Điều gì đang chờ đợi Mỹ?

18/10/2013 09:28

Sau vụ bế tắc ngân sách ở Mỹ, hơn 70% cử tri được hỏi ý kiến cho biết họ sẽ thay sạch các nghị sĩ khóa 113 hiện nay nếu được quyền bỏ phiếu ngay!

Điều gì đang chờ đợi Mỹ?

Sau vụ bế tắc ngân sách ở Mỹ, hơn 70% cử tri được hỏi ý kiến cho biết họ sẽ thay sạch các nghị sĩ khóa 113 hiện nay nếu được quyền bỏ phiếu ngay!

Các thành viên của Hạ viện Mỹ rời quốc hội sau cuộc bỏ phiếu lúc 22 giờ đêm 16-10 Ảnh: REUTERS
Sáng sớm 17/10 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký phê chuẩn dự luật chi tiêu nhằm chấm dứt tình trạng chính phủ đóng cửa và cứu nước Mỹ thoát khỏi một cuộc vỡ nợ lịch sử. “Chúng ta sẽ lập tức mở cửa chính phủ, bắt đầu đẩy lùi những đám mây u ám phủ lên công việc và cuộc sống của người dân Mỹ” - ông Obama nhấn mạnh.

> Chính phủ Mỹ sắp hoạt động trở lại
> Mỹ thiệt hại 24 tỷ USD sau 16 ngày đóng cửa chính phủ

> Chính phủ Mỹ đóng cửa một số cơ quan liên bang

Mãi đến 22 giờ hôm 16/10 (theo giờ địa phương), dự luật nêu trên mới được thông qua ở hạ viện với 285 phiếu thuận và 144 phiếu chống. Chủ tịch hạ viện John Boehner đến phút chót cũng nằm trong số 87 nghị sĩ Cộng hòa bỏ phiếu ủng hộ dự luật. Kết quả ở thượng viện trước đó là 81 phiếu thuận và 18 phiếu chống.

Rất nhanh sau đó, Văn phòng Quản lý và Ngân sách cho hay gần 1 triệu viên chức liên bang trở lại làm việc vào sáng 17/10. Một tin vui là họ sẽ được truy lĩnh lương cho 2 tuần ngồi chơi xơi nước. Giới lãnh đạo Quốc hội Mỹ cũng không bỏ phí thời gian khi bắt đầu chỉ định các nhà đàm phán để tìm kiếm giải pháp dài hạn hơn trước khi tái diễn nguy cơ đóng cửa và vỡ nợ vào đầu năm sau, bởi lẽ đạo luật chi tiêu mới chỉ cung cấp ngân sách cho chính phủ liên bang tới ngày 15/1/2014 và gia hạn quyền vay nợ tới ngày 7/2/2014.

Thị trường chứng khoán toàn cầu ngay lập tức bật dậy. Chứng khoán Mỹ đảo chiều tăng vọt trong phiên giao dịch ngày 16-10. Dẫn đầu đà tăng là các cổ phiếu ngành ngân hàng, trong đó Bank of America tăng 2,3%, Citigroup tăng 4,1% và JPMorgan Chase tăng 3,2%. Cùng ngày, giá dầu thế giới cũng có dấu hiệu hồi phục. Tại sàn giao dịch New York, giá dầu thô ngọt nhẹ giao kỳ hạn tháng 11 tăng 1,36 USD, chốt phiên đạt mức 102,57 USD/thùng.

16 ngày đóng cửa vừa qua làm giảm 0,6% GDP của Mỹ trong quý IV, tương đương thiệt hại 24 tỉ USD - tức 1,5 tỉ USD/ngày, theo ước tính ngày 16-10 của cơ quan đánh giá tín dụng lớn nhất nước Mỹ Standard and Poor's (S&P). Con số này lớn hơn nhiều so với dự đoán thiệt hại 300 triệu USD/ngày của Trung tâm Nghiên cứu IHS có trụ sở tại Massachusetts trước đó. Hậu quả của việc đóng cửa sẽ còn ảnh hưởng lâu dài.

“Tổn thất kinh tế thực sự xuất phát từ tình trạng bất ổn tăng cao. Càng bất ổn thì doanh nghiệp càng do dự trong việc thực hiện dự án mới, còn người tiêu dùng sẽ tiết kiệm thay vì chi tiêu” - ông Guy LeBas, Trưởng bộ phận chiến lược sản phẩm thu nhập cố định của Công ty Janney Capital Market, phân tích.

Theo tờ Politico, đây chưa phải là chiến thắng đáng kể của Tổng thống Obama và phe Dân chủ nhưng rõ ràng phe Cộng hòa ê chề hơn nhiều. Đạo luật Chăm sóc y tế (thường gọi là Obamacare), nguyên nhân bề nổi của tình trạng bế tắc chính trị thời gian qua, hầu như không bị ảnh hưởng.

“Chúng ta đã chiến đấu hết mình. Có điều, chúng ta không thắng cuộc” - Chủ tịch hạ viện Boehner thừa nhận. Trong khi Thượng nghị sĩ Lindsey Graham cay đắng: “Hai tuần qua quá tệ đối với Đảng Cộng hòa” thì Thượng nghị sĩ John McCain cảm khái: “Vụ bế tắc ngân sách vừa qua là một trong những chương đáng xấu hổ trong thời gian tôi làm việc ở thượng viện”.

Tuy nhiên, diễn biến có lẽ đúng với phát biểu của phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney: “Không có kẻ thắng ở đây!”. Đảng Cộng hòa mất uy tín thảm hại song tỉ lệ ủng hộ Tổng thống Obama cũng rớt hạng, còn nước Mỹ bị tổn thương danh tiếng “thiên đường tài chính an toàn”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Điều gì đang chờ đợi Mỹ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO