.

Tuy nhiên, cũng có một số nhà phê bình chê Singapore độc đoán như Triều Tiên hay "Disneyland với án tử hình", như William Gibson, một tiểu thuyết gia người Mỹ, mô tả trong năm 1993.

Dù vậy, những người ủng hộ ông Lý cho rằng những hạn chế này là cái giá quá rẻ cho sự ổn định và thịnh vượng mà Singapore đã tạo dựng. Số liệu GDP không nói dối: trong giai đoạn 1960 - 2011, thu nhập bình quân đầu người của Singapore đã tăng hơn 100 lần và hiện đã vượt 55.000 USD/người/năm.

Không giống như Triều Tiên hay Disneyland, Singapore là một mô hình mà tăng trưởng, thịnh vượng và tự do đi liền với nhau. Không giống như nhiều nhà lãnh đạo độc lập khác, ông Lý đã thiết kế một hệ thống chính trị để tồn tại lâu hơn ông. Chính phủ Singapore tạo ra cạnh tranh bầu cử đủ để giữ vững sự trung thực, nhưng không quá khốc liệt để có thể dẫn đến nguy cơ bất ổn cao. Vì vậy, đã có thể tránh chủ nghĩa dân túy và đưa ra quyết định vì lợi ích lâu dài của đất nước.

Nhiều nhà lãnh đạo các quốc gia khác sau đó đã sao chép mô hình của ông Lý, một số đã thành công, nhưng một số thường phải bỏ dở giữa chừng do thất bại trong kiềm chế tham nhũng hoặc đất nước họ đơn giản là quá lớn để có thể quản lý một cách dễ dàng như Singapore. Ngay cả Singapore cũng đang đặt những câu hỏi về mô hình mà họ theo đuổi kể từ khi lập quốc đến nay.

Kể từ khi độc lập vào năm 1965, ông Lý Quang Diệu đã xác định con đường phát triển của Singapore phải dựa trên ba nền tảng, đó là: thu hút đầu tư nước ngoài, dân số tăng trưởng ổn định thúc đẩy kinh tế phát triển và nền chính trị tập trung. Tuy nhiên, 50 năm sau, mô hình trên khó có thể đảm bảo cho sự tiếp tục của kỳ tích Singapore.

Chính phủ phải đối mặt với nhu cầu chi tiêu xã hội nhiều hơn, dân số lão hóa nhanh chóng, làn sóng nhập cư nước ngoài áp đảo người bản địa...

Nhà lập quốc Lý Quang Diệu tin tưởng tuyệt đối vào "Giá trị châu Á", với quan điểm lợi ích cộng đồng cao hơn lợi ích cá nhân và công dân cần hy sinh một số quyền tự chủ để đổi lấy sự quản lý nhà nước hiệu quả. Nhưng giới trẻ nước này đang tin tưởng rằng "ổn định không thể được duy trì nếu thiếu một xã hội dân sự mạnh mẽ".

Thủ tướng Lý Hiển Long, con trai của ông Lý Quang Diệu, cũng từng thừa nhận: "Chúng ta đang ở khúc rẽ, cần thay đổi. Hiện nay, chúng ta đang thành công, phồn vinh, nhưng không phải không tồn tại những vấn đề cần phải giải quyết". Các vấn đề tự do ngôn luận, siết chặt chính sách nhập cư, đánh thuế người giàu tăng phúc lợi xã hội... được triển khai mạnh mẽ cho thấy một Singapore của chính phủ Lý Hiển Long cởi mở và gần gũi hơn.

>Bloomberg: Quần áo ở Singapore đắt nhất thế giới
>Cử nhân Singapore đau đầu tìm việc
>Kinh doanh tại Singapore tốt nhất thế giới
>1 người Singapore làm việc bằng 15 người Việt Nam?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mô hình Singapore của Lý Quang Diệu đã bước vào khúc rẽ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO