Phu thuyền trong lòng thành phố

ĐOÀN ĐẠI TRÍ| 11/03/2016 06:28

Với những phu thuyền - những người làm nghề bốc vác thuê, bến sông, con thuyền và những bao hàng trên vai là một phần của cuộc sống mưu sinh.

Phu thuyền trong lòng thành phố

Giữa vội vã ngược xuôi của những chuyến xe ngày cuối năm , thật lạ khi ở Sài Gòn vẫn có hàng trăm phu thuyền, những người làm nghề bốc vác thuê ở các bến sông Sài Gòn, Kênh Tẻ, Nhà Bè, Chợ Đệm,... vẫn tất bật với công việc mưu sinh nặng nhọc. Với họ, bến sông, con thuyền và những bao hàng trên vai là một phần cuộc sống, một cuộc sống bấp bênh như những tấm ván mỏng bắc từ bờ tới mạn thuyền. 

Đọc E-paper

Đời nữ phu thuyền

Một buổi trưa oi ả của tiết trời phương Nam, chúng tôi ghé vào một bến nhỏ ở ven bờ sông Kênh Tẻ phía bên quận 7, khi hàng chục phu bốc vác đang hối hả chuyển những bao gạo từ thuyền lên bờ.

Quãng đường vận chuyển chỉ khoảng trăm mét nhưng công việc khá vất vả vì mỗi bao gạo ước chừng 50kg. Cứ 5 phút họ vác được một bao, và mỗi ngày có đến cả chục tấn gạo được vận chuyển bởi những đôi vai gầy guộc. Điều đáng nói là hầu hết phu thuyền là phụ nữ.

Chị Bé, một trong số phu thuyền đang làm việc ở đây, chia sẻ về công việc: "Quê tôi dưới miệt Tam Nông (Đồng Tháp) nhưng từ chục năm trước, hai vợ chồng đã giong ghe lên đây làm ăn. Ban đầu lấy dừa, cam, vú sữa dưới quê lên bán. Một thời gian sau, buôn bán thất thường, không có lãi nên hai vợ chồng chuyển qua nghề bốc vác cho những chủ tàu lớn. Nghề này tuy nặng nhọc nhưng bù lại, ngơi tay là lấy tiền luôn. Nhưng cũng khổ lắm, nhất là những khi vác bao bắp, bao gạo đi trên ván cầu, trượt chân té xuống, tuy không ảnh hưởng tới tính mạng vì mình là dân sống trên sông nước, bơi giỏi nhưng ngày hôm đó coi như làm việc không công bởi tiền công sẽ bị chủ trừ vào tiền hàng mình làm rơi xuống sông".

Được biết, ở khu vực này, vào lúc thủy triều lên thường có nhiều ghe lớn chở nông sản, bột mì, hóa chất... đến, đổ hàng cho những nhà máy, xí nghiệp ở dọc hai bên bờ sông. Khi ghe cập bến cũng là lúc công việc của những phu thuyền bắt đầu, và họ phải bốc dỡ hàng hóa thật nhanh để ghe kịp trở ra, nếu chậm trễ, ghe phải neo lại đợi tới con nước lên ngày hôm sau.

Việc bốc vác tuy đơn giản nhưng cũng có nhiều quy định: Để lấy được tiền công, phu bốc vác phải kết thúc công việc trước khi thủy triều xuống, phải đảm bảo hàng không bị thất thoát, rơi vãi. Thường hàng được cai bến thầu trọn ghe, sau đó thuê phu bốc dỡ và trả tiền công theo số lượng hàng mỗi người vận chuyển.

Công việc nặng nhọc, những người phu bốc vác đã vắt kiệt sức lực để đổi lấy những đồng tiền còm cõi nhưng họ nào có được hưởng trọn, vì còn qua nhiều khâu trung gian, nên đồng tiền đến tay họ lại càng còm cõi hơn.

Chị Bé bảo, nếu có nhiều ghe ra vào bến thì mỗi ngày cũng kiếm được ba, bốn trăm ngàn, trừ tiền ăn uống cũng có đồng ra đồng vào để đóng tiền cho con đi học, trả tiền thuê phòng trọ.

Những nữ phu thuyền

Chị Vậy, một nữ phu thuyền có thâm niên 15 năm gắn bó với các bến ở Kênh Tẻ, ngồi tựa lưng vào những phiến bê tông sau một đợt xuống hàng, cười buồn kể, nhà chị ở ngay bên cù lao Rạch Lào, phía giáp với Bình Chánh, vào nghề từ khi còn con gái, rồi lấy chồng, giờ con gái chị chuẩn bị học trung học phổ thông, chị vẫn ngày đêm bám bến.

Đưa mắt nhìn ra dòng Kênh Tẻ mênh mang, chị nói: "Mặc dù nghề bốc vác đã mang đến cơm áo cho gia đình, giúp tôi nuôi con nhưng công việc nặng nhọc, lao lực quá, chắc chỉ theo được vài năm nữa là phải bỏ nghề, lên bờ kiếm kế khác mưu sinh. Mà trụ được ở bến sông này như tôi là vẫn còn may vì Trời thương, cho mình sức vóc không thua kém gì đàn ông, chứ như người khác có lẽ chỉ ngót chục năm là chịu không nổi. Giờ xương cốt sau mỗi buổi làm việc cứ như muốn rạn ra, cố kiếm tiền lo cho con học xong bậc phổ thông rồi tôi nghỉ, đi lấy vé số về bán chắc cũng đỡ vất vả hơn làm nghề phu thuyền này".

Với hệ thống kênh rạch rộng lớn, ở khắp thành phố có hàng trăm bến sông có nhu cầu bốc vác hàng hóa cần đến bàn tay, đôi vai của những phu thuyền này. Các bến sông ở ven Kênh Tẻ, Chợ Đệm... có nhiều ghe thuyền vận chuyển nông sản từ miền Tây lên cho các doanh nghiệp ở quận 5, quận 7, Bình Chánh.

Xuống hàng xong, các ghe này lại lấy những mặt hàng như đồ gia dụng, vật liệu xây dựng... chở về miền Tây. Nhờ vậy mà công việc của nhiều phu thuyền vẫn được đảm bảo.

Khoảng lặng

Tuy nhiên, điều nghịch lý là dịp cuối năm, trong khi lượng hàng hóa đổ về những bến sông tăng lên thì công việc của phu thuyền lại ít đi, kéo theo thu nhập của họ cũng èo uột hơn. Lý do là các phương tiện cơ giới đang dần thay thế sức lao động của con người.

Theo anh Hạnh - một chủ tàu buôn hành tím, khoai lang từ miền Tây lên, trước kia, mỗi chuyến hàng phải mất tới 5 - 6 triệu đồng tiền thuê bốc vác bởi quãng đường từ bến tới kho khá xa, đến vài trăm mét.

Hiện nay, hầu hết các ghe lớn đều có trang bị thang chuyền giúp chủ ghe rút ngắn khoảng cách vận chuyển mà không tốn nhiều chi phí, lại có thể sử dụng lâu dài. Không những vậy, nhiều chủ ghe còn thuê cả xe tải nhỏ chở hàng hóa vào kho. Và khi việc vận chuyển hàng trở nên nhẹ nhàng hơn đối với các chủ hàng thì cuộc sống của những phu thuyền lại khó khăn và nhọc nhằn hơn.

Bà Bảy - một người đã có nhiều năm bán nước giải khát ở khu vực gần ngã ba sông Chợ Đệm - Cái Tâm (thị trấn Tân Túc, Bình Chánh) cho biết: "Ngày xưa có lúc bến này thu hút tới vài chục công nhân bốc vác vì ghe thuyền nhiều, công việc làm luôn tay. Tuy vất vả nhưng họ thấy vui vì có việc làm và thu nhập. Trước một ghe phải thuê cả chục người bốc vác hàng hóa, giờ chỉ cần hai người là đủ nên bến cũng ngày một vắng hơn. Nhiều người bỏ nghề đi bán vé số, giúp việc nhà...".

Quý - một thanh niên khá trẻ làm phu thuyền ở đây - thở dài: "Làm hết đợt cuối năm này mấy anh em chúng tôi xuống chợ Bình Điền chuyển cá cho các chủ sạp còn có thu nhập khá hơn. Ngồi đây từ sáng tới trưa, có 4 ghe cập bến mà tiền công bốc dỡ hàng chia ra mỗi người cũng chưa tới trăm ngàn".

Thành phố không thiếu những khu cảng biển hiện đại nhưng chắc chắn những nơi đó không mang đến kế sinh nhai cho những phu thuyền nghèo khó nên các bến sông nhỏ bé vẫn là nơi cưu mang họ cho đến khi họ không còn đủ sức theo nghề.

>Phận người hấp cá

>Những thợ săn một thời

>Trắng đêm với "rồng đất"

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phu thuyền trong lòng thành phố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO