Tài sản ông Phạm Nhật Vượng ra sao khi cổ phiếu VinFast (VFS) tăng trưởng ấn tượng?
Sau phiên tăng giá nóng ngày 28/8/2023, cổ phiếu VinFast đã bỏ qua một loạt tên tuổi lâu đời trong ngành ô tô như GM, Ford, Volkswagen, BMW…
Kể từ khi lên sàn chứng khoán Nasdaq của Mỹ vào ngày 15/8/2023, cổ phiếu VinFast (VFS) đã đạt được mức tăng trưởng thực sự ấn tượng. Chốt phiên giao dịch 25/8/2023, VFS tăng hơn 40%, lên mức 68,77 USD. Sau một tuần với 5 phiên tăng liên tiếp, vốn hóa của VinFast đã tăng trưởng rất ấn tượng, từ 123 tỷ USD, lên xấp xỉ 160 tỷ USD.
Tính theo giá trị vốn hóa, VinFast đã bỏ qua một loạt tên tuổi lâu đời trong ngành ô tô như GM, Ford, Volkswagen, BMW… Nếu xếp theo ngành này nói chung, VinFast hiện đứng thứ ba thế giới, sau Tesla và Toyota. Còn tính riêng trong mảng ô tô điện, hãng đứng ở vị trí số hai sau Tesla hiện có vốn hóa xấp xỉ 756 tỷ USD.
Việc giá cổ phiếu VFS bùng nổ qua nhiều phiên liên tiếp thực sự là hiện tượng bất ngờ. So với giá đáy, giá cổ phiếu VFS tăng gấp hơn 6 lần. Ít có cổ phiếu nào mà trong thời gian ngắn chỉ vài ngày đạt được mức tăng trưởng này.
Hiện tại, ông Phạm Nhật Vượng không còn nằm trong danh sách 500 tỷ phú thế giới của Bloomberg do các biến động giá cổ phiếu VIC, VRE và VHM theo diễn biến chung trên VNIndex. Được biết, Bloomberg vẫn chưa cộng gộp VFS vào tài sản ông Phạm Nhật Vượng.
Mặc dù vậy, ngay sau ngày 28/8/2023, khi cổ phiếu VinFast tiếp tục leo dốc lên mức giá 82,35 USD/cổ phiếu, Bloomberg đã đăng thông tin rằng, với mức tăng vọt 688% kể từ khi ra mắt thị trường vào ngày 15/8/2023, cổ phiếu này hiện có giá trị khoảng 190 tỷ USD, so với mức định giá 111 tỷ USD của Goldman và 137 tỷ USD của Boeing.
Trong khi đó, Forbes đã thay đổi cách định giá với cổ phiếu này. Theo đó, Forbes sẽ giảm giá trị cổ phiếu 20% so với giá thị trường của cá nhân kiểm soát từ 90 lên 94% cổ phiếu; và 30% nếu nắm giữ từ 95% cổ phần trở lên của các công ty niêm yết. Theo cách tính mới của Forbes, tính đến ngày 28/8/2023, ông Phạm Nhật Vượng vẫn được Forbes xếp hạng trong danh sách tỷ phú thế giới.
Cụ thể, vào thời điểm cuối năm 2016, thị trường chứng khoán Việt Nam diễn ra sự kiện hoán đổi vị trí người giàu nhất Việt Nam giữa hai ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC và ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup.
Trước đó, tại Việt Nam, khối tài sản của ông chủ FLC vào khoảng hơn 34.000 tỷ đồng đến từ 289,6 triệu cổ phiếu ROS (tương đương 67,34% cổ phần FLC Faros) và 114,2 triệu cổ phiếu FLC (tương đương 17,9% cổ phần). Chênh lệch giữa hai người giàu nhất Việt Nam khi đó chưa tới 2.000 tỷ đồng.
Giá cổ phiếu ROS đã có thời đạt đỉnh 214.000 đồng/cổ phiếu, kéo theo vốn hóa thị trường FLC Faros tăng lên 101.200 tỷ đồng. Nhưng với các chuyên gia lão luyện của Forbes, họ đã hoài nghi về mức giá đó nên họ đã không xếp hạng ông Quyết vào danh sách những người giàu trên thị trường chứng khoán ở Việt Nam.