Toàn cảnh

Đất đai, công cụ quan trọng để quản trị và phát triển quốc gia!

Phan Thế Hải 21/07/2025 06:00

Trong phát biểu kết thúc Hội nghị Trung ương 12 (19/7), Tổng Bí thư Tô Lâm khi đề cập tới các lĩnh vực quan trọng của Đất nước đã đưa vấn đề đất đai lên vị trí đầu tiên. Các lĩnh vực được đề cập tiếp theo là quy hoạch, giáo dục đào tạo và cải cách thể chế.

Đây được coi là cách tiếp cận rất mới so với quan niệm truyền thống của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Theo quan niệm cũ, đất đai là tài sản thuộc sở hữu toàn dân. Đất đai không thuộc sở hữu tư nhân mà thuộc về toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, với mục tiêu tránh tình trạng tích tụ đất đai trong tay một nhóm nhỏ, tạo điều kiện để phân phối công bằng tư liệu sản xuất và bảo đảm lợi ích chung.

Sự nhấn mạnh quá mức sở hữu toàn dân về đất đai đã dẫn đến sự lệch lạc trong việc nhận thức nguồn lực về đất đai. Có thời chúng ta không coi đất đai là tài sản có giá trị mà chỉ xác định giá trị tài sản trên đất.

Việc không thừa nhận giá trị quyền sử dụng đất đã dẫn đến những lệch lạc về chính sách quản trị. Cá nhân hay doanh nghiệp dẫu được giao quyền sử dụng đất nhưng không thể dùng nó như một tài sản để thế chấp và biến nó thành nguồn lực phát triển cho kinh tế gia đình và doanh nghiệp.

Trong nền kinh tế thị trường, khi giá trị quyền sử dụng đất được thừa nhận, đất đai đã trở thành một nguồn lực quan trọng cho phát triển. Khi Tổng Bí thư coi đất đai là một trong mấu chốt của không gian phát triển quốc gia, đó là nhận thức rất mới và đúng đắn để đưa nguồn lực quan trọng này làm bàn đạp cho những bứt phá kinh tế, xã hội vào kỷ nguyên mới.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong một bài viết cho Báo Hưng Yên (ngày 13/10/2024), Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhắc lại câu nói của lãnh tụ Hồ Chí Minh: “Tham ô có hại nhưng lãng phí có khi còn hại nhiều hơn: nó tai hại hơn tham ô vì lãng phí rất phổ biến” và “Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ. Có khi tai hại hơn nạn tham ô”.

Tổng Bí thư cũng đề cập đến hàng ngàn dự án treo trị giá hàng triệu tỷ đồng vẫn nằm bất động không sinh lợi, chủ yếu là đất đai. Đây là những nguồn lực rất lớn có thể đưa vào đầu tư phát triển.

Lần này, Tổng Bí thư lại đi thẳng vào những vấn đề cấp bách và thực tiễn. Tổng Bí thư nói: “Cần nhấn mạnh đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, là nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước, là yếu tố đầu vào quan trọng cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; quản lý và sử dụng đất đai phải bảo đảm lợi ích chung của toàn dân”.

Điều này cho thấy, Tổng Bí thư và Trung ương Đảng đã thấy rõ vấn đề sở hữu thế nào thì đất đai mới có thể đem lại lợi ích cho toàn dân và mới có thể là không gian sống hạnh phúc cho toàn dân. Hơn thế, đó còn là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển quốc gia.

Đất đai được coi là một trong những nguồn lực quan trọng bậc nhất của các quốc gia, vì nó gắn liền với nhiều khía cạnh của sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội và môi trường. Sở hữu đất đai công bằng, sử dụng đất đai minh bạch lúc này hơn bao giờ hết là biện pháp hiệu quả nhất phòng chống tham nhũng - sự tha hoá của thể chế và tạo dựng xã hội ổn định.

Đất đai là cơ sở cho sản xuất và phát triển kinh tế. Với nông, lâm nghiệp, ngư nghiệp, đất là tư liệu sản xuất trực tiếp, đặc biệt trong điều kiện Việt Nam, tỷ lệ dân sống bằng nông nghiệp còn khá lớn. Đất đai gắn liền với an ninh lương thực, an ninh dân cư và phát triển bền vững.

Với ngành công nghiệp và dịch vụ, đất là nơi đặt nhà máy, khu công nghiệp, khu đô thị, trung tâm thương mại... Cùng với đất đai, dưới lòng đất còn chứa tài nguyên thiên nhiên, nhiều tài nguyên quý giá như khoáng sản, dầu mỏ, nước ngầm trong lòng đất…

Đất đai là thành phần cấu thành lãnh thổ, một biểu tượng và nền tảng của chủ quyền quốc gia. Tranh chấp đất đai, biên giới luôn là các vấn đề nhạy cảm có thể ảnh hưởng đến ổn định chính trị và quan hệ quốc tế. Đất đai gắn với bản sắc dân tộc, nơi lưu giữ di tích lịch sử, văn hóa, tâm linh. Là nơi hình thành cộng đồng cư dân, truyền thống, phong tục tập quán.

Với Việt Nam, quốc gia đất chật người đông, đất đai là tài sản có giá trị kinh tế lớn. Khi giá trị quyền sử dụng đất được đánh giá đúng, sát với thực tế, đất đai là tài sản có thể được sử dụng để bảo đảm vay vốn hoặc làm cơ sở đầu tư, phát triển bất động sản.

Thị trường đất đai và thị trường tài chính thường gắn chặt với nhau. Điều này giải thích vì sao các cuộc khủng hoảng tài chính thường bắt đầu bằng khủng hoảng bất động sản. Thật không sai khi nói rằng đất đai phải trở thành công cụ quản trị và phát triển quốc gia. Việc quản lý đất đai hiệu quả phản ánh năng lực quản trị quốc gia.

Tại Diễn đàn Tăng trưởng Kinh tế Việt Nam 2025 (8/7), Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng đã tiết lộ thông tin đáng chú ý về tình trạng dự án treo. Ông cho biết hiện có gần 2.880 dự án trên cả nước đang vướng mắc pháp lý. Tổng diện tích đất vào khoảng 340.000 hecta; tổng vốn đầu tư lên tới 235 tỷ đô la Mỹ (USD); trong đó, nhiều dự án đã bị dừng từ 5 đến 15 năm, gây lãng phí lớn về cả đất đai lẫn nguồn vốn.

Điều này giải thích vì sao Tổng Bí thư Tô Lâm đã đưa vấn đề đất đai lên vị trí đầu tiên trong các lĩnh vực quan trọng để quản trị và phát triển quốc gia. Khi nguồn lực đất đai được giải phóng, chuyện nền kinh tế quốc gia tăng trưởng 8% và tiến tới hai con số là hoàn toàn nằm trong tầm tay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đất đai, công cụ quan trọng để quản trị và phát triển quốc gia!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO