Chuyện làm ăn

Tận dụng các FTA và nhà phân phối lớn để tăng xuất khẩu

Hồng Nga 11/06/2024 - 09:47

Nhiều tập đoàn, kênh phân phối hàng đầu thế giới đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa nguồn cung bền vững đã lựa chọn Việt Nam làm điểm đến chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu…

cla-thay.jpg

Hưởng lợi khi hàng vào chuỗi cung ứng lớn

Ông Aly Ansari - Tổng giám đốc Walmart Việt Nam cho rằng, Việt Nam là một trong những nguồn cung ứng quan trọng nhất ở châu Á của Walmart. Các sản phẩm may mặc, đồ điện tử, đồ chơi, thực phẩm… của Việt Nam đang được Walmart săn đón. Hiện nay, đội ngũ tìm nguồn cung ứng của tập đoàn sẵn sàng hỗ trợ hoạt động của khẩu sản phẩm của Việt Nam ra thị trường toàn cầu, gồm: Mỹ, Canada, Mexico, Chile và Trung Quốc.

Ông Akiyama Naoki - Giám đốc Vận hành kiêm Giám đốc Tài chính Uniqlo Việt Nam cũng cho biết, các sản phẩm của Uniqlo sản xuất tại Việt Nam không chỉ bán tại Việt Nam mà còn được phân phối tới hơn 2.400 cửa hàng trên toàn cầu của Uniqlo. Nhiều sản phẩm đòi hỏi quy trình sản xuất tiên tiến như AIRism, UV Parka, Polo, Heattech… đều được sản xuất tại Việt Nam.

Các tập đoàn phân phối lớn như Aeon, Miniso (Nhật Bản), Decathlon (Pháp), Central Group (Thái Lan)… cũng đã đưa ra chiến lược mở rộng quy mô chuỗi phân phối đầy tham vọng tại thị trường Việt Nam trong thời gian tới. Theo các nhà nhập khẩu quốc tế, hàng Việt có nhiều lợi thế để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, do Việt Nam được hưởng lợi từ ưu đãi thuế quan theo nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), từ đó giúp nâng cao khả năng cạnh tranh cho các Tập đoàn nhắm vào thị trường mục tiêu, giảm thiểu rủi ro trong chuỗi cung ứng. Ngoài ra, lợi thế về thị trường, về địa lý, về quốc gia, về sản phẩm… cũng là lợi thế lớn cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cần giải quyết các thách thức

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho rằng, lợi thế là vậy nhưng chuỗi cung ứng trong nước cũng đang đối mặt với một số thách thức về cạnh tranh với chuỗi cung ứng toàn cầu, năng lực sản phẩm, đảm bảo chất lượng, năng lực cung ứng, năng lực dịch vụ thương mại.

Các khách hàng, nhà đầu tư càng ngày càng đề cao các yếu tố xã hội, môi trường trong đánh giá sản phẩm, dịch vụ khi lựa chọn đối tác đầu tư, thương mại. Không chỉ vậy, ở mỗi thị trường lại có những quy định khác nhau về chất lượng, tiêu chuẩn… Muốn tham gia chuỗi cung ứng quốc tế, doanh nghiệp không những tuân thủ các quy định của nước sở tại mà còn phải đáp ứng các thông lệ quốc tế như cơ chế điều chỉnh carbon xuyên biên giới của Liên minh châu Âu hay quy định chống phá rừng để đảm bảo sự phát triển bền vững trên quy mô toàn cầu.

Châu Âu, một trong những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam hiện đã đưa ra nhiều tiêu chuẩn rất khắt khe. Theo ông Benoit Fournier - Giám đốc Điều hành Decathlon Việt Nam, các quy định xanh của châu Âu rất phức tạp và luôn thay đổi là thách thức cho nhà xuất khẩu. Vì vậy, các doanh nghiệp nên đầu tư vào nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng thô tại địa phương để giảm tác động đến môi trường và giúp sản phẩm hấp dẫn hơn. Quan trọng là doanh nghiệp nên xây dựng quy trình truy xuất nguồn gốc bằng kỹ thuật số, sử dụng năng lượng tái tạo và có đội ngũ chuyên trách cập nhật các quy định xanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tận dụng các FTA và nhà phân phối lớn để tăng xuất khẩu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO