Công ty gia đình: Vượt qua lời nguyền

HÀ CÚC| 05/07/2012 09:15

Mặc dù mô hình kinh doanh gia đình đang suy yếu tại nhiều quốc gia, nhưng những công ty gia đình tồn tại hàng trăm năm vẫn là minh chứng cho những bí quyết kinh doanh mang đậm màu sắc dòng họ.

Công ty gia đình: Vượt qua lời nguyền

Mặc dù mô hình kinh doanh gia đình đang suy yếu tại nhiều quốc gia, nhưng những công ty gia đình tồn tại hàng trăm năm vẫn là minh chứng cho những bí quyết kinh doanh mang đậm màu sắc dòng họ.

Đọc E-paper

Gia đình tỷ phú Macao Staney Ho

Cách đây gần 400 năm, Avedis Zildjian thành lập một công ty chế tác dụng cụ chơi nhạc tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Thế hệ đời thứ 14 hiện nay của gia tộc là hai chị em bà Craigie và em gái Debbie Zildjian.

Công ty của gia tộc Zildjian đã vươn chi nhánh sang tận nước Mỹ và sinh tồn trong những thời kỳ khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất như đại suy thoái và hai cuộc đại chiến thế giới I và II. Công ty đang kiểm soát 65% thị trường nhạc cụ bạt của thế giới và có khoản lợi nhuận hơn 50 triệu USD năm ngoái.

Bí mật để Zildjian tồn tại suốt 4 thế kỷ trước hết là bí quyết pha chế các hợp kim đặc biệt để cho ra những loại bạt tiếng chuẩn nhất thế giới. Nhưng vượt ra ngoài truyền thuyết, có những bí quyết khác để Zildjian giữ truyền thống kinh doanh trong gia đình.

Chẳng hạn, mỗi thành viên trong Zildjian muốn làm việc trong công ty phải tốt nghiệp đại học và phải có kinh nghiệm làm việc ở bên ngoài công ty.

Cũng giống như Zildjian, theo Viện Công ty gia đình, trên phạm vi toàn cầu, các doanh nghiệp gia đình là rất phổ biến, và đóng góp khoảng 70% GDP toàn cầu. Có hơn 20 triệu doanh nghiệp gia đình ở Mỹ, đóng góp khoảng 5,9 ngàn tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ hằng năm, và sử dụng hơn một nửa lực lượng lao động của đất nước. Wal-Mart, Toyota, Ford, Peugeot, Samsung... là những công ty gia đình tiêu biểu trên thế giới.

Theo Credit Suisse, các công ty gia đình là chìa khóa thành công ở các nền kinh tế mới nổi châu Á. Các công ty gia đình chiếm một nửa số công ty châu Á niêm yết công khai; chiếm 1/3 giá trị thị trường chứng khoán của khu vực và sử dụng hàng triệu lao động.

Theo Business Insider, các công ty gia đình hiện đóng góp một phần rất lớn vào nền kinh tế Mỹ, khoảng 1/3 doanh nghiệp thuộc chỉ số S&P 500 là công ty gia đình. Công ty gia đình lâu đời nhất trên thế giới (được thành lập năm 718) là Houshi Onsen ở Komatsu, Nhật Bản. Tuy nhiên, rất ít doanh nghiệp gia đình tồn tại nhiều hơn ba thế hệ.

Xu hướng toàn cầu hóa tạo ra nhiều hơn hay ít hơn các thương hiệu công ty gia đình? Theo giáo sư John Davis, giảng viên trường kinh doanh Harvard, xu hướng hiện nay cho thấy các công ty gia đình đang bị suy yếu vì quản trị hiện đại đòi hỏi cần phải phá vỡ phạm vi gia đình.

Châu Á là nơi mô hình doanh nghiệp gia đình đóng vai trò thống trị, nhưng các công ty gia đình ở châu Á (phần lớn thành lập sau chiến tranh thế giới thứ II) hiện đang phải đối mặt với khó khăn khi người sáng lập dần phải trao quyền cho thế hệ sau. Hàng loạt công ty rơi vào các tranh chấp pháp lý về tài sản, hoặc quyền thừa kế.

Đây là bài học điển hình từ Samsung, Hyundai (Hàn Quốc)... Trong một nghiên cứu mới đây, kết quả theo dõi hiệu suất thị trường của 250 công ty gia đình khi trải qua quá trình chuyển giao quyền lực cho thế hệ mới cho thấy, trung bình, giá trị cổ phiếu của các công ty này giảm khoảng 60% trong giai đoạn từ 5 năm trước khi chuyển giao và kéo dài đến tận 3 năm sau khi lãnh đạo mới nắm quyền.

Những công ty gia đình lớn nhất châu Á

- Samsung Electronics (Hàn Quốc)
- Reliance Industries (Ấn Độ)
- Hon Hai Precision Industries/Foxconn (Đài Loan)
- Sun Hung Kai Properties (Hồng Kông)
- Tata Consulting (Ấn Độ)
- Cheung Kong (Hồng Kông)
- Hutchison Whampoa (Hồng Kông)
- Wilmar International (Singapore)
- Bharti Airtel (Ấn Độ)
- Formosa Petrochemical (Đài Loan)

(Nguồn: Credit Suisse)

Để tồn tại và phát triển, nhiều công ty đã từ bỏ mô hình gia đình trị. Hàn Quốc là điển hình cho thấy công ty sẽ nhanh chóng thay đổi cơ cấu sở hữu khi người sáng lập ra đi. Trong vòng mười năm qua, các tập đoàn lớn dần dần thoát khỏi ảnh hưởng của gia đình.

Ở Samsung, hiện nay cổ đông nước ngoài sở hữu phần lớn công ty. Tập đoàn Hyundai bị chia nhỏ ra cho ba người con của Chung Ju-yung sau khi ông này mất. Tuy nhiên, giáo sư John Davis nhận xét: “Ngay lúc này, rất khó để nói xu hướng toàn cầu hóa sẽ ảnh hưởng thế nào đến công ty gia đình. Một vài gia đình và công ty biến đổi nhiều hơn những công ty gia đình khác. Các thương hiệu gia đình mạnh nhất sẽ phát triển mạnh giữa sự cạnh tranh toàn cầu”.

Thành công của dòng họ Zildjian hay hàng loạt công ty gia đình lớn của thế giới (theo danh sách của Forbes) là minh chứng: Bechtel (thành lập năm 1898, doanh thu: 30,8 tỷ USD), Mars (thành lập năm 1911, doanh thu: 28 tỷ USD), SC Johnson & Son (thành lập năm 1886, doanh thu: 9 tỷ USD); HE Butt Grocery (thành lập năm 1905, doanh thu: 15,1 tỷ USD)...

“Nó khẳng định tên tuổi của chúng tôi, chúng tôi không những chú trọng đến vấn đề lợi nhuận, mà còn quan tâm đến uy tín kinh doanh và bản sắc văn hóa”, bà Debbie Zildjian nói về bí quyết thành công của dòng họ. “Để phát triển qua 14 thế hệ, chúng tôi luôn đón đầu thị trường. Phát triển nhưng vẫn giữ nguyên bản sắc của chính mình, đó là kim chỉ nam kinh doanh thành công”, bà cho biết thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Công ty gia đình: Vượt qua lời nguyền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO