Bạn biết gì về bệnh tim?

BS. VŨ MINH ĐỨC - PHÒNG KHÁM ĐA KHOA QUỐC TẾ YERSIN| 06/07/2013 09:04

Bệnh tim mạch là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Làm cách nào để phát hiện sớm các bệnh về tim?

Bạn biết gì về bệnh tim?

Bệnh tim mạch là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Làm cách nào để phát hiện sớm các bệnh về tim?

Đọc E-paper


Dăm bảy đường bệnh

Với bác sĩ, bệnh tim là một từ quá chung chung. Giới khoa học chia ra và phân biệt rõ các loại bệnh tim, thường gồm 6 loại: Bệnh động mạch vành, hay còn gọi là bệnh thiếu máu cơ tim, nếu trầm trọng thì xảy ra nhồi máu cơ tim (vẫn thường gọi là cơn đau tim); bệnh van tim (bệnh hẹp van hai lá, hẹp van động mạch chủ, hở van hai lá,...); rối loạn nhịp tim (rung nhĩ, nhịp nhanh kịch phát trên thất, ngoại tâm thu,...); bệnh cơ tim; bệnh tim bẩm sinh (thông liên thất, thông liên nhĩ, còn ống động mạch,...); suy tim.

Riêng tăng huyết áp được xếp là bệnh mạch máu (động mạch), không phải bệnh tim.

Cách phân biệt bệnh tim là theo từng nguyên nhân gây bệnh. Tìm đúng nguyên nhân gây bệnh tim, "thấy mặt đặt tên" cho nó thì mới có thể chỉ định những cách chữa trị hoặc chung sống với bệnh một cách phù hợp.

Có thể bạn không biết...

Chuyện một phụ nữ "chết hụt" khi tắm trắng khiến các bà các cô xôn xao lo lắng. Nhưng đến bệnh viện, qua kiểm tra, bác sĩ phát hiện nguyên nhân chính là do cô gái bị bệnh tim bẩm sinh.

Và việc thoa kem kín mít toàn thân khiến mồ hôi không thoát ra được, gây mệt, bệnh tim phát tác gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cô ấy. Đọc tin này không ít người giật mình: Liệu mình có mắc bệnh tim mà không biết?

Nếu bạn là người có những triệu chứng như môi tím, đầu ngón tay tím, hay mệt, khó thở, thỉnh thoảng hồi hộp, tim đập nhanh, nặng ngực... thì phải nhanh chóng đi kiểm tra tim mạch.

Cũng có nhiều trường hợp triệu chứng rất nhẹ, chỉ thoáng qua, không rõ ràng, bạn không chú ý, đến khi bệnh tim có điều kiện "vùng lên", bạn rất dễ "gục" vì không đề phòng trước.

Tốt hơn hết, bạn nên khám sức khỏe định kỳ để nếu phát hiện bệnh tim thì tìm cách xử lý sớm, hoặc ít nhất cũng biết để "lượng sức mình" trong sinh hoạt thường ngày. Để sàng lọc bệnh tim mạch, bác sĩ sẽ chỉ định làm các cận lâm sàng sau:

Điện tâm đồ: Giúp phát hiện rối loạn nhịp, thiếu máu cơ tim, dày thất...

X quang tim phổi: Giúp đánh giá bóng tim có to không, các cung tim có bất thường hay không và có tổn thương phổi do tim gây ra hay không.

Siêu âm tim: Khảo sát van tim, buồng tim, co bóp của thành tim, mức độ suy tim, phát hiện các dị tật bẩm sinh về tim.

Ngoài ra, có thể làm một số xét nghiệm cơ bản để tầm soát nguy cơ bệnh tim mạch: xét nghiệm mỡ máu (Cholesterol, Cholesterol có lợi,
Cholesterol có hại, Triglyceride), đường huyết lúc đói, công thức máu; tổng phân tích nước tiểu, chức năng thận,...

Những nghiệm pháp quan trọng về tim

Tùy theo nhận định của bác sĩ, khi phát hiện bạn mắc các bệnh về tim mạch, họ sẽ áp dụng thêm một số kỹ thuật, nghiệm pháp tim mạch giúp thăm dò tim mạch sâu hơn.

Điện tâm đồ gắng sức: Là một nghiệm pháp theo dõi thay đổi điện tim trong suốt quá trình gắng sức. Bạn được hướng dẫn đạp xe đạp và tăng mức gắng sức lên dần.

Bác sĩ sẽ theo dõi khi gắng sức hết mức như vậy có lộ ra những dấu hiệu thiếu máu cơ tim trên điện tâm đồ hay không (vì nhiều trường hợp thiếu máu cơ tim mức độ nhẹ và vừa sẽ không thấy dấu hiệu gì trên điện tâm đồ bình thường).

Điện tâm đồ gắng sức là một nghiệm pháp góp phần giúp chẩn đoán thiếu máu cơ tim.

Siêu âm tim gắng sức: Về mặt ý nghĩa, siêu âm tim gắng sức cũng tương tự như điện tâm đồ gắng sức.

Bạn được truyền một loại thuốc làm tăng nhịp tim từng bước, bác sĩ sẽ siêu âm khảo sát xem có rối loạn vận động của cơ tim khi tim tăng hoạt động dần dần đến tối đa, nhằm kết luận về bệnh thiếu máu cơ tim.

Siêu âm tim gắng sức cũng là một nghiệm pháp góp phần giúp chẩn đoán thiếu máu cơ tim.

Holter huyết áp: Là một máy đo huyết áp liên tục suốt 24 giờ, giúp đánh giá huyết áp trong ngày, kể cả thời gian bạn làm việc ở cơ quan, thời gian bạn ở nhà và thời gian bạn ngủ. Máy gọn nhẹ như máy điện thoại, có thể mang về nhà.

Holter huyết áp giúp nhận định các trường hợp nghi ngờ có cao huyết áp, hiện tượng "áo choàng trắng" hoặc đánh giá hiệu quả thuốc hạ áp trong những trường hợp cao huyết áp phức tạp, khó điều trị.

Holter nhịp tim: Là một máy nhỏ gọn hơn cả Holter huyết áp, giúp theo dõi nhịp tim liên tục trong suốt 24 giờ. Công cụ này giúp nhận định chính xác các trường hợp rối loạn nhịp tim mà điện tâm đồ bình thường có thể bỏ sót không thể ghi nhận được.

Việc ghi điện tim liên tục 24 giờ giúp phát hiện những trường hợp rối loạn nhịp nguy hiểm.

CT tim: Giúp phát hiện vôi hóa mạch vành, khảo sát các mạch máu lớn của tim, khảo sát các cầu nối sau phẫu thuật bắc cầu, đánh giá bất thường các buồng tim, thành tim, các bệnh tim bẩm sinh.

MRI tim: Giúp đánh giá tưới máu cơ tim, tính sống còn cơ tim, nhất là các trường hợp tắc động mạch vành, nhồi máu cơ tim, MRI tim cũng giúp kiểm tra kích thước buồng tim và độ dày thành tim, khảo sát các mạch máu chính của tim.

Nghiệm pháp bàn nghiêng: Là một nghiệm pháp đặc biệt giúp chẩn đoán nguyên nhân của các trường hợp ngất tái diễn không rõ nguyên nhân. Nghiệm pháp này sẽ giúp xác định các trường hợp ngất do phản xạ nhạy cảm bất thường của hệ tuần hoàn.

Cần lưu ý, khi chưa có triệu chứng rõ ràng liên quan bệnh tim mạch nhưng có các yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch, như quá cân, tiền sử gia đình có người mắc bệnh tim, công việc nhiều căng thẳng, stress,... thì bạn nên gặp bác sĩ để được tư vấn làm các nghiệm pháp cần thiết để tầm soát các bệnh về tim.

Xử lý khi lên cơn đau tim

Nếu là một cơn đau ngực nhẹ: nằm nghỉ ngơi, tránh gắng sức, dùng thuốc giãn vành theo hướng dẫn của bác sĩ tim mạch.

Nếu là một cơn đau tim của nhồi máu cơ tim cấp: Nằm nghỉ tuyệt đối, ngậm Nitro glycerin dưới lưỡi và gọi xe cấp cứu đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

6 tiếng đồng hồ kể từ lúc khởi phát cơn đau tim được gọi là THỜI GIAN VÀNG để can thiệp tái thông chỗ hẹp tắc động mạch vành, cứu sống được vùng cơ tim đang nguy kịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bạn biết gì về bệnh tim?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO