Lãi suất huy động xác lập mức giảm mới

14/10/2014 00:45

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Việt Nam (Agribank) vừa trở thành ngân hàng có lãi suất huy động thấp nhất trên thị trường khi áp dụng biểu lãi suất huy động mới, với kỳ hạn một tháng còn 4,3%/năm.

Lãi suất huy động xác lập mức giảm mới

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Việt Nam (Agribank) vừa trở thành ngân hàng có lãi suất huy động thấp nhất trên thị trường khi áp dụng biểu lãi suất huy động mới, với kỳ hạn một tháng còn 4,3%/năm.

Bình luận về con số 4,3%, TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), cho rằng đây là biểu hiện rõ nét nhất về chuyện ngân hàng đang dư thừa quá nhiều vốn.

“Do vậy, động thái hạ lãi suất của các ngân hàng gần đây cũng chính là sức ép cung - cầu thị trường, phải có được đầu ra rẻ hơn để khơi thông dòng vốn. Diễn biến này cũng sẽ tạo nên sự cạnh tranh giữa các ngân hàng. Ngân hàng nào có lãi suất tốt sẽ giữ chân được khách gửi tiền”, ông Thành bình luận.

Làn sóng giảm lãi suất

Trước đó, thị trường đã được khởi động làn sóng giảm lãi suất huy động lần thứ 3 từ Vietcombank. Ngay đầu tháng 10, Vietcombank đã chủ động giảm khá mạnh lãi suất huy động ở các kỳ hạn. Theo biểu lãi suất mới, lãi suất gửi 1 tháng tại Vietcombank giảm chỉ còn 4,5%/năm; kỳ hạn gửi 2 và 3 tháng lần lượt là 4,5%/năm và 5%/năm. Mức lãi suất huy động cao nhất của Vietcombank cho kỳ 13 tháng chỉ còn 6,3%/năm, giảm từ mức 6,8%/năm của thời gian trước.

Tại BIDV, ngoài tiếp tục giảm lãi suất từ 0,2-0,5%/năm ở một số kỳ hạn, mức lãi tiền gửi kỳ hạn 2 tháng mà ngày hàng này hiện áp dụng chỉ còn 4,8%/năm thay vì mức 5%/năm trong tháng trước…

Hưởng ứng làn sóng này, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần cũng đã nhập cuộc như: ABBank, Eximbank, Techcombank … cũng đã điều chỉnh giảm từ 0,2 - 0,3%/năm với các kỳ hạn dưới 12 tháng.

Cuối tuần qua, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) cũng điều chỉnh giảm 0,2 - 0,3%/năm lãi suất huy động ở các kỳ hạn dưới 12 tháng. Hiện lãi suất kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng của ngân hàng này tương ứng với các mức 5,5%, 5,7%, 5,8%, 6,3%.6,5%, 7,6%/năm…

Nhận định về xu hướng hạ lãi suất huy động hiện nay, ông Thành cho rằng, trong bối cảnh ngân hàng dư thừa vốn lớn, không cho vay được nên cũng không có nhu cầu huy động vốn quá nhiều. Do đó, giảm lãi suất cũng là cách để ngân hàng tối đa hóa chênh lệch giữa mức lãi suất đầu vào, đầu ra.

Trong báo cáo vừa được WB phát hành, lạm phát năm 2014 của Việt Nam được dự báo sẽ giảm xuống mức 4,5% trước khi tăng lên 5% trong năm 2015. Nếu diễn biến của lạm phát đúng như WB dự báo thì lạm phát kỳ vọng 12 tháng tới của Việt Nam chỉ quanh mức 5%. Đây là một trong những căn cứ để các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động. Hơn nữa, nguồn vốn huy động của các ngân hàng khá ổn định và có dư thừa.

Lãi suất cho vay vẫn cao

Dù vậy, lãi suất cho vay được giới chuyên gia nhận định là vẫn còn cao. Ts. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho rằng mặc dù mặt bằng lãi suất đã được hạ xuống tích cực nhưng thực tế vẫn còn là rất cao, bởi vậy vẫn chưa cải thiện được tăng trưởng tín dụng.

Theo ông Nghĩa, mặt bằng lãi suất cho vay quân bình hiện nay phổ biến ở mức 11-12%/năm. Nếu đem so với tỷ lệ lạm phát (theo WB thì khoảng 4,5% trong năm 2014) thì con số 11-12% như trên là quá cao.

Còn nếu đem mức lãi suất đó so sánh với năng suất lao động của Việt Nam thì cũng vẫn cao. Hiện tỷ lệ lãi ròng trên vốn tự có của các doanh nghiệp trung bình là 7%, trước đây, con số này là 14%.

“Rõ ràng là mức lãi suất cho vay của các ngân hàng vẫn là rất cao. Đặc biệt là với nền kinh tế Việt Nam, khi chiếm phần lớn là các DNNVV, sống dựa vào các hoạt động gia công, chế biến, chủ yếu lợi dụng lao động giá rẻ để tạo ra lợi nhuận”, ông Nghĩa bình luận.

Cũng về vấn đề lãi suất, ông Mai Hồng Bàng, Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Vinavico, cũng cho rằng lãi suất cho vay hiện nay vẫn cao so với năng lực của doanh nghiệp, đặc biệt là lãi suất trung và dài hạn. Thậm chí, nhiều ngân hàng còn không dám cho vay trung và dài hạn, cho dù lãi suất cao.

Do lãi suất vay trung - dài hạn quá cao, nhiều doanh nghiệp không dám mở rộng sản xuất kinh doanh, vì khoản vay đầu tư máy móc thiết bị thường phải 5 – 7 năm. Với mức lãi suất cho vay từ 11 – 12%/năm như hiện nay, doanh nghiệp phải tính toán lại.

Theo giới chuyên gia, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước làm sao dùng công cụ điều hành để giảm lãi suất trung và dài hạn xuống, nhằm giúp doanh nghiệp có thể tập trung đầu tư sản suất, góp phần đắc lực cho công cuộc tái cấu trúc nền kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lãi suất huy động xác lập mức giảm mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO