Trọng tài ở World Cup 2014: Chưa xứng tầm?

HẢI MINH| 17/06/2014 04:47

Hãy tưởng tượng đội tuyển Mỹ sắp có trận đấu có ý nghĩa sống còn của họ vào ngày 26/6 gặp Đức trong lượt vòng bảng cuối cùng, trong đó, trọng tài là một người Tahiti tên là Norbert Hauata, chưa từng có kinh nghiệm ở World Cup. Ông chủ yếu có mặt ở giải vô địch Tahiti, một đất nước chưa bao giờ có đội bóng dự World Cup.

Trọng tài ở World Cup 2014: Chưa xứng tầm?

Hãy tưởng tượng đội tuyển Mỹ sắp có trận đấu có ý nghĩa sống còn của họ vào ngày 26/6 gặp Đức trong lượt vòng bảng cuối cùng, trong đó, trọng tài là một người Tahiti tên là Norbert Hauata, chưa từng có kinh nghiệm ở World Cup. Ông chủ yếu có mặt ở giải vô địch Tahiti, một đất nước chưa bao giờ có đội bóng dự World Cup.

Đọc E-paper

Công nghệ phun bọt được áp dụng ở World Cup 2014 nhằm giúp các trọng tài làm việc tốt hơn

Kịch bản đó hoàn toàn có thể xảy ra. Vì Hauata có mặt trong danh sách 9 người dự bị cho 24 trọng tài bắt chính ở World Cup Brazil 2014. Và vấn đề lớn hơn ở chỗ không chỉ các dự bị thiếu kinh nghiệm.

Ngay cả 24 trọng tài chính thức của World Cup, không ít người chưa bao giờ bắt những trận đấu lớn. Trong khi 31 đội dự World Cup, trừ đội chủ nhà, phải trải qua vòng loại rất khắc nghiệt kéo dài suốt 2 năm thì các trọng tài được FIFA lựa chọn gần như theo cảm tính từ 40 nước khác nhau.

Hệ thống đó hoàn toàn khác với hệ thống đánh giá dựa trên năng lực đòi hỏi rất cao ở các giải cấp CLB chuyên nghiệp tại châu Âu như Premier League hay Champions League.

Nhiều người cho rằng các trận đấu ở World Cup lẽ ra phải lựa chọn trọng tài giống như thế: để thổi còi cho những trận đấu có siêu sao tầm cỡ thế giới như Cristiano Ronaldo hay Lionel Messi cũng cần những trọng tài tầm cỡ thế giới. Steve Javie, chuyên gia của ESPN, bình luận: "Tôi thấy khó hiểu là họ lại không chọn những người giỏi nhất".

Hay 4 năm về trước, Mỹ ghi một bàn hoàn toàn hợp lệ vào lưới Slovenia, nhưng trọng tài Koman Coulibaly của Mali (xếp hạng 57 trên bảng xếp hạng các đội tuyển quốc gia của FIFA) không công nhận. "Đó là trận World Cup đầu tiên của ông ấy, nên có lẽ ông ấy bị ngợp", tiền vệ tuyển Mỹ Landon Donovan nói.

Ví dụ còn kinh điển hơn là trận Anh-Đức ở vòng 16 đội năm 2010, khi tất cả mọi người đều thấy cú sút đập xà ngang của Frank Lampard đã đưa bóng đi qua vạch vôi, trừ trọng tài Jorge Larrionda. Ông không công nhận bàn thắng đó (khiến tỷ số lẽ ra đã là 2-2). Rốt cuộc, Anh thua 1-4 và bị loại. Là một người Uruguay, Larrionda chưa bao giờ bắt một trận đấu ở châu Âu.

Vai trò của trọng tài ở World Cup có thể không quá lớn nếu như bóng đá áp dụng việc xử lý các tình huống tranh cãi hoàn toàn bằng công nghệ như một số môn thể thao chuyên nghiệp ở Mỹ, hay cũng như ở Mỹ, mỗi trận có vài trọng tài có quyền phủ quyết các quyết định của nhau.

Do có nguồn gốc từ Anh, một nước quân chủ, mỗi trận đấu bóng đá chỉ có một trọng tài với quyền lực của một nhà độc tài trên sân, ít ra là cho tới World Cup này, khi những công nghệ mới như sơn vô hình hay vạch vôi điện tử lần đầu tiên được áp dụng chính thức. Thêm vào đó, trong khi các thống kê về trận đấu và cầu thủ đang trở nên nhiều đến choáng ngợp, thật đáng ngạc nhiên là dữ liệu để đánh giá "phong độ” của các trọng tài lại rất nghèo nàn.

Sự khác biệt giữa các trọng tài chuyên nghiệp và nghiệp dư là vấn đề tiền bạc, và những giải đấu như Premier League hay Champions League sẽ trả cho trọng tài mức thù lao tương đương, nếu không muốn nói là cao hơn, bất kỳ công việc toàn thời gian nào khác. FIFA không tiết lộ trả bao nhiêu tiền cho các trọng tài ở World Cup.

Nhưng năm 2006, Tổng thư ký FIFA khi đó là Urs Linsi nói với hãng tin Reuters rằng, mỗi trọng tài nhận 38.000 USD cho giải đấu ở Đức. Báo cáo tài chính của FIFA cho World Cup 2010 cho thấy 14 triệu USD đã được chi ra "cho các vấn đề trọng tài", tương đường với tổng tiền thưởng cho các đội bị loại ở tứ kết. Chuẩn bị cho World Cup 2014, FIFA bắt đầu quá trình tuyển lựa trọng tài từ tháng 9/2011 với danh sách sơ bộ 52 người.

Trong 2 năm sau đó, danh sách được rút xuống còn 24 người chính thức và 9 người dự bị. Nhóm 52 người ban đầu có quan điểm khác nhau "về tất cả mọi thứ, vị trí, giải thích tình huống...", theo lời Massimo Busacca, Trưởng Ban Trọng tài của FIFA.

Cũng có chút an ủi với người hâm mộ là một khi World Cup bắt đầu, tiêu chuẩn chọn trọng tài không còn là tính địa phương nữa, mà là năng lực. Từ sau vòng bảng, các trọng tài châu Âu sẽ chiếm ưu thế. Năm 2010, chỉ 9 trong 24 trọng tài ở vòng bảng là đại diện châu Âu, nhưng 7 trong 9 người đó lọt vào danh sách 16 người bắt vòng hai.

Tại World Cup 2014, lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá, công nghệ sẽ được sử dụng để xác định các tình huống bàn thắng gây tranh cãi. Nhưng chính các trọng tài sẽ phải nỗ lực hơn nữa để người hâm mộ có một giải vô địch thế giới thật sự công bằng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trọng tài ở World Cup 2014: Chưa xứng tầm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO