Thị trường sẽ hết bất thường?

THÙY CHI| 25/08/2010 04:20

Tưởng rằng quyết định điều chỉnh tỷ giá mới đây của Ngân hàng Nhà nước đã giúp giảm những giao dịch quanh co, ngoài luồng và giải tỏa bớt yếu tố kỳ vọng trên thị trường ngoại tệ.

Thị trường sẽ hết bất thường?

Tưởng rằng quyết định điều chỉnh tỷ giá mới đây của Ngân hàng Nhà nước đã giúp giảm những giao dịch quanh co, ngoài luồng và giải tỏa bớt yếu tố kỳ vọng trên thị trường ngoại tệ. Thế nhưng, dường như sau một tuần điều chỉnh, mọi chuyện vẫn chưa thể diễn ra theo đúng quy luật của nó.

Kỳ vọng ngắn hạn

Nói như thế vì từ khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh tỷ giá thì phần lớn các ngân hàng (NH) đều nới rộng khoảng chênh lệch giá mua - bán sau khi tăng trần. Đà tăng giá này nhanh hơn dự báo trước đó khi nhiều thông tin cho biết khả năng các NH sẽ điều chỉnh tăng từ từ khi nguồn cung dồi dào hơn.

Thông thường, giá USD mua vào - bán ra phản ảnh một phần trạng thái ngoại tệ của các NH thương mại. Và việc đồng loạt tăng mạnh giá USD cả mua vào và bán ra, đặc biệt là tăng kịch trần giá bán, sau ngày đầu tiên thực hiện điều chỉnh mới, đã phản ánh rõ hơn trạng thái trên.

Sự biến động tỷ giá không chỉ dừng lại ở NH mà còn tăng mạnh trên thị trường tự do. Chẳng hạn, USD trên thị trường tự do liên tục bứt phá mốc 19.500 đồng/USD ở nhiều nơi, giao dịch phổ biến ở mức 19.400 (mua vào)/19.500 đồng/USD (bán ra). Hoạt động bán chốt lời vẫn tăng mạnh.

Bên cạnh đó, việc NHNN tăng tỷ giá cũng có nghĩa là giá tiền đồng Việt Nam sụt giảm so với USD sau khi NHNN phá giá đồng tiền lần thứ ba trong năm nay để kìm chế thâm hụt thương mại. Theo đó, tính đến nay, tiền đồng giảm 1,1% so với đồng USD, xuống còn 19.320 đồng/USD.

Tuy được dự báo trước nhưng việc điều chỉnh tỷ giá đã xảy ra sớm hơn dự kiến khiến cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài lo lắng. Đồng thời, tỷ giá được điều chỉnh với biên độ 3% khiến giá USD trên thị trường tự do cũng tăng mạnh. Trước tình hình trên, với mức giá mua thấp hơn thị trường tự do từ 200 - 300 đồng/USD, nhiều NH cho rằng khó mua USD vào để bán lại cho khách hàng.

Thực vậy, khi được hỏi thì hầu hết các NH thương mại đều trả lời rằng, nếu hạ lãi suất tiền gửi ngoại tệ, tăng tỷ giá mua bán, thì trao đổi ngoại tệ giữa NH và doanh nghiệp sẽ “dễ thở” hơn rất nhiều. Bởi vì, nếu tỷ giá tăng thì doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.

Trong vài năm trở lại đây, Việt Nam luôn thiếu nguồn ngoại tệ. Nâng tỷ giá lần này sẽ kích thích xuất khẩu, thu thêm ngoại tệ về để tăng nguồn cung, giúp cung - cầu ngoại tệ xích lại gần nhau hơn.

Tuy nhiên, lãnh đạo một NH cũng thừa nhận, để cân bằng cung - cầu ngoại tệ không chỉ dựa vào việc nâng tỷ giá mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nguồn cung ngoại tệ, nhu cầu của doanh nghiệp. Đó cũng là lý do vì sao tình hình căng thẳng USD đã kéo dài cả tháng nay. Thậm chí, có những ngày, NH này rơi vào trạng thái bị âm nhưng tìm kiếm các nguồn hỗ trợ vẫn rất khó khăn.

Thách thức dài hạn

Ông Hoàng Văn Điều, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Văn hóa Tân Bình cho rằng, tỷ giá tăng đồng nghĩa với việc lợi nhuận tính ra VND tăng lên. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhập khẩu thì có phần lo ngại vì tỷ giá tăng sẽ kéo theo giá hàng hóa nhập khẩu tăng, đồng nghĩa với sức mua có thể giảm.

Tương tự, ông Lê Hữu Phước, Giám đốc Công ty CP Dệt lưới Sài Gòn nói thêm rằng, việc điều chỉnh tỷ giá hiện nay của NHNN là hợp lý và kịp thời đối với hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu. Song, điều chỉnh ngắn hạn của tỷ giá sẽ làm tăng rủi ro trong các hoạt động kinh doanh, tạo ra những chu kỳ kinh tế có tính bất ổn cao. Nói như thế bởi không mấy doanh nghiệp ở Việt Nam sử dụng các công cụ phái sinh như hợp đồng kỳ hạn (forward), hoán đổi (swap), hay quyền chọn (option) để bảo hiểm rủi ro tỷ giá.

Thực vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, thách thức mới của Chính phủ cũng như NHNN đối với vấn đề này như mới chỉ bắt đầu. Khi các khoản nợ USD hiện nay đến hạn, áp lực nảy sinh và rủi ro không chỉ đối với các doanh nghiệp không có nguồn thu ngoại tệ mà còn gây trở ngại đối với cả mục tiêu ổn định vĩ mô của Chính phủ.

Trong cuộc hội thảo mới đây, liên quan đến diễn biến tỷ giá trên thị trường tự do đã cao hơn, ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, cũng nhận định, đây là dấu hiệu tích cực cho thấy việc quy định hạn chế cho vay bằng ngoại tệ đã phát huy tác dụng và đang dần xóa bỏ được lượng cung USD ảo ra thị trường.

Tuy nhiên, ông Nghĩa cũng dự báo trong thời gian tới, đặc biệt là quý IV/2010, diễn biến tỷ giá USD sẽ khá phức tạp vì cung - cầu ngoại tệ có một số thay đổi nhất định do nhập siêu đã cao hơn gấp đôi cùng kỳ và còn tiếp tục tăng; nhu cầu vay ngoại tệ đang có xu hướng giảm do lãi suất VND giảm nhẹ, trong khi lãi suất ngoại tệ tăng lên; các hợp đồng vay đáo hạn khiến doanh nghiệp phải gom USD trả nợ...

Ngoài ra, ông Nghĩa nói thêm, với mức lạm phát cao, VND đang trong xu hướng mất giá so với USD, thậm chí VND đang được định giá cao hơn so với giá trị thực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường sẽ hết bất thường?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO