Tuyến đường sắt hoài niệm ở Singapore

ĐỖ HÙNG| 09/10/2015 06:52

Một chiều đi ngang qua Clementi - khu vực ngoại vi trung tâm Singapore, chúng tôi tình cờ phát hiện cây cầu đường sắt cũ kỹ vắt ngang qua một con sông nhỏ.

Tuyến đường sắt hoài niệm ở Singapore

Một chiều đi ngang qua Clementi - khu vực ngoại vi trung tâm Singapore, chúng tôi tình cờ phát hiện cây cầu đường sắt cũ kỹ vắt ngang qua một con sông nhỏ.

Đọc E-paper

Trên các phương tiện truyền thông đại chúng và một số chỉ dẫn du lịch của Singapore, chúng tôi không thấy thông tin về việc di chuyển bằng tàu hỏa. Chúng tôi được biết, ở Singapore, trong quá khứ có duy nhất một tuyến đường sắt nối liền từ Woodland tới Johor, Malaysia.

Hiện nay, phương tiện di chuyển phổ biến tại Singapore là MRT (tàu điện ngầm) và LRT (đường sắt trên cao), hoặc xe buýt. Vậy sự hiện diện của đường sắt ở đây có lịch sử như thế nào?

Sáng hôm sau, chúng tôi quyết định đi bộ tới cây cầu và đoạn đường sắt ở Clementi. Chúng tôi vòng ra phía sau tòa nhà chung cư khu Clementi Blk 308 để tìm đường tiếp cận cây cầu và rất may là có một lối xuống. Bên những khóm cỏ mọc um tùm, đoạn đường ray nằm im lìm sau một khu vườn, hầu như vẫn nguyên vẹn. Đi tiếp theo đường ray và qua cánh cửa gỗ tạm bợ là lên được cây cầu sắt.

Cây cầu bắc qua dòng sông, hai bờ có con đường nhỏ, cỏ cây xanh tốt. Cảnh vật xung quanh cây cầu và đoạn đường ray cho biết nó bị bỏ hoang cách đây chưa lâu. Những dòng chữ viết, chữ ký trên thành cầu hay thanh ray như muốn nói lời từ biệt bao kỷ niệm một thời của người dân Singapore với cây cầu sắt này.

Những gì còn lại của tuyến đường sắt Singapore ở Clementi

Việc đi tìm nguồn gốc cây cầu đường sắt này đã gợi mở một số thông tin về lịch sử đường sắt Singapore.

Singapore có tàu lửa khá sớm, dưới thời thuộc địa của Anh. Trước đó rất lâu đã có những dự án xây dựng tuyến đường xe lửa nhưng không được chấp thuận. Tới năm 1903, tuyến đường xe lửa đầu tiên hoàn thành, nối từ cảng tới Woodland phía bắc đảo, chủ yếu để vận chuyển hàng hóa.

Cùng với đó là việc mở rộng một số tuyến nối với khu Jurong, Pasit Panjang, Tank Road, Bukit Timah. Phương tiện tàu lửa lúc đó có vị trí đáng kể với đảo Singapore. Như vậy, tuyến đường sắt bị bỏ hoang hiện nay đã có lịch sử 112 năm (1903 - 2015).

Năm 1923, tuyến đường đắp nổi giữa Singapore và Malaysia được khởi công, nối liền với lục địa Malaysia. Từ 1930 - 1932, một số ga như Old Bukit Timah, Halland Road, Tank Road bị đóng cửa. Năm 1932, ga Tajong Pagar xây xong, đó là một nhà ga lớn, có kiến trúc đặc sắc, được coi như biểu tượng về nhà ga ở Singapore.

Trước đó, toàn tuyến chỉ sử dụng một ga tạm trên suốt 26km. Đoạn đường sắt và cây cầu trên địa phận Clementi nằm trên tuyến đường sắt nối từ Bukit Timah tới Jurong trước kia.

Năm 1965, Singapore tách ra khỏi liên bang Malaysia nhưng tuyến đường sắt này vẫn thuộc sở hữu của Công ty Đường sắt Malaysia (KTM). Tất cả các nhà ga và đất đai đường sắt đi qua thuộc quyền sở hữu của Malaysia. Điều đó từng là một vướng mắc ngoại giao khó chịu với cả hai nước.

Singapore muốn thu hồi đất nơi đường ray chạy qua vì nó rất quan trọng trong quy hoạch phát triển kinh tế ở một đất nước có diện tích quá nhỏ bé. Mãi tới năm 2010 Singapore mới đạt được thỏa thuận với Malaysia và nhà ga Tanjong Pagar bị đóng cửa. Chuyến xe lửa cuối cùng chạy trên tuyến đường sắt này là chuyến ngày 30/6/2011.

Hiện nay, hầu hết đường ray đã bị tháo dỡ, chỉ còn một vài đoạn tương tự như ở khu Clementi. Vậy là tuyến đường sắt một thời của Singapore đã đi vào dĩ vãng.

Mong rằng Singapore sẽ không tháo dỡ đoạn đường ray và cây cầu tuyệt đẹp ở Clementi, biến chúng thành địa điểm cho du khách tới tham quan.

>Chút tình nơi đất bạn

>Du lịch Pattaya đã qua thời hoàng kim?

>"Xuất khẩu toán chuyên" sang vùng Vịnh

>Những con phố Chinatown

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tuyến đường sắt hoài niệm ở Singapore
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO