Những diễn biến trái chiều
Chứng khoán Mỹ có mức giảm điểm nhẹ trong ngày 29/9/2020, khi chờ đợi phiên tranh luận giữa hai ứng cử viên tổng thống Mỹ nhiệm kỳ năm 2021-2024 là ông Donald Trump và Joe Biden. Trong thời gian diễn ra cuộc tranh luận vào sáng ngày 30/9/2020 (theo giờ Việt Nam), các chỉ số chứng khoán tăng nhẹ, nhưng khi phiên tranh luận kết thúc đã giảm trở lại gần 0,5%, ảnh hưởng tiêu cực lên các chỉ số chứng khoán toàn cầu.
Thị trường vàng diễn biến theo chiều ngược lại. Khi Tổng thống Trump và ứng viên tổng thống Biden bước vào cuộc tranh luận, giá vàng nhanh chóng lấy lại mốc 1.900 USD/oz, sau khi đã để mất giá đó vào một tuần trước.
Giá dầu cũng có một phiên giao dịch trong sắc xanh, với giá dầu WTI của Mỹ tăng trở lại vùng 40 USD/thùng, nhưng đà tăng đã không thể duy trì khi thị trường đột ngột giảm sâu trong những ngày đầu tháng 10 và có lúc rớt về dưới mốc 37 USD/thùng, chủ yếu bị ảnh hưởng trước áp lực nguồn cung tăng lên từ OPEC.
Có thể thấy cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai ứng cử viên tổng thống Mỹ đã có những ảnh hưởng nhất định lên các thị trường tài chính khắp toàn cầu. Ông Trump và ông Biden sẽ có hai cuộc tranh luận nữa, lần tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 15/10/2020 và lần cuối cùng diễn ra ngày 22/10/2020, với điều kiện ông Trump sớm hồi phục sau khi đã thông báo nhiễm SARS-CoV-2 vào cuối tuần qua.
Dù vậy, lịch sử cho thấy thị trường thường không biến động quá lớn sau các cuộc tranh luận đầu tiên của hai ứng cử viên tổng thống Mỹ - cũng là cuộc tranh luận có nhiều người theo dõi nhất. Các thống kê từ dữ liệu thị trường Dow Jones cho thấy, trong những lần bầu cử kể từ năm 1960 - khi diễn ra các cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên tổng thống Mỹ, mức biến động trung bình của chỉ số S&P 500 vào ngày hôm sau là -0,14%. Tuy nhiên, phản ứng thị trường đối với những cuộc tranh luận tiếp theo giữa hai ứng cử viên vẫn rất khó lường.
Trong cuộc tranh luận đầu tiên, ông Trump và ông Biden đã tranh cãi nảy lửa về một số vấn đề, bao gồm cách quản lý kinh tế Mỹ, việc bổ nhiệm Amy Coney Barrett làm Chánh án Tòa án Tối cao cũng như cách xử lý trong đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, ấn tượng đọng lại trong những người theo dõi là những màn cắt ngang và đả kích cá nhân lẫn nhau giữa hai ứng cử viên khiến cuộc tranh luận bị vỡ vụn, rơi vào tình trạng hỗn loạn và lệch xa khỏi mục tiêu ban đầu là trình bày các chính sách kinh tế - xã hội của hai ứng cử viên.
Theo RealClearPolitics, trước cuộc tranh luận, ông Biden đang dẫn trước ông Trump khoảng 6,1 điểm phần trăm trong các cuộc khảo sát gần đây. Còn theo đánh giá của CNN, Tổng thống Trump có vẻ như kiểm soát cuộc tranh luận khi liên tục công kích đối thủ, nhưng điều này không đồng nghĩa với một chiến thắng dành cho ông.
Ai được giới tài chính ưa thích?
Trong khi giới đầu tư kỳ vọng quá trình tranh luận sẽ giúp sớm xác định người chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu vào đầu tháng 11, nhưng đó dường như là một thách thức không nhỏ vào thời điểm này, khi hai ứng cử viên tổng thống Mỹ chưa đáp ứng được những gì mà cử tri mong đợi. Điều này càng khiến thị trường tài chính có thể thêm bất ổn khó lường trong tháng 10 này.
Nhiều chuyên gia phân tích đánh giá sự bất ổn xoay quanh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ là một yếu tố tiêu cực cho thị trường chứng khoán cho tới cuối năm 2020. Kịch bản nào sẽ mang lại cả rủi ro và lợi ích. Một số nhà đầu tư lo ngại về khả năng ông Biden thắng cử thì sẽ kêu gọi tăng thuế đối với các tập đoàn và cá nhân có thu nhập cao, đồng thời thắt chặt kiểm soát đối với một số lĩnh vực như năng lượng, ngân hàng và chăm sóc sức khỏe.
Ở chiều lợi ích, ông Biden làm tổng thống góp phần xoa dịu lo ngại về cuộc chiến thương mại và nhiều khả năng sẽ có thêm gói kích thích cho nền kinh tế, tiếp tục tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng trong bối cảnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, không có gì lạ khi giới phân tích nhận định, nếu ứng viên tổng thống Biden làm tốt vai trò tranh cử sẽ gây sức ép tăng giá vàng vì lúc đó đồng USD có thể bị bán tháo.
Ở chiều ngược lại, các chuyên gia phân tích xem triển vọng nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump là yếu tố tích cực cho thị trường chứng khoán, trong khi nếu ứng viên Biden chiến thắng sẽ dẫn đến sự sụt giảm, đặc biệt là trong trường hợp Đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát thượng viện từ Đảng Cộng hòa, đồng thời vẫn giữ vững quyền kiểm soát hạ viện. Ông Biden cũng không quá tập trung vào diễn biến của thị trường chứng khoán như tổng thống đương nhiệm, vốn luôn xem sự tăng trưởng của chứng khoán là kết quả tích cực cho chính sách điều hành kinh tế của mình.
Bên cạnh đó, nếu ông Trump tiếp tục đắc cử sẽ đảm bảo cho chính sách cắt giảm thuế doanh nghiệp được đưa ra hồi năm 2017 vẫn được duy trì. Ông cũng sẽ thúc đẩy chi tiêu cơ sở hạ tầng nhiều hơn, đồng thời nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì lập trường đối đầu với Trung Quốc.
Tuy nhiên, vẫn có những dự báo ngược lại với số đông thường nghĩ. Theo phân tích của nhóm nghiên cứu Cornerstone Macro, nếu ông Biden đắc cử có thể làm tăng chỉ số S&P 500 khoảng 1% vào ngày hôm sau, trong khi ông Trump tái đắc cử sẽ đẩy chỉ số này xuống khoảng 4%.
Hãng Moody đã đưa ra một dự báo rất lạc quan cho Biden, nếu ông ta thắng, GDP Mỹ sẽ tăng trung bình 4,2% trong bốn năm tới so với 3,1% nếu Trump thắng. Nghiên cứu từ Oxford Economics cũng đưa ra dự báo nếu Biden thắng và thông qua được kế hoạch kinh tế Bidenomics, GDP của Mỹ năm 2021 có thể tăng 5,8%.
Dĩ nhiên dự báo vẫn chỉ là dự báo và sự không chính xác luôn xảy ra. Nhưng những nghiên cứu mới này cho thấy ít nhất giới kinh tế khá lạc quan với trường hợp Biden thắng cử. Cũng cần lưu ý rằng, kết quả của cuộc bầu cử không phải là mối bận tâm lớn nhất của Phố Wall. Có một kịch bản đang ngày càng được bàn đến nhiều hơn: Rất có thể cuộc bầu cử sẽ chưa thể ngã ngũ sau ngày 3/11/2020, và có khả năng kể cả khi đã xác định được ông Trump hay ông Biden thắng cử thì việc chuyển giao quyền lực sẽ không suôn sẻ.