Tín dụng tiêu dùng phải đi vào quy củ

LÊ PHAN| 18/11/2016 01:29

Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến về dự thảo thông tư hướng dẫn về vay tiêu dùng của công ty tài chính.

Tín dụng tiêu dùng phải đi vào quy củ

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến về dự thảo thông tư hướng dẫn về vay tiêu dùng của công ty tài chính, theo đó có những nội dung đáng chú ý như cho phép các bên tự thỏa thuận lãi suất vay và yêu cầu phải tính theo tỷ lệ %/năm, hạn mức vay tối đa là 10 triệu đồng/khách hàng, việc tính lãi suất vay đối với các khoản quá hạn gốc cũng như quá hạn lãi. 

Đọc E-paper

Bộ Luật Dân sự năm 2015 (sẽ có hiệu lực từ 1/1/2017, tại Khoản 1 Điều 468 quy định "Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác".

Với thực tế lãi suất các khoản vay tiêu dùng từ 25 - 40%/năm, thậm chí cá biệt 60 - 80%/năm thì nhiều chuyên gia cho rằng mức trần lãi suất cho vay 20% là không thể áp dụng được đối với các khoản vay tài chính tiêu dùng.

Chính vì vậy, thời gian qua nhiều chuyên gia tài chính cho rằng cần phải có hướng dẫn, quy định riêng đối với cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính. Cũng có ý kiến cho rằng nên có mức trần lãi suất đối với cho vay mà thực tế cũng đã gây ra nhiều tai tiếng trong thời gian qua.

Áp trần lãi suất là phi thị trường

Nhóm phản đối việc áp trần lãi suất cho vay tiêu dùng thì cho rằng đó là biện pháp phi thị trường, vì vốn dĩ mức lãi suất 20% là rất thấp đối với các khoản vay có hình thức tín chấp đầy rủi ro.

Trong khi đó, chi phí vốn của các công ty tài chính cũng ở mức cao hơn nhiều so với các ngân hàng, do những quy định giới hạn huy động vốn từ cá nhân, đồng thời bị hạn chế vay vốn trung, dài hạn tại các tổ chức tín dụng.

Thông tư 06/2016/TT-NHNN của NHNN đưa ra yêu cầu các tổ chức tín dụng phi ngân hàng phải giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 200% xuống còn 100% và sẽ giảm tiếp xuống 90% vào đầu năm 2017 và 80% vào đầu năm 2018. Những quy định này đòi hỏi các công ty tài chính phải tăng cường huy động vốn, trong đó có biện pháp tăng lãi suất, do đó chi phí vốn sẽ càng chịu áp lực tăng.

Nếu áp trần lãi suất đối với hình thức cho vay này sẽ có thể khiến một bộ phận khách hàng không thể tiếp cận được các khoản vay do các công ty tài chính áp đặt những điều kiện khắt khe và chọn lọc khách hàng kỹ hơn, khi đó những người này có thể phải tìm đến tín dụng đen thì càng phải chịu mức lãi suất vay cao hơn nữa.

Thị trường tín dụng tiêu dùng Việt Nam chỉ vừa mới hình thành trong thời gian gần đây, tiềm năng phát triển trong tương lai còn rất lớn. Thống kê đến 31/8/2016 cho thấy cho vay tiêu dùng hiện chiếm tỷ trọng 11,3% tổng dư nợ cho vay trong nền kinh tế, so với đầu năm tăng 28,7%, cao hơn rất nhiều mức tăng trưởng chung cũng như so với các ngành kinh tế ưu tiên khuyến khích.

Nếu so với mức 5 - 6% trong những năm trước đây thì rõ ràng phân khúc cho vay tiêu dùng đã bùng nổ mạnh mẽ thời gian qua với sự xuất hiện ngày càng nhiều các công ty tài chính cũng như định hướng tập trung phát triển, mở rộng phân khúc này tại chính các ngân hàng.

Với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt thì nhiều ý kiến cho rằng NHNN không cần phải đặt trần lãi suất vay, thậm chí có cơ chế khuyến khích phát triển nhiều hơn nữa các công ty tài chính thì khi đó, để cạnh tranh, buộc phải giảm lãi suất về mức phù hợp.

Cần có quy định bảo vệ quyền lợi khách hàng

Mức lãi trần 20% mà Bộ Luật Dân sự 2015 quy định sẽ không áp dụng với các công ty tài chính cho vay tiêu dùng, mà sẽ do 2 bên tự thỏa thuận. Tuy nhiên, điều quan trọng là NHNN cần có những quy định, chế tài nghiêm khắc và cụ thể để buộc các công ty tài chính phải giải thích cặn kẽ những điều khoản trong hợp đồng, lãi suất vay cho khách hàng chứ không dùng biện pháp hành chính là áp trần lãi suất.

Nếu muốn các công ty tài chính giảm lãi suất cho vay tiêu dùng thì cần phải giảm thiểu được rủi ro tín dụng cho hình thức vay này, bằng cách xây dựng hệ thống tín nhiệm, lịch sử tín dụng của các cá nhân, đánh giá những đối tượng có rủi ro cao, theo đó NHNN có thể phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan ban ngành khác xây dựng hệ thống cung cấp thông tin cho các tổ chức tín dụng.

Khi đó, việc đánh giá khách hàng không những nhanh hơn mà quản lý rủi ro cũng được nâng cao, từ đó giúp chi phí quản lý giảm, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay.

Dự thảo của NHNN cũng yêu cầu các công ty tài chính đưa ra mức lãi tính theo năm chứ không cho tính theo tháng, theo ngày với lý do "thuận tiện cho khách hàng trong việc so sánh, đối chiếu với lãi suất của các ngân hàng thương mại, các công ty tài chính khác".

Dự thảo cũng yêu cầu tính lãi trên số tiền nợ thực tế còn lại, tránh việc tính lãi trên tổng tiền vay ban đầu. Tuy nhiên điều này có thể không phù hợp do thông lệ quốc tế cho thấy việc tính lãi trên dư nợ gốc ban đầu là một sản phẩm vẫn có phân khúc được ưa chuộng.

Dự thảo quy định lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc quá hạn do công ty tài chính thỏa thuận với khách hàng trong hợp đồng cho vay nhưng không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn.

"Trường hợp khách hàng không trả lãi tiền vay đúng hạn, khách hàng còn phải trả cho công ty tài chính tiền lãi đối với số lãi tiền vay chậm trả theo mức lãi suất thỏa thuận, nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số lãi tiền vay chậm trả trong thời gian chậm trả”.

Với quy định này sẽ buộc các công ty tài chính không thể ấn định mức phí phạt trả chậm và lãi suất phạt quá hạn bao nhiêu cũng được, mà phải trong giới hạn theo quy định của NHNN, do đó có thể bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Quy định tại Điều 17 về số tiền cho vay tiêu dùng đối với một khách hàng chỉ tối đa 10 triệu đồng là quá thấp, vì thực tế hiện nay các khoản vay tiêu dùng chủ yếu phục vụ cho nhu cầu mua sắm, theo đó có rất nhiều sản phẩm có giá cao hơn nhiều so với mức 10 triệu đồng.

>Vay tiêu dùng và rào cản tín dụng đen

>Những điều cần biết về cho vay tiêu dùng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tín dụng tiêu dùng phải đi vào quy củ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO