Startup và câu chuyện "tẩy xanh"

Mỹ Huyền| 29/06/2023 06:00

Gần đây, các thuật ngữ “xanh”, “bền vững”, “thân thiện môi trường” và “tiết kiệm năng lượng” được startup đua nhau sử dụng để như một chiến lược marketing thời thượng. Các giảng viên Đại học RMIT Việt Nam phân tích khái niệm "tẩy xanh" được các startup sử dụng trong rừng quảng cáo này.

Startup và câu chuyện

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định rằng, để thực hiện chiến lược phát triển khoa học - công nghệ 10 năm 2021-2030, tầm nhìn đến 2045, doanh nghiệp cần đẩy mạnh đầu tư toàn diện cho phát triển khoa học - công nghệ, nhất là các lĩnh vực mới phục vụ phát triển xanh, bền vững, thân thiện môi trường.

Xu hướng xanh cũng đang hình thành trong cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam, góp phần phát triển tính bền vững cho năng lượng sạch, giảm tiêu thụ năng lượng và tạo tác động tích cực cho cộng đồng.

Startup chú trọng vào giải pháp xanh đang thu hút sự chú ý của các quỹ đầu tư quốc tế. Chỉ riêng quỹ đầu tư VSV đã đầu tư vào 80 startup trong lĩnh vực này từ năm 2014. ADB Ventures - dự án do Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là nhà tài trợ đã dành tổng vốn phê duyệt là 1 triệu USD cho các dự án xanh ở Việt Nam.

"Tẩy xanh" chỉ để quảng cáo?

Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực chống lại biến đổi khí hậu bằng cách phê chuẩn Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vào năm 2016, theo đuổi chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và thực hiện Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực từ đầu năm 2022. Tuy nhiên, trên thực tế hiệu quả vẫn chưa được như mong đợi.

Theo kết quả sơ bộ của dự án do TS. Phạm Nguyễn Anh Huy - Giảng viên cấp cao Đại học RMIT nghiên cứu, một số doanh nghiệp tư nhân và FDI hiện nay vẫn sử dụng các nguồn năng lượng gây ô nhiễm vẫn chưa bị pháp luật xử lý. Lợi nhuận của các công ty này thậm chí còn tăng lên khi sử dụng các nguồn năng lượng không thân thiện với môi trường. 

Trên thị trường khởi nghiệp, sản phẩm ống hút tre, túi vải và dụng cụ ăn uống có nguồn gốc thiên nhiên, ngay cả các loại thực phẩm cũng được startup quảng bá là "xanh và thân thiện với môi trường". Tuy nhiên quy trình xử lý sản phẩm để trữ được lâu vẫn gợi lên câu hỏi họ có rơi vào cái bẫy cố trở thành xanh của chính mình.

Link bài viết

Greenwashing - “tẩy xanh” là khi doanh nghiệp công bố hành động có trách nhiệm với môi trường, nhưng đó thực chất là thông tin sai lệch. Hành vi "tẩy xanh" bao gồm việc phóng đại các chứng nhận về môi trường của một sản phẩm hoặc sáng kiến, hay thậm chí đánh lừa công chúng về hoạt động của doanh nghiệp bằng những hình ảnh “xanh” để che giấu các hành vi gây tổn hại đến sinh thái. 

Trên thực tế đã phát hiện nhiều trường hợp phóng đại chứng nhận về môi trường hay thậm chí đánh lừa công chúng. Một số chuỗi siêu thị ở nhiều quốc gia, bao gồm ở Việt Nam, đã đưa vào sử dụng túi nilon “tự hủy sinh học” để trở nên xanh hơn. Tuy nhiên, nghiên cứu đã chỉ ra rằng một số loại túi “tự hủy sinh học” không thực sự mang lại hiệu quả như đã hứa và thậm chí có thể phân hủy thành vi nhựa gây hại.

Đây là những hành vi "tẩy xanh" trắng trợn phổ biến từ trước đến nay, theo lời TS. Seng Kiong Kok - quyền Chủ nhiệm cấp cao Bộ môn Sáng tạo và Kinh doanh tại Đại học RMIT. 

Hiện nay, một trong những xu hướng nổi bật nhất trong giới đầu tư là đầu tư ESG - viết tắt của môi trường, xã hội và quản trị trong tiếng Anh (Environmental, Social and Governance) - là quá trình đánh giá tiềm năng đầu tư của các doanh nghiệp dựa trên chỉ số ESG để đánh giá lợi ích bền vững mà doanh nghiệp “được cho là” đang cung cấp.

TS. Kok dùng cụm từ “được cho là” bởi vì ESG là một thước đo đơn lẻ nhưng lại có tham vọng đại diện cho nhiều vấn đề rất phức tạp nên khó đạt hiệu quả và dễ bị bóp méo tùy theo dữ liệu được đưa vào để dẫn đến hành vi tẩy xanh. Điều đáng lo ngại là hành vi tẩy xanh đang bị phát hiện với quy mô và tần suất ngày càng tăng, tẩy từ cấp độ dữ liệu nên “nhìn như xanh thật”. Trong ngắn hạn, việc tẩy xanh chỉ ảnh hưởng đến quyết định của nhà đầu tư nhưng trong dài hạn, tẩy xanh có thể ảnh hưởng đến toàn thị trường vì thông tin sai lệch ban đầu.

Làm gì để chống lại nạn "tẩy xanh"? 

Trong bối cảnh hành vi tẩy xanh càng ngày càng đáng lo ngại, TS. Kok đánh giá rằng các nỗ lực phối hợp để giảm thiểu tác động của tẩy xanh đối với thị trường vẫn chưa có hiệu quả rõ ràng. Ví dụ, đã có nhiều đề xuất sử dụng công nghệ blockchain để theo dõi thông tin về môi trường trong doanh nghiệp nhằm giảm thiểu cơ hội thực hiện hành vi tẩy xanh.

Tuy nhiên, các sáng kiến này còn non trẻ và chưa có đủ dữ liệu để đánh giá hiệu quả. Hơn nữa, thước đo ESG đang tổng hợp quá nhiều thông tin từ các phương pháp tính toán phức tạp có thể khiến việc đánh giá hành vi tẩy xanh khó chính xác. Bên cạnh đó, phương pháp tính toán nhất quán vẫn chưa ra đời, không có tiêu chuẩn chung duy nhất cho việc báo cáo thông tin ESG nên xảy ra cảnh mỗi nơi chọn một phương pháp. 

Tiêu chuẩn ESG chưa được đánh giá đầy đủ sẽ làm chậm quá trình gọi vốn của startup, vì ngay cả nhà đầu tư hướng tới tiêu chuẩn ESG sẽ mơ hồ về con đường phát triển của doanh nghiệp, khó ra quyết định xuống tiền. Trong khi đó, startup sẽ gặp khó khăn khi chứng minh những cải tiến để cho ra sản phẩm xanh. Quan trọng hơn niềm tin của người tiêu dùng và giữa các doanh nghiệp vốn đã lung lay thì nay xấu hơn.

Những trường hợp treo đầu dê bán thịt chó như vậy sẽ là đối thủ cạnh tranh nguy hiểm với các doanh nghiệp ngay thẳng. Bởi lẽ chỉ cần vung tiền quảng cáo thu lợi chứ đâu cần quan tâm đến chất lượng sản phẩm. 

Trong khi chờ đợi bộ chuẩn chung để làm thước đo thực hành ESG, đã có vài nỗ lực giải quyết vấn đề thiếu khuôn khổ chung này. Bước đầu đã có quy định tại Thông tư 96/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính, doanh nghiệp đại chúng bắt buộc phải công bố thông tin về tiêu chí tổng phát thải khí nhà kính trực tiếp và gián tiếp và các biện pháp và sáng kiến nhằm giảm phát thải khí nhà kính từ năm 2022.

Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025 (ban hành theo Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 8/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ) đã đặt ra mục tiêu xây dựng 10 bộ công cụ, giải pháp đo lường, đánh giá, công nhận các doanh nghiệp kinh doanh bền vững mang lại hy vọng cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và người tiêu dùng để đánh bật tẩy xanh.

Trên toàn cầu, các tổ chức phi chính phủ bảo vệ môi trường đã bắt đầu gọi tên các công ty tẩy xanh theo định kỳ hằng năm, đây cũng là cách hiệu quả để doanh nghiệp phải có trách nhiệm về những lời quảng cáo dối trá của mình và người tiêu dùng sẽ có quyết định cuối cùng để tiếp tục theo đuổi hay không những sản phẩm đã được tẩy xanh này.

-3480-1687959017.jpg

Biến áp lực chứng nhận xanh thành đổi mới quy trình

Startup không chỉ cần xanh cho riêng mình mà còn cần phát triển chuỗi cung ứng xanh để nâng cao khả năng cạnh tranh với thị trường nước ngoài và cơ hội lấy được đơn hàng. Hai quý đầu năm 2023, Việt Nam đã đánh mất vị trí thống lĩnh của ngành dệt may vào tay Bangladesh, một phần do chậm trễ chuyển đổi xanh. Đây cũng là áp lực chứng nhận xanh nếu startup muốn xuất sản phẩm của mình ra nước ngoài.

TS. Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ nhiệm cấp cao Bộ môn Quản lý chuỗi cung ứng và logistics tại Đại học RMIT cho biết, đáp ứng được các tiêu chuẩn hoạt động của hệ thống quản lý môi trường (EMS) và các tiêu chuẩn môi trường như ISO 14000 trong lĩnh vực sản xuất là startup đã đáp ứng được các bộ tiêu chuẩn lồng ghép các khía cạnh môi trường vào quá trình thiết kế và sản xuất sản phẩm và các tiêu chuẩn giảm phát thải, cũng như sử dụng tài nguyên và nguyên liệu thô trong quy trình sản xuất và tiết kiệm năng lượng.

Startup thực hành chứng nhận xanh cũng là chỉnh sửa, đổi mới quy trình tương thích theo yêu cầu xanh sẽ thúc đẩy nguồn vốn xã hội giữa các bên liên quan như khách hàng, nhà cung cấp, đối thủ cạnh tranh và đơn vị phát triển đổi mới. Tìm kiếm và học hỏi các quy trình sinh thái mới, đồng thời nhanh chóng áp dụng các quy trình sạch hơn có thể là một giải pháp sinh thái khả thi. Đổi lại, các công ty sản xuất cũng có thể hưởng lợi từ những cải tiến quy trình này, chẳng hạn như cải thiện chất lượng và giảm chi phí - ví dụ chi phí sản xuất theo quy trình mới sẽ ít lỗi và ít hoàn trả hơn - và cuối cùng là sự chấp nhận của khách hàng sẽ giúp công ty mở rộng thị phần hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Startup và câu chuyện "tẩy xanh"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO