Startup rơi rụng

Mỹ Huyền| 30/06/2023 01:00

Theo nhà đầu tư Vy Lê của Quỹ Đầu tư DO Venture, startup chỉ có thể sống khi gọi được vốn là một startup yếu ớt. Xem vốn đầu tư như con đường duy nhất để nuôi startup là một quan niệm sai lầm. Nhà đầu tư chỉ đóng vai trò trợ giúp cho doanh nghiệp tăng tốc, còn người sáng lập phải tự làm chủ việc kinh doanh.

Kẻ rời đi…

Năm 2020, LeFlair mở màn startup rơi rụng với nhiều cáo buộc nợ tiền hàng đối tác và người lao động chỉ vài tháng khi Covid-19 xuất hiện. Trong thông báo đóng cửa, sàn thương mại điện tử (TMĐT) hàng hiệu LeFlair đã gọi vốn được 12 triệu USD giải thích lý do tạm ngừng kinh doanh là do gặp nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn vốn.

Tiếp theo sự ra đi của LeFlair, một số startup từng huy động được vốn đầu tư đáng kể đã phải rời thị trường. Luxstay - một startup kết nối cho thuê phòng hạng sang cũng đã “đóng băng” dịch vụ, sau khi gọi được vốn hơn chục triệu USD từ các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, vốn chủ sở hữu của startup này chỉ ở mức 39,9 tỷ đồng vào cuối năm 2019, có nghĩa là nhà đầu tư chưa rót đủ vốn. Còn Luxstay đã phải ngừng tiếp nhận yêu cầu lưu trú theo chỉ thị phòng, chống dịch Covid-19 của Chính phủ vào năm 2020. Đến nay, website của Luxstay vẫn chưa hoạt động lại.

Hai nhà sáng lập LeFlair: Pierre-Antoine Brun (trái) và Loic Gautier (phải) trong văn phòng làm việc
Hai nhà sáng lập LeFlair: Pierre-Antoine Brun (trái) và Loic Gautier (phải) trong văn phòng làm việc

Năm 2022, thị trường chứng khoán bắt đầu những ngày dài lao dốc, mã chứng khoán ngành bất động sản âm liên tiếp. Cùng lúc đó, ứng dụng công nghệ bất động sản Propzy tuyên bố giải thể mảng bán hàng ở Việt Nam sau ba vòng gọi vốn huy động hơn 30 triệu USD. Nhưng một số chuyên gia nhận định việc giải thể như Propzy không phải vì thị trường bất động sản suy yếu. Bob Koppes - Giám đốc Sản phẩm và Chiến lược PropertyGuru nhận định: “Đó không phải là vấn đề của thị trường. Rất nhiều công ty khởi nghiệp đã được tài trợ để phát triển nhanh chóng nhưng nguồn tài trợ đang cạn kiệt”. Còn John Le - CEO Propzy thì cho biết không thể tồn tại nếu không gọi được thêm vốn. 

Ngay cả khi ôm vốn huy động được, startup cũng rơi rụng vì kinh doanh bết bát. Cuối năm ngoái, shark Nguyễn Ngọc Thủy thừa nhận Egroup đang gặp khó khăn trên nhiều mặt, trong đó vấn đề lớn nhất là dòng tiền vào hệ thống giáo dục Apax Holdings - có hơn 40 trung tâm dạy tiếng Anh - bị đóng cửa vì đại dịch suốt hai năm. Một phụ huynh đóng tiền học cho con tại Apax Leader cho hay đã tiếp cận được báo cáo tài chính của Apax Holdings và biết được công ty này đang giữ tiền mặt lên tới gần 700 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Apax Leader đang gánh khoản nợ phải trả hơn 3.070 tỷ đồng, trong đó có khoản nợ phụ huynh đã đóng học phí trước cho con nhưng không hề nhận được khóa học thực tế. Apax Leader khắp cả nước đóng và mở liên tục, có phép và không có phép. Tập đoàn giáo dục Egroup đồng thời là công ty mẹ của Apax Holdings với tỷ lệ sở hữu hơn 59,67%, cũng bị các công ty chứng khoán bán giải chấp gần 790.000 cổ phiếu. 

ZoomCar - một startup cho thuê ô tô thành công của Ấn Độ cũng đã rút lui khỏi thị trường Việt Nam vào tháng trước dù đã huy động được 92 triệu USD để phát triển thị trường. Trong thông cáo báo chí gửi đi vào tháng 2 vừa qua, ông Kiệt Phạm - Phó chủ tịch kiêm Giám đốc Quốc gia Zoomcar Việt Nam tuyên bố, công ty đã làm được một điều ít startup khác làm được là đạt đến điểm hòa vốn chỉ sau một năm hoạt động. Ông Kiệt dự báo trong năm 2023, Zoomcar Việt Nam sẽ mang về doanh thu 80 triệu USD.

Có vẻ điều này không hẳn thực sự đúng. Như thông cáo cho biết, Zoomcar “đốt” không ít tiền trong những ngày đầu cho thuê xe tự lái tại thị trường Việt Nam nhưng sau hai năm mãi không lôi kéo được khách hàng, ZoomCar thông báo ngừng kinh doanh ở Việt Nam vì điều kiện thị trường nói chung và dịch vụ cho thuê xe tự lái nói riêng có quá nhiều khó khăn.

…Người ở lại

Những startup rời thị trường đều đổ thừa cho khó khăn từ đại dịch, nhưng thực tế cho thấy nếu họ chủ động đưa ra các giải pháp sáng tạo thì vẫn có thể trụ lại. LeFlair trở lại Việt Nam sau hai năm kể từ ngày rời đi nhờ sự hậu thuẫn của Society Pass (SOPA). Dù không nhắc gì đến việc trả nợ nhưng LeFlair đang đàm phán mua các nền tảng có liên quan trong phân khúc bán lẻ trực tuyến, lĩnh vực phong cách sống, truyền thông và tiếp thị. Sau khi SOPA mua lại LeFlair, sàn TMĐT hàng hiệu này đã được tái cấu trúc. CEO người Pháp - Loïc Gautier của LeFlair cho biết sẽ không “đốt tiền” để quảng bá hình ảnh nhằm tăng trưởng đột phá đến nỗi phải phá sản như lần trước, mà tập trung vào thúc đẩy doanh thu.

Trái ngược với sự rút chạy của LeFlair trong đại dịch, Shopee lại ngược dòng trở thành sàn TMĐT phổ biến nhất Việt Nam khi chiếm đến gần 73% doanh số 4 sàn đang chiếm thế thượng phong trên thị trường, tương ứng khoảng 91.000 tỷ đồng, theo báo cáo Metric về ngành thương mại điện tử năm 2022. Trong đại dịch, doanh thu của Shopee đạt hơn 2.300 tỷ đồng năm 2020, theo báo cáo tình hình doanh nghiệp có vốn FDI của Bộ Tài chính. Tuy sàn TMĐT này được đông đảo giới bình dân ưa thích, họ cũng có đất dành riêng cho hàng hiệu như LeFlair và vẫn trụ vững.  

Trong khi một số startup rời thị trường khi Covid-19 kéo đến, số ở lại đã chứng minh được mô hình kinh doanh hiệu quả. Luxstay bỏ chạy vì đại dịch nhưng Traveloka - một sàn giao dịch đặt phòng lại liên kết cùng Sở Du lịch các tỉnh, thành để tổ chức những đợt truyền thông số và các chương trình hỗ trợ cách ly phòng, chống Covid-19. Sự “đốt tiền” có kế hoạch khả thi đã giúp startup này gọi được 300 triệu USD trong vòng gọi vốn Series E vào tháng 9 năm ngoái, khi thị trường vốn mạo hiểm đang trên đà suy giảm. 

Tương tự, khi Propzy tuyên bố giải thể mảng bán hàng, sàn TMĐT dành cho bất động sản batdongsan.com lại mang doanh thu từ Việt Nam về cho công ty mẹ PropertyGuru 3,7 triệu USD vào quý I/2022. Đầu năm nay, tuy doanh thu đã giảm 34,2%, công ty này vẫn thu được 2,4 triệu USD. Ông Bob Koppes cho rằng, startup lĩnh vực Proptech (công nghệ bất động sản) ở Việt Nam hiện nay chỉ tập trung tạo ra giải pháp cho thị trường trong nước. Họ cần phải tạo ra được giải pháp cho thị trường quốc tế để có cơ hội rộng mở hơn. Khi cạn nguồn tiền đầu tư, họ cũng tự tạo được lợi nhuận để tồn tại. Bob Koppes cũng dự đoán sẽ có nhiều startup trong lĩnh vực này phải tái cấu trúc lại trong thời gian tới. 

-6985-1687762566.jpg
-7314-1687762566.jpg

Chiến lược “Fake it till you make it” - phóng đại sai sự thật - được các startup dùng phổ biến để gọi vốn trước đây khi dòng vốn rẻ dồi dào. Nghĩa là startup sẵn sàng vẽ kế hoạch kinh doanh hoành tráng và tâng bốc về khả năng không có thật để thu hút đầu tư. Trong lúc một số startup vẫn theo đuổi được chiến lược đặt ra, một số đuối sức vì khả năng không như phóng đại là nguyên nhân căn cơ. Startup yếu về công nghệ, về khả năng kinh doanh thì có bao nhiêu vốn cũng khó trở thành một startup thành công như sự phóng đại của họ. Khi xài hết vốn, họ lại cần được tiếp thêm tài chính nên chỉ cần một cú sốc trên thị trường cũng làm lộ ra điểm yếu vì họ chưa tạo đủ doanh thu. Đã qua thời vốn rẻ nên startup sẽ phải có trách nhiệm hơn với đồng vốn mình tiêu xài.

Năm 2021, tổng số vốn đầu tư vào các startup Việt Nam hơn 1,4 tỷ USD, đến năm 2022 chỉ đạt 634 triệu USD. Vốn đầu tư mạo hiểm năm 2022 đã giảm đến 56% so với năm trước đó, do chịu tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu. Sự ảnh hưởng này đặc biệt rõ rệt kể từ nửa cuối năm 2022, khi giá trị đầu tư giảm 65% do khủng hoảng trong ngành công nghệ gia tăng. Vốn ít, startup không thể theo đuổi mô hình gọi vốn để “đốt tiền” mãi. Bà Vy Lê khẳng định: “Startup phải bán sản phẩm ở mức giá hợp lý, không thể trợ giá để thu hút thật nhiều khách hàng. Họ cần sản phẩm cốt lõi để sinh ra lợi nhuận, khi lợi nhuận vẫn còn thấp, cần cân đối tài chính, không nên chi nhiều tiền cho tăng trưởng đột biến”.

Chiến sự kéo dài ở Ukraine và những bất ổn địa - chính trị khác, cho đến bất ổn của hệ thống ngân hàng nhiều nước phát triển đang tấn công thị trường vốn mạo hiểm toàn cầu. Vốn khởi nghiệp toàn cầu đã giảm chỉ còn hơn 57 tỷ USD trong quý I/2023, rất thấp so với mức hơn 200 tỷ USD trong cùng quý vào năm trước.

Lạm phát cao và lãi suất ngân hàng Mỹ và châu Âu được dự báo tiếp tục tăng cũng tác động lên các quỹ đầu tư đang tránh né những giao dịch giá trị lớn, theo công ty kiểm toán KPMG. Theo đó, KPMG dự báo các quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ tiếp tục yếu dần từ quý II/2023 vì các nhà đầu tư mạo hiểm sẽ thận trọng hơn do bất ổn của thị trường. Châu Á không còn là thị trường nổi bật nữa mà Nam Mỹ, Mỹ Latinh và châu Phi sẽ trở thành tâm điểm đầu tư trong dài hạn. Vậy các startup phải xoay xở như thế nào khi nguồn vốn khan hiếm? 

Đã đến lúc startup không nên dựa vào nguồn vốn từ bên ngoài mà phải “tự cứu mình” trong bối cảnh kinh tế khó khăn. “Startup cần chuẩn bị cho tình huống khủng hoảng kéo dài. Trong bối cảnh cạnh tranh khắc nghiệt, product-market-fit (sản phẩm phù hợp với thị trường) là yếu tố tối quan trọng. Công nghệ chỉ là công cụ và các công ty cần ưu tiên giải quyết vấn đề khách hàng đang gặp phải, theo ông Trung Hoàng - Giám đốc Điều hành VinaCapital Ventures. Bà Phương Trần - Giám đốc Đầu tư tại WaveMaker nhận định, lúc này startup nên củng cố nhân sự và quản lý tài chính một cách nghiêm khắc. Cụ thể, cần kiểm tra lại doanh thu và tìm cách tối đa hóa doanh thu, cũng như tái cấu trúc chi phí để phù hợp với kế hoạch kinh doanh trong hoàn cảnh mới.

Các nhà đầu tư đều cho rằng, gọi vốn lúc này là vội vàng và khuyên startup nên đợi đến khi thị trường thuận lợi hơn. Số tiền cần gọi càng lớn thì việc gọi vốn càng khó khăn. Nếu công ty bắt buộc phải gọi vốn, hãy lên kế hoạch thật cụ thể và huy động vốn với mức định giá khiêm tốn. Hơn nữa, nếu một công ty khởi nghiệp buộc phải đóng cửa trong giai đoạn này thì đó không nhất thiết là thất bại. Nhà sáng lập có thể khép lại một hành trình chưa đúng và mở ra cơ hội mới.

Không thể phủ nhận những thách thức về kinh tế vĩ mô trên toàn cầu đang gây khó khăn cho startup Việt Nam nên rất cần cơ chế hỗ trợ để họ “vượt bão”. Báo cáo đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ Việt Nam 2023 cho biết, Việt Nam đang thiếu cơ chế, chính sách và ưu đãi đủ mạnh để thúc đẩy môi trường đổi mới sáng tạo bền vững.

Điều này đặt ra thách thức cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong việc đảm bảo nguồn vốn, thu hút và giữ chân nhân tài. Vì vậy, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và bổ sung các chính sách hỗ trợ để hệ sinh thái khởi nghiệp phát huy tiềm năng, như bổ sung quy định hỗ trợ khởi nghiệp, có điều luật về đầu tư mạo hiểm trong Luật Đầu tư và bổ sung tiêu chí đánh giá và cơ quan xác nhận cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo vào Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các văn bản có liên quan.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Startup rơi rụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO