Tăng tốc tái cơ cấu ngân hàng

HẢI LÝ/DNSGCT| 03/02/2015 00:48

Sáp nhập Ngân hàng TMCP Phương Nam vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) có lẽ là thương vụ được quan tâm nhiều nhất trong quá trình tái cơ cấu ngành.

Tăng tốc tái cơ cấu ngân hàng

Sáp nhập Ngân hàng TMCP Phương Nam vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) có lẽ là thương vụ được quan tâm nhiều nhất trong quá trình tái cơ cấu ngành.

Đọc E-paper

Từ khi chủ trương hợp nhất được cơ quan quản lý chấp thuận đến nay, cả hai đã thảo luận, chỉnh sửa bổ sung nhiều lần đề án “về chung một nhà”. Cuối cùng đề án đã được phê duyệt khoảng hai tuần trước.

Nguồn tin đáng tin cậy của chúng tôi cho biết việc triển khai đề án sẽ được tiến hành trong một vài tháng tới đây. Trước mắt, giống như các cuộc tái cấu trúc tổ chức tín dụng đã từng diễn ra trong quá khứ, một Ban chỉ đạo hợp nhất Phương Nam – Sacombank với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành mà người đứng đầu là đại diện của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chuẩn bị được thành lập.

Quốc hữu hóa những ngân hàng mất vốn

Trong một lần trả lời phỏng vấn của người viết, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình nói bản chất của Phương Nam là thiếu thanh khoản. Một số khoản vay đã được đổ vào bất động sản và khi thứ hàng hóa này đóng băng, người vay không trả được tiền đúng hạn, ngân hàng lâm vào tình trạng khó khăn thanh khoản.

Khi sáp nhập vào Sacombank, các cổ đông nào đã vay tiền của Phương Nam bắt buộc phải tìm mọi cách để trả nợ cho ngân hàng. Do đề án Phương Nam – Sacombank chưa được công bố, vấn đề liệu Nhà nước có tham gia trở thành cổ đông của ngân hàng hợp nhất vẫn còn để ngỏ.

Trong một diễn biến khác, Ngân hàng TMCP Xây Dựng ngày 17/1/2015 đã tiến hành đại hội cổ đông bàn việc tái cấu trúc. Từ khi nguyên chủ tịch hội đồng quản trị, nguyên tổng giám đốc ngân hàng bị khởi tố, bắt tạm giam, Xây Dựng được Ngân hàng Ngoại thương Vietcombank hỗ trợ cả về nhân lực và tài chính. Tuy nhiên, Vietcombank trong một cuộc trao đổi với chúng tôi, khẳng định không có nhu cầu nhận sáp nhập Xây Dựng trong bất cứ trường hợp nào.

Một quan chức cấp cao của NHNN nhấn mạnh hiện tại Ngân hàng Xây Dựng không còn vốn chủ sở hữu. Để củng cố và tồn tại, có hai phương án: hoặc các cổ đông hiện hữu phải bỏ thêm vốn vào hoặc Nhà nước sẽ tiếp quản dưới danh nghĩa mua, nhưng thực tế Nhà nước sẽ không bỏ ra đồng nào vì vốn còn đâu mà bán?

Khả năng cổ đông chi thêm tiền không khả thi, nên phương án Nhà nước sẽ nắm 100% cổ phần Ngân hàng Xây Dựng là hiện thực. Nói cách khác, ngân hàng này sẽ được quốc hữu hóa.

Chuyển đổi sở hữu, Nhà nước sẽ gánh trách nhiệm chi trả những khoản tiết kiệm đến hạn của người gửi tiền. Sau đó về hình thức, Ngân hàng Xây Dựng sẽ chuyển từ mô hình tổ chức tín dụng cổ phần thành ngân hàng TNHH.

Nhà nước có thể lập ra ban lãnh đạo mới của Xây Dựng trên cơ sở nhân sự được bổ sung từ một số ngân hàng khỏe mạnh khác. Không loại trừ khả năng Nhà nước sẽ giao cho một ngân hàng nào đó quản lý, điều hành Ngân hàng Xây Dựng, giống như ông chủ thuê người điều hành.

Ngân hàng Xây Dựng sẽ được cho vay vốn ưu đãi, sẽ được giới thiệu khách hàng và được áp dụng quản trị doanh nghiệp mới, sẽ có lãi, sẽ đứng được. Khi ngân hàng phục hồi, ông chủ Nhà nước sẽ mang Ngân hàng Xây Dựng ra đấu giá hoặc niêm yết để huy động vốn. Lúc đó, tổ chức, cá nhân nào có tiềm lực tài chính đều có thể tham gia bỏ thầu theo quy định pháp luật.

Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) – một mắt xích yếu khác của hệ thống – theo thông tin thu thập được từ cơ quan chức năng, đang được kiểm toán để làm rõ bức tranh thật của bảng cân đối tổng tài sản.

Những tháng qua, kể từ thời điểm ông Hà Văn Thắm, nguyên chủ tịch hội đồng quản trị OceanBank bị khởi tố, bắt tạm giam, một số doanh nghiệp liên quan đến ngân hàng, trong đó có Tập đoàn Đại Dương niêm yết ở sàn TP.HCM với mã cổ phiếu OGC, đã liên tiếp được ngân hàng xử lý tài sản thế chấp là cổ phần, cổ phiếu để thu hồi nợ. Tài khoản giao dịch của OGC ở OceanBank đã được phong tỏa theo đề nghị của Cơ quan cảnh sát điều tra.

Giới thạo tin trên thị trường chứng khoán, mà chúng tôi chưa thể kiểm chứng, đưa ra giả thiết OceanBank có thể được sáp nhập với một ngân hàng lớn đã cổ phần hóa. Trong cơ cấu cổ đông của OceanBank có sự hiện diện của Tập đoàn Dầu khí (PetroVietnam) với tỷ lệ sở hữu 20%. Việc thu hồi vốn Nhà nước ở đây hết sức bức thiết đối với PetroVietnam.

Tăng tốc

Sau khi những ngân hàng được sáp nhập của giai đoạn một đã hoạt động tương đối ổn định, giai đoạn hai của tiến trình tái cơ cấu đang được khởi động. Đặc điểm của giai đoạn hai là những ngân hàng yếu sẽ không được phép tự tái cấu trúc. Thay vào đó, Nhà nước sẽ tham gia xử lý. Các ngân hàng tự nguyện hợp nhất vẫn được ủng hộ, song họ cần đẩy nhanh tốc độ, không thể kề cà như trước.

Vietcombank đã chính thức xác nhận đang thương thảo với Sài Gòn Công thương Ngân hàng (SaigonBank). Bản chất, SaigonBank gần như là ngân hàng quốc doanh với cổ đông chính là Ban Tài chính Quản trị thành ủy TP.HCM và một số doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn.

SaigonBank nợ xấu thấp, vốn nhỏ, cho vay tiêu dùng chủ yếu, chưa bao giờ thua lỗ… về cơ bản đủ điều kiện để hợp nhất vào “ông lớn” Vietcombank. SaigonBank sẽ định giá lại tài sản, còn cổ phiếu Vietcombank đã niêm yết, thị giá công khai trên sàn hằng ngày.

Thị trường đang đưa đẩy thông tin về việc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) có thể nhận sáp nhập Ngân hàng Phát triển Nhà ĐBSCL (MHB). Tuy vậy, ông Huỳnh Nam Dũng, Chủ tịch hội đồng quản trị MHB cách đây không lâu đã phủ nhận khả năng đó. “Nếu chúng tôi sáp nhập ai sẽ lo cho ĐBSCL?” – ông Dũng nói.

MHB chuyên cho vay, tài trợ tín dụng cho việc đầu tư, xây mới, sửa chữa nhà ở của nông dân và thị dân ở khu vực sông Mê Kông và hoạt động khá tốt. Nếu chỉ hợp nhất để xóa bỏ những ngân hàng nhỏ, tạo ra những ngân hàng quy mô, thì trường hợp của MHB rõ ràng là không thích hợp.

Cặp đôi Ngân hàng TMCP Hàng Hải và Ngân hàng TMCP Mê Kông đã từng có thời điểm “ồn ào” hợp nhất. Mê Kông xuất thân từ Ngân hàng TMCP Nông thôn Mỹ Xuyên sau chuyển lên đô thị với những đợt tăng vốn điều lệ dẫn đến sự thay đổi cơ cấu cổ đông.

Hai năm nay Hàng Hải đã có quan hệ hợp tác với Mê Kông ở vai trò khách hàng có liên quan và cổ đông lớn. Việc hợp nhất của hai bên cần thêm thời gian để cổ đông nước ngoài của Mê Kông làm rõ việc họ có tiếp tục ở lại hay sẽ thoái vốn khỏi đây. Theo tìm hiểu sơ bộ của chúng tôi, đối tác nước ngoài của Mê Kông đang tích cực tìm cách chuyển nhượng khoản đầu tư của họ trong ngân hàng.

Trong danh sách những ngân hàng nhỏ còn những cái tên như Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn cầu (GPBank), Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank) đang ở giai đoạn tìm hiểu đối tác. Một số ngân hàng đã được phép tự tái cơ cấu từ giai đoạn một gồm Ngân hàng TMCP Quốc Dân, Ngân hàng TMCP Nam Á.

Cuộc “cách mạng” sở hữu chéo

Thông tư 36 về giới hạn, tỷ lệ an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng có hiệu lực từ ngày 1/2/2015 buộc các ngân hàng phải xử lý tình trạng nắm giữ cổ phiếu vượt tỷ lệ quy định trong 12 tháng. Ngoài ra, mỗi ngân hàng không được làm cổ đông của quá hai ngân hàng khác.

Một số ngân hàng sẽ phải thoái vốn khỏi một số ngân hàng. Với những quy định chặt chẽ về người có liên quan, việc nhờ người khác đứng tên hộ sẽ không còn thịnh hành như hiện tại. Việc sử dụng vốn ảo (tiền vay ngân hàng thế chấp bằng cổ phiếu ngân hàng) để thâu tóm, hay như từ ngữ được dùng hiện nay là “buôn” ngân hàng, có thể được thu hẹp.

Tất cả những bước đi ngắn và dài như vậy đòi hỏi phải có nguồn tiền thật để xử lý dứt điểm những nút thắt. Nguồn tiền nhàn rỗi của dân cư và tổ chức kinh tế không thiếu, nhưng để vận động chúng chảy vào ngân hàng không phải dễ.

Trong danh mục của các quỹ đầu tư nội hầu như vắng bóng tên tuổi ngân hàng. Đối với nước ngoài, nhu cầu đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng không hề thiếu. Cái mà họ cần chính là nới lỏng tỷ lệ sở hữu để họ có thể nắm quyền chi phối, có quyền thực trong quản trị và điều hành ngân hàng. Điều này đụng chạm đến nới room ngân hàng mà các quy định hiện hành đang giới hạn ở mức tối đa 30%.

Nhận định chung của giới quan sát và chuyên gia kinh tế chỉ ra bây giờ là thời điểm chín muồi để tái cấu trúc ngân hàng vào cuộc đua nước rút. Quy mô nợ xấu đang giảm nhờ ngân hàng tăng trích lập dự phòng rủi ro, do bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) và nhờ tự nâng cấp quản trị rủi ro để những khoản cho vay mới không phát sinh nợ quá hạn. Ngay cả những ý kiến thận trọng cũng đã mạnh dạn dự báo “bùng nổ” hợp nhất, sáp nhập ngân hàng sẽ xảy ra trong năm nay.

>Tái cơ cấu ngân hàng: Khi con nợ và chủ nợ là một!
>Ai phải trả giá cho tái cơ cấu ngân hàng?
>
IMF: Việt Nam cần đẩy nhanh tái cơ cấu ngân hàng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tăng tốc tái cơ cấu ngân hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO