Du lịch

Quyết liệt xây dựng du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Hồng Lê 08/03/2024 09:49

Thực hiện Nghị quyết 82/NQ-CP, TP.HCM đẩy mạnh phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy kinh tế xanh, phát triển bền vững vào năm 2030.

Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM Lê Trương Hiền Hòa thông tin, năm 2023, TP.HCM tiếp tục là đơn vị dẫn đầu cả nước về tỷ lệ khách, doanh thu và đóng góp cho ngành du lịch Việt Nam với gần 5 triệu lượt khách quốc tế, khoảng 35 triệu lượt khách nội địa, tổng thu du lịch trên 160.000 tỷ đồng, vượt so với kế hoạch đề ra và cao hơn 25% so với năm 2019, năm đạt doanh thu cao nhất trước dịch.

Định vị thương hiệu du lịch TP.HCM ngày càng được khẳng định trên phạm vi quốc tế, được vinh danh là “Điểm đến du lịch kinh doanh hàng đầu châu Á” và “Điểm đến Lễ hội và Sự kiện hàng đầu châu Á”, nằm trong top 100 điểm đến du lịch được yêu thích nhất năm 2023.

Kết quả này cũng là cơ sở để UBND TP.HCM đặt ra mục tiêu đến năm 2025 đón trên 7 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 39 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 244.800 tỷ đồng, đóng góp khoảng 227.500 tỷ đồng vào GRDP - tương ứng với 12% GRDP của thành phố.

du-lich.png

Mục tiêu này nằm trong Kế hoạch 6051/KH-UBND ngày 1/12/2023 của UBND TP.HCM thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.

Có thể nói, lợi thế tiềm năng du lịch của TP.HCM khó có thành phố nào trên thế giới sánh được. Đó là một đô thị đầu mối, sầm uất, năng động, với hơn 13 triệu cư dân đa bản sắc nhưng lại có nhiều nét văn hóa lịch sử mang tính đặc trưng. Hơn thế nữa, Thành phố có biển, rừng và hệ thống sông rạch liên hoàn từ nội thành ra đến biển; có khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ với diện tích 70.500ha gắn với đô thị sinh thái biển Cần Giờ; khu sinh thái sông nước dọc sông Sài Gòn lên đến Khu địa đạo Củ Chi, Đền Bến Dược gắn với vùng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao và vườn, trang trại sinh thái, cây cảnh, hoa kiểng ven sông Sài Gòn đi từ quận 1 lên đến huyện Củ Chi và tỉnh Tây Ninh. Cùng với đó các tuyến Metro đã và đang hoàn thành cũng là hành trình để du khách khám phá, chụp ảnh check-in…

Ngành du lịch đang quyết liệt đẩy mạnh chuyển đổi số với mục tiêu tiến tới hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh gắn với các chủ thể từ khách du lịch, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và cơ quan quản lý Nhà nước.

Cụ thể như xây dựng máy tra cứu thông tin du lịch và tham quan thực tế ảo, triển khai hệ thống chatbot hỗ trợ thông tin du lịch, nâng cấp hệ thống ứng dụng QR code trong thông tin giới thiệu tại các điểm tham quan thành công nghệ RFID, triển khai dự án Trung tâm Điều hành du lịch thông minh…

Thành phố đẩy mạnh ứng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Đa dạng hình thức, sản phẩm du lịch cùng với việc ưu tiên phát triển du lịch đặc thù, xây dựng thương hiệu mang bản sắc riêng của Thành phố và nâng cao tính cạnh tranh của điểm đến nhằm góp phần xây dựng thương hiệu TP.HCM, tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch và xây dựng TP.HCM thành điểm đến du lịch hấp dẫn, thân thiện, an toàn.

Trong năm nay, ngành du lịch Thành phố tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện với chương trình phát triển kinh tế xanh, du lịch xanh, phù hợp với xu hướng du lịch thế giới như phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, xây dựng mô hình du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp hấp dẫn, tiếp cận với nhu cầu trải nghiệm của du khách trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, Thành phố tập trung nâng chất và đa dạng hóa sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác tối đa thế mạnh đặc trưng của các quận, huyện và cả Thành phố. Tập trung quảng bá tăng sức hấp dẫn của chương trình “Mỗi quận, huyện có ít nhất một sản phẩm du lịch đặc trưng”, “Mỗi phường, xã một hoạt động thiết thực cho phát triển du lịch”.

Song song đó, Thành phố đẩy mạnh việc liên kết du lịch vùng hiệu quả, thực chất trên cở sở khai thác thế mạnh của từng vùng, liên vùng và đặc trưng của từng địa phương. Việc thực hiện liên kết phát triển du lịch vùng gắn chặt với việc thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ và Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM nêu rõ, ngành du lịch đặt mục tiêu phấn đấu đón khoảng 6 triệu lượt khách quốc tế và 38 triệu lượt khách nội địa trong năm 2024. Để đạt được mục tiêu này ngành triển khai 8 nhóm giải pháp đồng bộ để phát triển ngành du lịch và phát triển 4 nhóm sản phẩm chính đang có nguồn thu lớn là du lịch văn hóa lịch sử, du lịch MICE, du lịch kết hợp ẩm thực, du lịch kết hợp mua sắm.

9cf3ab8a48f9e4a7bde8.jpg
Ảnh: Cao Minh Tèo

Trong lộ trình thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP, ngành du lịch thành phố sẽ tiếp tục xây dựng cơ chế xúc tiến, quảng bá có chiều sâu, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia, đặc biệt là ở thị trường nước ngoài.

Bởi doanh nghiệp vừa là thành phần tham gia vào quá trình xây dựng chính sách, chiến lược, vừa là thành phần tham gia triển khai hoạt động phát triển du lịch và là thành phần thụ hưởng thành quả của hoạt động phát triển du lịch, lãnh đạo, UBND Thành phố sẽ thường xuyên quan tâm lắng nghe, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bằng nhiều cách làm hiệu quả.

Thành phố kêu gọi doanh nghiệp tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, phát triển các sản phẩm du lịch mới phù hợp với tâm lý, thị hiếu của khách du lịch, nâng chất nguồn nhân lực của mình và mạnh dạn tham gia hiến kế và đề xuất những giải pháp, cơ chế chính sách để phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Nổi bật
Đọc nhiều
Quyết liệt xây dựng du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO