Theo dự báo của Bộ Công Thương, tốc độ tăng sản lượng thức ăn chăn nuôi (TACN) năm 2014 có dấu hiệu chững lại. Nhưng dường như nỗi lo này chỉ đối với các doanh nghiệp (DN) trong nước, còn các công ty nước ngoài vẫn lạc quan mở rộng sản xuất.
Tháng 4, Tập đoàn Gold Coin của Hoa Kỳ khánh thành nhà máy TACN Gold Coin Hải Dương với vốn đầu tư hơn 260 tỷ đồng, công suất 300.000 tấn/năm.
Sau đó một tháng, Công ty TACN Cargill Feed & Nutrition (CFN) (Mỹ) cũng khánh thành dự án 20 triệu USD mở rộng nhà máy tại Bình Định, một trong 8 nhà máy của Cargill tại Việt Nam, với công suất gấp bốn lần, từ 60.000 tấn/năm lên 240.000 tấn/năm, nâng tổng vốn đầu tư của Cargill tại Việt Nam trong 10 năm qua hơn 110 triệu USD.
> Mỗi năm phải nhập trên 300 triệu USD thức ăn chăn nuôi > Gỡ bí cho thức ăn chăn nuôi > Quanh quẩn chuyện thức ăn chăn nuôi > Thức ăn chăn nuôi: Giá cao, chất lượng kém > Thị trường thức ăn chăn nuôi: "Nóng" hầm hập! |
Ông Joe Stone, Giám đốc Kinh doanh toàn cầu của CFN, cho biết, với việc mở rộng nhà máy này, tổng công suất trên toàn hệ thống của Cargill sẽ là 1,4 triệu tấn/năm tại Việt Nam.
Các công ty này liên tục nâng công suất là nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường rất lớn của Việt Nam. Tính cả kim ngạch nhập khẩu TACN và các loại nguyên liệu như đậu nành, bắp, lúa mì... trong năm 2013, Việt Nam đã nhập hơn 4 tỷ USD. Sức hấp dẫn của thị trường này thu hút Công ty TNHH Tongwei (Trung Quốc) đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất TACN tại Khu công nghiệp tỉnh Hòa Bình.
Nhà máy có tổng mức đầu tư 10 triệu USD, trên diện tích 22.345m2 tại KCN Lương Sơn với công suất 200.000 tấn/năm, trong đó 150.000 tấn thức ăn cho lợn, 30.000 tấn thức ăn cho gà, 20.000 tấn thức ăn cho vịt. Nhà đầu tư Trung Quốc đặt mục tiêu đưa dự án vào hoạt động trong tháng 10-11/2015 và tháng 12/2015 bắt đầu sản xuất thương mại.
Cargill đang nắm khoảng 7 - 8% thị phần TACN tại Việt Nam cùng khoảng đầu tư 2 triệu USD để cập nhật công nghệ sản xuất mới. Trước tình hình đầu ra thị trường liên tục lên xuống, các thương hiệu TACN lớn đã thay đổi các hình thức bán hàng. Chẳng hạn, ngoài 95% kênh bán hàng thông qua đại lý, Cargill đang đẩy mạnh bán hàng trực tiếp cho các trang trại.
Ông David Glasson, Giám đốc điều hành Gold Coin, cho rằng: "Mặc dù tốc độ tăng trưởng của Việt Nam có thể sẽ giảm trong vài năm tới nhưng Gold Coin vẫn kỳ vọng sẽ tiếp tục hoạt động tốt tại Việt Nam do nhu cầu ngày càng tăng của thị trường". Năm 2012, Gold Coin đã tăng công suất nhà máy lên 50% nhưng vẫn không đủ nhu cầu thị trường.
Đến tháng 11/2012, Công ty tiếp tục xây nhà máy thứ hai và tháng 4/2014 đưa vào vận hành nhà máy thứ ba. Ngay khi đi vào hoat động, nhà máy mới đã đạt 70% công suất. Hiện nay tại thị trường phía Bắc, Gold Coin đang chiếm khoảng 6% thị phần và hy vọng năm tới sẽ tăng lên 8%. Gold Coin cũng muốn Việt Nam thành thị trường hàng đầu trong khu vực. Bởi mới vào Việt Nam 10 năm nhưng Gold Coin Việt Nam đã có tốc độ phát triển sát nút với Gold Coin Malaysia.
Không thể cạnh tranh
Thị trường TACN giàu tiềm năng với tăng trưởng trung bình hằng năm từ 13 - 15% nhưng khoảng 56% thị phần đang nằm trong tay các công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Theo ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội TACN, đứng trước sức ép cạnh tranh, các DN nội địa đang rất khó khăn và nhiều DN đã bị phá sản.
Hiện cả nước có 234 DN TACN, trong đó chỉ còn 194 cơ sở, DN đang hoạt động, có 40 nhà máy chủ yếu vốn trong nước đã ngừng sản xuất, hoặc chuyển hướng kinh doanh.
Chẳng hạn, theo báo cáo kinh doanh của Công ty cổ phần TACN Việt Thắng, doanh thu thuần quý I/2014 đạt 799,11 tỷ đồng, giảm 257 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2013. Nguyên nhân do giá cá tra giảm trong thời gian dài, người nuôi không có lãi nên đã giảm sản lượng nuôi, dẫn đến sản lượng tiêu thụ thức ăn giảm.
Việc khó cạnh tranh của DN TACN nội, theo các DN là do giá nguyên liệu và chi phí đầu vào cao, trong khi vốn lưu động không nhiều, chính sách bán hàng ít linh hoạt như các công ty nước ngoài. Nếu như các DN FDI chi rất nhiều "hoa hồng" cho đại lý, có cơ chế thưởng theo doanh số, cho nông dân mua chịu... thì DN nội chỉ có thể chi một phần rất nhỏ nên không thể cạnh tranh được.
Mặt khác, theo ông Phạm Đức Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội TACN Việt Nam, 100% bắp nhập về dùng cho sản xuất TACN, đậu nành hạt nhập về để ép lấy dầu, còn 80% bã dùng cho chăn nuôi. Riêng với lúa mì, khoảng 20% sản lượng lúa mì nhập khẩu phục vụ ngành chăn nuôi. Việt Nam chỉ chủ động được nguồn cám gạo, khoai mì, còn lại phụ thuộc vào nhập khẩu.
Bên cạnh đó, theo phân tích của ông David Glasson thì: "Có ba lý do khiến các DN Việt Nam chưa thực sự mạnh trên thị trường TACN là do vốn mỏng, thứ hai là do yếu và thiếu về công nghệ, thứ ba là trình độ quản lý còn nhiều hạn chế. Nếu thay đổi cách làm, DN nội địa vẫn có thể nắm thị trường".
Tuy nhiên, phân tích thêm về khó khăn trong việc nhập nguyên liệu, giám đốc một công ty sản xuất TANC Việt Nam cho biết, ngay cả các công ty nước ngoài thì vấn đề nguyên liệu cũng đang khó khăn. Như Cargill vẫn phải nhập đậu nành và bắp, Gold Coin phải nhập 40% nguyên liệu từ nước ngoài, trong đó có một số nguyên liệu phải nhập 100% như khô đậu nành và bắp... nhưng DN nước ngoài có lợi thế được vay bằng ngoại tệ, vay vốn không phải thế chấp, chưa kể còn được công ty mẹ hỗ trợ về việc mua nguyên liệu giá thấp và được trả chậm..., trong khi DN trong nước vẫn phải vay với lãi suất cao.