Nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh

GIA LINH| 01/11/2013 04:30

Công ty Quản lý Tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cho biết, trong số 6.500 tỷ đồng nợ xấu đã mua, có hơn 67% nợ xấu thuộc lĩnh vực bất động sản.

Nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh

Công ty Quản lý Tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cho biết, trong số 6.500 tỷ đồng nợ xấu đã mua, có hơn 67% nợ xấu thuộc lĩnh vực bất động sản.

Đọc E-paper

Nợ nhóm 5 chiếm tỷ lệ lớn

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM cho biết, đến cuối tháng 9, tổng nợ xấu trên địa bàn vẫn chiếm 5,99% tổng dư nợ tín dụng.

Nhưng trong đó, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng nợ xấu, chiếm gần 70% và chủ yếu tập trung ở lĩnh vực bất động sản, vay tiêu dùng. Phân tích theo khối các NH thì khối công ty tài chính có tỷ lệ nợ xấu cao nhất (chiếm 44,4%).

Theo ông Minh, các ngân hàng (NH) đã sử dụng nhiều biện pháp để xử lý nợ xấu, nhưng nhìn chung ba giải pháp được sử dụng chủ yếu là quỹ dự phòng rủi ro, thu nợ bằng tiền và xử lý tài sản đảm bảo vay.

Giải pháp thu nợ bằng tiền được xem là giải pháp tốt nhất, song cũng không dễ dàng vì DN gặp khó, chưa có nguồn thu trả nợ. Còn xử lý nợ qua khởi kiện ra tòa, thi hành án vướng nhiều thủ tục, mất nhiều thời gian. Việc xử lý bán tài sản của khách hàng cũng không dễ trong bối cảnh kinh tế khó khăn, bất động sản đóng băng.

Thực tế này càng bi đát hơn ở các NH quy mô nhỏ. Đơn cử PGBank vừa đưa ra báo cáo tài chính cho thấy, tăng trưởng tín dụng vẫn âm 5,6% trong 9 tháng đầu năm nay, nhưng tỷ lệ nợ xấu chiếm đến 9,5% tổng dư nợ (tương đương 1.240 tỷ đồng).

Tuy nhiên, điều đáng nói là trong cơ cấu nợ xấu, nợ có khả năng mất vốn của PGBank đến cuối tháng 9 đã tăng gần gấp ba lần so với quý trước đó (tương đương mức tăng tới 188,7%, từ mức 237,3 tỷ đồng lên gần 685 tỷ đồng), đẩy con số dự phòng rủi ro phải trích lập trong quý III lên 9,6 tỷ đồng, kéo khoản dự phòng lũy kế 9 tháng đầu năm lên 174,2 tỷ đồng khiến lợi nhuận trước thuế chỉ còn 72,3 tỷ đồng.

PGBank cũng là một trong số các NH buộc phải bán nợ xấu cho VAMC theo quy định. Trong đợt bán nợ đầu tháng 10, PGBank đã bán cho VAMC số nợ đổi lấy trái phiếu đặc biệt trị giá 170 tỷ đồng, lãi suất 0%, kỳ hạn 5 năm.

Tương tự, Navibank cũng là một trong số 9 NH yếu kém trong danh sách buộc tái cơ cấu, có tỷ lệ nợ xấu trên 6%. Nợ xấu của Navibank tiếp tục tăng và đến cuối tháng 6/2013, tổng nợ xấu của NH này là 854 tỷ đồng, tăng 17,6% so với cuối năm 2012 và chiếm đến 6,1% tổng dư nợ, cao gấp đôi so với quy định NHNN là 3%.

Đáng chú ý hơn là trong khi nợ nhóm 3 và nhóm 4 của Navibank tính đến hết quý II năm nay có dấu hiệu cải thiện hơn so cùng kỳ năm 2012, lần lượt giảm gần 30% và 40% thì nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) lại tăng 33% so với cùng kỳ năm trước.

Không dễ kiểm soát

Nợ nhóm 5 là nợ có khả năng mất vốn, xem như khách hàng không thể trả nợ và NH buộc phải bỏ vốn ra xóa nợ bằng cách trích lập dự phòng 100%. Chính vì thế, dự phòng của các NH đã gia tăng mạnh trong 3 quý đầu năm khiến lợi nhuận teo tóp.

Nếu như năm qua, VietinBank được xem là điển hình của ngành NH đạt mức lợi nhuận trước thuế cao, thì kết quả hoạt động 2 quý đầu năm nay của NH này cho thấy, lợi nhuận sụt giảm mạnh, do nợ xấu tăng, trích lập dự phòng nhiều. Tại thời điểm 30/6/2013, VietinBank là NH có tổng nợ xấu lớn nhất với khoảng 7.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, SHB có đến 5.288 tỷ đồng nợ xấu, lại là NH có tỷ lệ nợ xấu cao nhất khi chiếm 9,04% tổng dư nợ của NH này. Nhưng tại thời điểm 30/6/2013, nợ nhóm 5 đã chiếm gần 50% tổng nợ xấu của các NH. Đây là một xu hướng đáng quan ngại nhưng không quá bất ngờ.

Về chất lượng nợ, Vietinbank có tổng cộng 7.027 tỷ đồng nợ xấu tại thời điểm 30/6, chiếm 2,1% tổng dư nợ của NH này. Con số nợ xấu này cũng cao hơn rất nhiều so với 4.890 tỷ đồng hồi cuối năm 2012 và tỷ lệ nợ xấu 1,46% khi đó.

Tuy nhiên, trong cơ cấu nợ xấu thì nợ dưới tiêu chuẩn của VietinBank tăng hơn 90%, nợ có khả năng mất vốn tăng tới 66% so với đầu năm và chiếm xấp xỉ một nửa tổng nợ xấu.

Mặc dù đã tích cực trong việc cơ cấu lại nợ, song nợ xấu và đáng chú ý là nợ có khả năng mất vốn của các NH tiếp tục tăng cao trong hơn 9 tháng đầu năm nay.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Phó tổng giám đốc OCB, cho rằng, đến thời điểm này có thể kiểm soát được nợ xấu của các khoản vay mới, nhưng nợ xấu vẫn gia tăng ở khoản vay cũ.

Đồng thời, chuyển biến của các nhóm nọ cũng nhanh, kéo theo nợ nhóm 5 tăng. Thực tế cho thấy, thị trường bất động sản đóng băng đã kéo theo hệ lụy nợ xấu của ngành NH.

Bà Trương Thị Thúy Nga, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Chi nhánh Vietcombank (VCB) TP.HCM, cho biết, nợ xấu chuyển biến khá nhanh, trong khi không thể phát mãi tài sản thế chấp, do bất động sản đóng băng khiến nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh.

Do thị trường xuất khẩu khó khăn, DN thủy sản, gạo... không tránh được nợ xấu, mặc dù tín dụng VCB thời gian qua tập trung chủ yếu lĩnh vực xuất khẩu, chiếm tỷ lệ 40% tổng dư.

Bên cạnh đó, DN lĩnh vực bất động sản có nợ khó đòi cũng gia tăng và chuyển biến nhanh từ nhóm 2, nhóm 3 chuyển xuống nhóm 4, nhóm 5 khiến NH không trở tay kịp.

TS. Trần Du Lịch cho rằng, cái khó nhất trong xử lý nợ xấu hiện nay chính là do DN suy yếu nên NH không thể kỳ vọng sẽ giải quyết dứt khoát gốc và lãi của từng con nợ trong một thời điểm nhất định mà phải có sự kéo dài.

Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, để xử lý được nợ xấu là hết sức khó khăn nên cũng không thể kỳ vọng đẩy nhanh được tín dụng. Ngược lại, nếu tín dụng tăng trưởng nhanh, không kiểm soát được nợ xấu sẽ lặp lại tình trạng nợ xấu cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO