Ấn Độ: Tìm kiếm một giấc mơ

THỤY KHA| 04/10/2012 05:42

Để thuyết phục cử tri về sự cần thiết phải cải cách, các nhà lãnh đạo Ấn Độ cần có một tầm nhìn mới về tương lai.

Ấn Độ: Tìm kiếm một giấc mơ

Để thuyết phục cử tri về sự cần thiết phải cải cách, các nhà lãnh đạo Ấn Độ cần có một tầm nhìn mới về tương lai.

Đọc E-paper

Khi Ấn Độ giành được độc lập cách đây 65 năm, các nhà lãnh đạo nước này đã có một giấc mơ cho tương lai của đất nước, một giấc mơ hiếm hoi và đáng ngưỡng mộ ở châu Á: dân chủ tự do. Nhờ tầm nhìn này, người dân Ấn Độ được tận hưởng sự tự do để phản đối, bầu cử, đi du lịch, cầu nguyện, và bất cứ điều gì họ muốn...

Nhưng tầm nhìn kinh tế lại là một thất bại. Mahatma Gandhi, lãnh đạo các phong trào độc lập, Thủ tướng đầu tiên, và con gái của ông là Indira Gandhi, đã để lại một đất nước đói nghèo, tăng trưởng ảm đạm 3-4% GDP mỗi năm trong hơn nửa thế kỷ.

Cuộc khủng hoảng kinh tế cách đây 21 năm buộc Ấn Độ phải cải tổ. Kiến trúc sư trưởng cho cuộc cải tổ này là Thủ tướng Manmohan Singh. Ông đã cho tự do hóa nền kinh tế, mở cửa cho thương nhân và nhà đầu tư, dẫn đến một sự thay đổi ngoạn mục: Ấn Độ có một nền công nghiệp tầm cỡ thế giới, tạo đà cho kinh tế bùng nổ.

Kéo theo đó là sự giàu có, tỷ lệ biết chữ tăng vọt, tuổi thọ tăng và thu nhập cũng tăng... Nhưng những cải cách đã không đi đủ xa. Chính sách của Ấn Độ vẫn không khuyến khích đầu tư nước ngoài và phân biệt đối xử với doanh nghiệp tư nhân.

Nhà nước kiểm soát quá nhiều nền kinh tế và trợ cấp đã bóp méo giá cả. Mặc dù ngành công nghiệp dịch vụ của Ấn Độ có hàng triệu lao động có kỹ năng nhưng lại thất bại trong việc tạo ra các cơ sở sản xuất khổng lồ như Trung Quốc.

Tham nhũng cản trở kinh doanh, trong khi nhà nước không hoàn thành các mục tiêu cơ bản trong y tế và giáo dục. Vì vậy, người đói nghèo ở Ấn Độ nhiều hơn ở Trung Quốc.

Tình thế này buộc Ấn Độ phải cải cách nhiều hơn nữa. Luật Lao động đòi hỏi trả lương cao hơn Trung Quốc cần phải được loại bỏ. Chính sách đầu tư nước ngoài cần phải được nới lỏng để nâng cao tiêu chuẩn về tài chính, giáo dục và cơ sở hạ tầng cao hơn.

Vai trò của nhà nước trong lĩnh vực điện, than, đường sắt và du lịch hàng không cần thu nhỏ. Quy định về mua đất cần phải được thay đổi. Dân chủ cũng là vấn đề, bởi vì chính phủ có nguy cơ lạm dụng quyền lực.

Ấn Độ nổi bật như Mỹ vào cuối thế kỷ XIX: rất lớn, đa dạng, thế tục, vật chất, chủ yếu là khoan dung và tự hào dân chủ. Đối với Ấn Độ, để thực hiện lời hứa của mình, cần phải xây dựng cho mình một giấc mơ riêng. Nó phải cam kết không chỉ tự do chính trị và dân sự, mà còn tự do kinh tế.

Điều đó không có nghĩa là thu hẹp vai trò của chính phủ, mà nhà nước nên rút khỏi lĩnh vực không kinh doanh, tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng, và để điều chỉnh thị trường thì cần trở nên cởi mở hơn trong các giao dịch của nó.

Thủ tướng Singh đã làm tốt vai trò của mình, nhưng ông đã 80 tuổi và dù sao cũng chỉ là một quan chức chứ không phải là một nhà lãnh đạo. Bà Sonia Gandhi trở thành Chủ tịch Đảng Quốc đại từ năm 1998 và được coi là nhà kiến trúc sư của chính phủ Liên minh Tiến bộ thống nhất (UPA) do Đảng Quốc đại lãnh đạo.

Dư luận đánh giá bà Sonia Gandhi hiện là chính trị gia có uy quyền nhất ở Ấn Độ, là một trong những phụ nữ quyền lực và có ảnh hưởng nhất tại Ấn Độ hiện nay. Tuy nhiên, người phụ nữ quyền lực này chỉ tập trung cho các chương trình phúc lợi xã hội chứ chưa tạo ra động lực cho một cuộc cải tổ mạnh mẽ.

Chính trường Ấn Độ đang ồn ào chuyện Đảng Quốc đại cầm quyền đang rất cần được cải tổ. Cốt lõi của chuyện này là vai trò của Tổng thư ký Đảng Rahul Gandhi, thế hệ thứ tư của dòng họ Nehru Gandhi đã ba đời làm thủ tướng Ấn Độ.

Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử nghị viện 2 bang Uttar Pradesh và Bihar vừa qua, ông Rahul chưa cho thấy có ý tưởng gì mới trong cương lĩnh hành động.

Giấc mơ của Ấn Độ liệu có quá xa vời?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ấn Độ: Tìm kiếm một giấc mơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO