IPO công ty Saudi Aramco: Thương vụ thế kỷ

LAM HỒNG| 12/01/2016 04:39

IPO của công ty dầu khí lớn nhất thế giới Saudi Aramco có thể đánh dấu sự kết thúc của trật tự dầu được thiết lập nửa thế kỷ qua.

IPO công ty Saudi Aramco: Thương vụ thế kỷ

IPO của công ty dầu khí lớn nhất thế giới Saudi Aramco có thể đánh dấu sự kết thúc của trật tự dầu được thiết lập nửa thế kỷ qua.

Đọc E-paper

Ngày 4/1, Hoàng tử Muhammed bin Salman, người đứng hàng thứ hai thừa kế ngôi vua tại Ả rập Xê út, sau Thái tử Mohammed bin Nayef, cho tờ The Economist biết, ông đang xem xét khả năng niêm yết công chúng lần đầu (IPO) Công ty Saudi Aramco. Thông tin này làm chấn động cả ngành dầu khí cũng như thị trường chứng khoán toàn cầu, đơn giản chỉ vì quy mô của Aramco.

>>Những thương vụ IPO hấp dẫn

Saudi Aramco, công ty trong nhiều thập niên độc quyền kiểm soát các mỏ dầu của Ả Rập Saudi và là công ty dầu khí lớn nhất thế giới với giá trị "hàng nghìn tỷ USD". Công ty này có trữ lượng dầu khí 261 tỷ thùng, gấp mười lần so với ExxonMobil; khai thác dầu nhiều hơn cả tổng lượng dầu nước Mỹ khai thác, khoảng 10,2 triệu thùng một ngày. Cho tới thời điểm này, Saudi Aramco chính là công ty năng lượng mạnh nhất thế giới với lợi nhuận mỗi ngày lên tới hơn 1 tỷ USD. Các nhà phân tích nhìn nhận, chỉ cần "mảnh vụn" của Aramco cũng đủ tăng quy mô của sàn chứng khoán Ả rập, hiện đang có giá trị thị trường tổng cộng khoảng 400 tỷ USD.

Hoàng tử Muhammad cho biết niêm yết Aramco không chỉ giúp tăng sức mạnh thị trường chứng khoán của vương quốc, mà đồng thời cũng sẽ làm cho Aramco kinh doanh minh bạch hơn. "Cá nhân tôi là nhiệt tình về bước này. Tôi tin rằng đó là vì lợi ích của thị trường Ả Rập, và đó là vì lợi ích của Aramco", Hoàng tử cho biết.

Theo The Economist, một quan chức cấp cao của Ả rập cho biết, mặc dù IPO nhưng vương quốc này không có ý định từ bỏ quyền kiểm soát Aramco hoặc trao nguồn tài nguyên dầu mỏ của mình cho các công ty nước ngoài. Aramco đang hoạt động đa ngành với 8 máy bay phản lực, trong đó có 4 chiếc Boeing 737, chuỗi các sân vận động bóng đá cùng một hệ thống bệnh viện sức chứa 360.000 người. Công ty này đang cung cấp lên đến chín phần mười thu nhập của chính phủ, là sự sống còn của đảng cầm quyền triều đại Al Saud.

Phó vương Muhammed bin Salman, 30 tuổi, nhỏ hơn Thái tử Mohammed bin Nayef 20 tuổi, được ghi nhận là một ông hoàng nhiều tham vọng, nắm nhiều quyền lực. Việc thay thế thái tử và bổ nhiệm phó thái tử được xem là sự thay đổi lớn nhất của vương quốc Hồi giáo cường thịnh này kể từ 70 năm qua.

Sự thay đổi chóng vánh đó đã đưa vị hoàng tử trẻ tuổi lên nấc thang quyền lực vào thời điểm Ả rập Xê út đang can dự vào một loạt cuộc xung đột trong khu vực nhằm bảo vệ trật tự trong tầm kiểm soát, đồng thời kiềm chế đối thủ truyền kiếp là Iran. Salman đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Phát triển kinh tế (thay nhiều cơ quan vốn từng vạch chính sách trong nước, từ kinh tế đến giáo dục, y tế). Ông  muốn đem lại sự tươi mới bằng cách tập hợp nhiều cố vấn trẻ từng du học ở các trường danh tiếng của Mỹ và châu Âu để tiến hành chương trình cải cách, ví dụ khuyến khích phụ nữ đi làm, cho họ có quyền tranh cử ở các hội đồng thành phố...

Niêm yết Công ty Saudi Aramco cũng nằm trong kế hoạch cải cách táo bạo của vị lãnh đạo trẻ này. Ông gọi chương trình này là một cuộc cách mạng "kiểu Thatcher" - so sánh với cuộc cải tổ nền kinh tế Anh thời Thủ tướng Margaret Thatcher thập niên 1980.Theo đó, các nhà đầu tư tư nhân sẽ được mời đóng một vai trò lớn hơn trong các lĩnh vực y tế, giáo dục; một số mảng quốc phòng, đất đai thuộc sở hữu nhà nước sẽ được bán và sẽ có thuế tiêu thụ đối với hàng tiêu dùng.

Tất cả các cải cách táo bạo của hoàng gia nổi tiếng "thận trọng và kín kẽ” này được Bloomberg nhận định là "do áp lực giá dầu giảm mạnh", khiến mỏ dầu của thế giới Ả rập Xê út mất vị trí quyết định. Ả Rập Xê út và các thành viên OPEC đang chọn cách giữ nguyên sản lượng nhằm giữ vững thị phần, thay vì cắt giảm sản lượng để nâng giá dầu. So với mức hơn 100 USD/thùng vào tháng 7/2014, giá dầu hiện tại giao dịch dưới ngưỡng 50 USD/thùng, mức trung bình của tháng 9/2015.

Ả Rập Xê út cũng tiếp tục đầu tư vào việc khai thác, sản xuất dầu mỏ, trong bối cảnh giá dầu thấp hiện nay chưa có dấu hiệu hồi phục trở lại. Ali Al-Naimi, Bộ trưởng Dầu mỏ Ả Rập Xê út phát biểu tại Istanbul rằng, quốc gia này sẽ đầu tư thêm vào các sản phẩm dầu mỏ. Tuy nhiên, tính chất bất ổn của giá dầu đã ảnh hưởng tới việc đầu tư, tạo nên tình huống không tốt đối với cả nhà sản xuất và khách hàng.

Niêm yết Saudi Aramco do đó là một phép thử của Ả rập trong ván bài bảo vệ thị phần trong thị trường dầu mỏ toàn cầu trước sự thắng thế của nhiều nguồn nguyên liệu mới, nhất là dầu đá phiến của Mỹ, phong điện và năng lượng Mặt trời. Cổ phần bán ở Saudi Aramco do đó có thể được dùng để rút tiền trước khi thế giới loại bỏ các nguyên liệu carbon với áp lực về môi trường. Đồng thời, đưa công ty này ra đại chúng cũng sẽ phù hợp với xu hướng tư nhân hóa ngành công nghiệp mỏ đang diễn ra mạnh mẽ...

>Phụ nữ vẫn bị đối xử tệ hại tại thế giới Ả Rập

>Xung đột Syria đe dọa sự phát triển của thế giới Ả rập

>Ả rập Xê út nhập vũ khí nhiều nhất thế giới

>Arab Saudi - nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
IPO công ty Saudi Aramco: Thương vụ thế kỷ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO