Chuyện làm ăn

Sự chuyển mình của Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai

Phan Thế Hải 24/03/2024 15:07

Được coi là “công xưởng thế giới” thời 4.0, Trung Quốc còn là thiên đường mua sắm với các loại hàng hóa đa dạng và hợp túi tiền người Việt.

Thủ tục thông thoáng

Bẵng đi một thời gian dài vì đại dịch, người ta tạm thời quên Trung Quốc vì chính sách Zero Covid-19. Nhưng rồi, khi nước bạn mở cửa trở lại, cùng với lượng hàng hóa thông thương tăng nhanh là dòng khách du lịch qua lại hai đường biên vừa thăm thú vừa mua sắm.

7bbc5219-8fcc-4a1a-a5ba-b54ac88c25e3.jpeg

Nhận được cuộc gọi của Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội đi khảo sát thị trường Trung Quốc. Tôi nhận lời.

Khác với các khu kinh tế cửa khẩu khác, cửa khẩu Lào Cai là khu kinh tế duy nhất ở phía Bắc có cửa khẩu quốc tế nằm trong thành phố nên có kết cấu hạ tầng, hệ thống dịch vụ khá đồng bộ. Cùng với cửa khẩu Lào Cai dành cho khách du lịch là cửa khẩu Kim Thành cho thông quan hàng hóa.

Phía bên kia Lào Cai là thị trấn Hà Khẩu là huyện cửa khẩu của Trung Quốc nằm sát biên giới với Việt Nam. Huyện nàythuộc Châu tự trị dân tộc Cáp Nê, Hồng Hà, phía Nam của tỉnh Vân Nam, giáp biên giới với tỉnh Lào Cai, VN.

Gọi là thị trấn nhưng Hà Khẩu là đô thị khá lớn, hạ tầng đồng bộ, buôn bán nhộn nhịp còn hơn cả Thành phố Lào Cai. Hà Khẩu được biết đến nhiều nhất là điểm kết nối có đường xe lửa từ Côn Minh đến Hà Nội.

7ff41b58-212b-4856-872a-dc7d02ee2b93.jpeg

Trong các cuộc gặp mặt cấp cao gần đây giữa hai nước Việt- Trung, hai bên đã thống nhất chủ trương thúc đẩy hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Hành lang này là cửa ngõ quan trọng trung chuyển hàng hóa giữa các nước ASEAN qua cảng biển Việt Nam tới các tỉnh Tây Nam Trung Quốc.

Có lẽ nhận thức được tầm quan trọng này, phía Trung Quốc vừa hoàn thành xong tòa nhà của Hải quan cửa khẩu to đẹp đang chờ khai trương. Theo đó, thủ tục nhập cảnh đã được số hóa nhiều công đoạn. Có AI nhận diện khuôn mặt qua camera nên mọi thứ diễn ra khá tiện lợi.

Cô Hoàng Thị Uyên, người thường dẫn khách qua lại cửa khẩu cho biết: "Từ đầu năm đến nay, lượng khách du lịch qua lại cửa khẩu đã tăng trưởng nhanh chóng. Đặc biệt là vào các ngày cuối tuần, lượng khách có thể đến 1000 lượt mỗi chiều. Thủ tục xuất ngoại thuận tiện nên nhiều người Việt qua Trung Quốc chơi vừa tham quan vừa mua sắm. Về phía ngược lại, khách Trung Quốc cũng đổ sang Việt Nam vừa buôn bán vừa tham quan danh thắng như Sa Pa, lên đỉnh Phan Xi Păng, thăm cổng trời Ô Quý Hồ…".

Giao lưu hàng hóa tăng mạnh

Tỉnh Vân Nam có diện tích 394.100 km², với 48 triệu dân, tương đương với Hàn Quốc, GDP tương đương 75% của Việt Nam. Giao thương hàng hóa của Vân Nam với Việt Nam chủ yếu là qua đường Lào Cai.

Theo Cục Hải quan tỉnh Lào Cai, có 40 doanh nghiệp đăng ký mở tờ khai xuất nhập khẩu hàng hóa trong dịp Tết cổ truyền Giáp Thìn 2024, tăng mạnh so với mọi năm. Tính từ đầu năm đến 15/2, đơn vị đã làm thủ tục cho 7.062 tờ khai, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, xuất khẩu là 2.488 tờ khai tăng 40%, nhập khẩu là 4.574 tờ khai tăng 31%.

Kim ngạch xuất nhập khẩu qua Lào Cai đạt gần 137,5 triệu USD, tăng 63%; trong đó, xuất khẩu đạt 71,35 triệu USD tăng 76%; nhập khẩu đạt gần 66,1 triệu USD tăng 51%. Hàng hóa VN xuất khẩu chủ yếu là nông sản như: Chôm chôm, mít, xoài, sầu riêng, thanh long... Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh so cùng kỳ năm ngoái chủ yếu từ mặt hàng sầu riêng.

Về thu ngân sách cửa khẩu, từ đầu năm đến 15/2, Chi cụcthuế Lào Cai thu được 71,25 tỷ đồng, đạt 11% so với chỉ tiêu Bộ Tài chính giao, tăng 63% so với cùng kỳ năm 2023.

Ông Trịnh Xuân Trường- Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết: "Tỉnh đặt ra mục tiêu giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu của Lào Cai năm 2024 đạt 4,5 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu này, ngay từ đầu năm 2024, tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các ngành tiếp tục đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện trong hoạt động tại cửa khẩu, từ đó nâng cao hiệu suất thông quan, minh bạch thủ tục hành chính, thu hút doanh nghiệp xuất nhập khẩu qua biên giới".

Ngoài ra, đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, triển khai hiệu quả các thỏa thuận hợp tác giữa hai nước Việt Nam-Trung Quốc nói chung và giữa Lào Cai và Vân Nam nói riêng, xây dựng mô hình cửa khẩu Lào Cai- Hà Khẩu thành cặp cửa khẩu kiểu mẫu trên tuyến biên giới Việt-Trung.

Động lực cho Lào Cai và vùng Tây Bắc

Tây Bắc là vùng miền núi, địa hình hiểm trở, giao thông khó khăn nên từ lâu được coi là vùng trũng về kinh tế của cả nước. Từ khi bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, giao thương giữa hai nước qua các cửa khẩu không ngừng tăng đã mở ra một cơ hội mới cho Lào Cai và cả vùng Tây Bắc.

Nhận thức được tầm quan trọng của kinh tế cửa khẩu, tháng 11/2018, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 1627/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai - tỉnh Lào Cai đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai có tổng diện tích gần 15.929,8 ha với các phân khu chức năng: khu cửa khẩu quốc tế Lào Cai, khu vực hoạt động xuất - nhập cảnh, xuất - nhập khẩu, thương mại, du lịch và dịch vụ.

Khu cửa khẩu với 3 cặp: Cửa khẩu quốc tế đường sắt Lào Cai- Hà Khẩu (TQ), Cửa khẩu quốc tế đường bộ số 1 Lào Cai - Hà Khẩu được nối liền bởi cầu Hồ Kiều II qua sông Nậm Thi, Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành - Bắc Sơn (TQ) được nối liền bởi cầu Kim Thành.

Đến nay, tỉnh Lào Cai có 240 dự án với tổng vốn đăng ký trên 37.000 tỷ đồng đầu tư vào khu kinh tế cửa khẩu. Tổng giá trị xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hoá qua các cửa khẩu trong năm 2023 đạt 2,5 tỷ USD. Số thu thuế, phí qua các cửa khẩu đạt gần 1 nghìn tỷ đồng… Hiện nay, tại Khu kinh tế cửa khẩu có gần 1.000 doanh nghiệp đang tham gia hoạt động.

Cùng với việc nâng cấp cao tốc Hà Nội- Lào Cai, tỉnh cũng đang xúc tiến mạnh mẽ việc đầu tư sân bay Sa Pa nằm trên địa bàn xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên với diện tích 370 ha. Sân bay này được quy hoạch trở thành cảng hàng không lưỡng dụng, vừa phục vụ quân sự, vừa chở khách, sân bay sau khi hoàn thành giai đoạn 1 sẽ đáp ứng được nhu cầu đi lại cho 1,5 triệu hành khách/năm.

Sau khi đi vào sử dụng (2025), cảng hàng không Sa Pa sẽ là sân bay lớn nhất Tây Bắc, có khả năng khai thác các loại máy bay như Aibus A320, A321 và tương đương trở xuống với 9 vị trí đỗ máy bay.

Sân bay Sa Pa được đưa vào hoạt động sẽ đưa Lào Cai trở thành địa phương có đủ 4 loại hình giao thông kết nối trực tiếp với thị trường Trung Quốc; tạo điều kiện để Lào Cai và các tỉnh trong vùng phát triển toàn diện trên nhiều lĩnh vực.

Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ để trở thành khu kinh tế động lực của tỉnh và có tầm cỡ quốc tế. Để mục tiêu đó sớm trở thành hiện thực,tỉnh Lào Cai cần phải có những cơ chế, chính sách trên các lĩnh vực nhằm thu hút nhiều nguồn lực cho Khu kinh tế cửa khẩu bứt phá phát triển; Cùng với đó, tỉnh cần thúc đẩy liên kết giữa vùng kinh tế động lực với các vùng khác trên địa bàn tỉnh Lào Cai và có sự kết nối tốt với các đối tác phía bên kia biên giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sự chuyển mình của Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO