Chuỗi cung ứng bền vững tạo đòn bẩy tăng trưởng cho hàng Việt
Xây dựng chuỗi cung ứng bền vững sẽ tạo đòn bẩy duy trì tăng trưởng hàng Việt cả trong và ngoài nước.
Chinh phục người tiêu dùng
Thông tin từ Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (Ban chỉ đạo) tại TP.HCM cho biết, tỷ lệ tiêu dùng hàng Việt tăng lên mạnh mẽ trong thời gian qua.
Cụ thể, năm 2018, có 72,66% người tiêu dùng lựa chọn hàng hóa trong nước và tỷ lệ này đã tăng lên 85,06% trong năm 2022. Tại các hệ thống siêu thị và cả kênh truyền thống, tỷ lệ hàng Việt chiếm trên 80%.
Điều này cho thấy người tiêu dùng ngày càng tin tưởng và sử dụng hàng Việt. Điều đó cũng chứng tỏ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã thực sự thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp (DN), góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm nhu cầu tiêu dùng, an sinh xã hội, thúc đẩy sự phát triền nhanh, bền vững của Thành phố.
Chia sẻ tại Hội nghị Kết nối xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, nâng cao chất lượng hàng Việt Nam, sáng ngày 8/3, đại diện Ban chỉ đạo cho biết, thông qua chương trình kết nối cung cầu giữa TP.HCM với 6 vùng kinh tế trọng điểm đã có kết quả đáng kể.
Hiện tại, hàng ngàn đặc sản trên khắp vùng miền đất nước được “phủ sóng” khắp các siêu thị, được người tiêu dùng đón nhận như: Yến đảo Cần Giờ, dừa sáp sợi Bến Tre, hạt điều Bình Phước, mật hoa dừa Trà Vinh, bánh cốm Bình Định, miến dong Bắc Kạn. TP.HCM cũng kết nối các hệ thống phân phối đồng hành, cùng hỗ trợ nhà cung cấp hoàn thiện quy trình sản xuất, xây dựng thương hiệu… với mục tiêu đưa ra thị trường sản phẩm phù hợp thị hiếu tiêu dùng.
Ngoài ra, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cũng góp phần làm nên thành công và nhiều ngành hàng có thế mạnh của Việt Nam đã ghi dấu ấn khi liên tục giữ vị trí nhóm đầu trong kim ngạch xuất khẩu của thế giới, đưa Việt Nam vào trong nhóm 23 nước có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất thế giới. Nhiều nông sản Việt thông qua các hệ thống phân phối đã đứng vững và chinh phục lòng tin của người tiêu dùng tại các quốc gia khó tính như Nhật Bản, Singapore…
Dù vậy, hoạt động thương mại hàng Việt trên thị trường hiện nay vẫn đặt ra nhiều thách thức. Đơn cử như trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm chế biến, dù các ngành chức năng đã tăng cường phối hợp trong công tác kiểm tra giám sát nhưng vẫn còn tình trạng hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng len lỏi lưu hành trên thị trường, tuồn vào hệ thống siêu thị, xuất hiện nhiều trên các kênh thương mại điện tử.
Ngoài ra, có tình trạng nhà sản xuất cố ý giảm dần chất lượng để cạnh tranh về giá cả... Theo các DN, cần có cách kiểm soát tốt hơn để tạo dư địa cho nhà sản xuất tốt, kích thích nhà sản xuất mới đầu tư để làm ra sản phẩm có chất lượng cao. Khi nhà sản xuất chân chính xây dựng được thị phần vững chắc, người tiêu dùng quen với sản phẩm đạt chất lượng thì những sản phẩm không đạt sẽ bị loại dần
Hợp sức nâng thêm chất cho hàng Việt
Nâng tầm chất lượng cho hàng Việt, năm 2024, Ban chỉ đạo triển khai giải pháp phối hợp, tăng cường kết nối các địa phương. Tăng cường kiểm tra, giám sát, xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm, phân phối và tiêu dùng hàng Việt Nam.
Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải khẳng định, chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa là giải pháp không chỉ đáp ứng yêu cầu thiết thực của người tiêu dùng về sản phẩm chất lượng, an toàn mà còn phù hợp với chiến luộc kinh doanh dài hạn của cộng đồng DN chân chính, trách nhiệm.
“Các DN cần phát huy và nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong kiểm soát chất lượng hàng hóa, đảm bảo cung ứng sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng xu hướng tiêu dùng sản phẩm xanh, xây dựng và gia tăng giá trị thương hiệu cho DN theo hướng phát triển xanh và bền vững”, ông Nguyễn Hồ Hải nhấn mạnh.
Bà Trần Kim Yến - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc TP.HCM cho rằng, xây dựng chuỗi cung ứng hàng Việt Nam thật sự bền vững, theo hướng hiện đại, minh bạch, an toàn, hiệu quả là rất quan trọng. Đây là tiền đề định hướng sản xuất, nâng cao chất lượng hàng Việt, đủ tiêu chuẩn cho người Việt, đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập và hướng đến những thị trường xuất khẩu khó tính.
Và khi đã có chuỗi cung ứng bền vững sẽ tạo đòn bẩy duy trì tăng trưởng hàng Việt cả trong và ngoài nước, giúp thị trường đủ sức đề kháng với hàng kém chất lượng, hàng gian hàng giả.
“Lúc này, nhà sản xuất chỉ tập trung vào việc nâng chất, cải tiến để giữ lấy niềm tin của người tiêu dùng chứ không cần cố gắng cạnh tranh bằng việc giảm giá thành, đáp ứng mối quan tâm lớn nhất của người tiêu dùng hiện nay về sức khoẻ và an toàn thực phẩm”, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM phân tích.
Tại hội nghị diễn ra 3 nội dung ký kết trong Chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa trên địa bàn TPHCM gồm: Ký thỏa thuận triển khai Chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa giữa 6 hệ thống phân phối hàng đầu, gồm: Saigon Co.op, Satra, AEON, Central Retail, MM Mega Market, Bách hóa Xanh; Ký bao tiêu sản phẩm của nhà cung cấp có trách nhiệm tiên phong tham gia Chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa; Sở Công Thương và Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM ký thỏa thuận hợp tác triển khai các giải pháp phát triển thương mại điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp Việt phát triển kênh bán hàng trực tuyến, triển khai tập huấn bán hàng trực tuyến tại chợ truyền thống.