Hai doanh nghiệp ở nông thôn Pháp

Hàm Châu| 08/01/2010 08:26

Dòng họ Michel làm nghề “gia truyền” nuôi ong từ năm 1900, đã trải qua bốn đời, hơn một thế kỷ. Michel, tuổi trạc ngũ tuần, hiện là Giám đốc Công ty Ong Chézelles đặt “trụ sở” ngay trong vườn nhà.

Hai doanh nghiệp ở nông thôn Pháp

Công ty Ong Chézelles

Vợ chồng Lune và Michel Feitrenie sống cùng hai cậu con trai là David và Théo trong một “thái ấp” rộng 5.000m2. Điền trang và thái ấp (phần ruộng đất được vua ban cấp) là những hình thức sở hữu bất động sản từ xưa ở nhiều nước châu Âu mà cho đến nay vẫn còn.

Tác giả cùng ba cha con ông Daniel Lavaud trước máy gặt đập liên hoàn của trang trại gia đình

Dòng họ Michel làm nghề “gia truyền” nuôi ong từ năm 1900, đã trải qua bốn đời, hơn một thế kỷ. Michel, tuổi trạc ngũ tuần, hiện là Giám đốc Công ty Ong Chézelles đặt “trụ sở” ngay trong vườn nhà.

- Công ty chúng tôi chỉ có bảy người trực tiếp sản xuất, số còn lại làm việc đóng gói hàng, văn thư, kế toán - Michel nói.

- Hằng năm Công ty thu hoạch, chế biến bao nhiêu mật ong, sữa chúa?

- 80 tấn mật ong, 500kg sữa chúa.

- Như vậy, các anh phải có nhiều đõ ong lắm?

- Hơn 3.000 đõ!

- Nhiều thế ư? Chắc phải đặt khắp cả vùng này?

- Tất nhiên! Đặt từng cụm, từng cụm 25 - 30 đõ, khắp các lùm cây, cánh rừng nhỏ quanh vùng, xa nhất về mùa hè là 200km, mùa đông đường khó đi hơn, thì chỉ đặt trong khoảng 30km trở lại.

- Làm sao để ong quen với những chỗ mới di chuyển tới?

- Phải chở tổ ong trong đêm, khi ong đang ngủ, đóng kín tổ, sáng sớm hôm sau mới mở, ong không nhớ đường về chốn cũ...

- Các anh có bao nhiêu khách hàng?

- Khoảng 140 nghìn, trong đó có 35 nghìn khách hàng thường xuyên. Theo đơn đặt hàng qua mạng, chúng tôi chuyển hàng tới bằng đường bưu điện. Những kiện nặng quá thì phải chở bằng xe tải...

- Thế mà số nhân viên lại quá ít?

- Lắm người làm công, Công ty chắc lỗ to, phá sản mất thôi! Chúng tôi đâu có ai được “bao cấp”!

Công ty Ong Chézelles cung cấp khoảng 100 loại sản phầm: từ mật ong, sữa chúa, phấn hoa, viên sữa chúa trộn nhân sâm Cao Ly đến các dược phẩm làm từ ong, kem dưỡng da, xà phòng thơm v.v...

Nước Pháp đã trải qua mấy trăm năm công nghiệp hóa. Kinh tế thị trường vận hành theo quy luật cạnh tranh, chọn lọc tự nhiên. Công ty nào còn “sống sót” ắt phải đạt năng suất cao, nếu không, chắc đã bị đào thải từ đời thuở nào rồi!

Bà Jeannette

Cách nhà Lune và Michel vài trăm mét là ngôi nhà của bà Jeannette, mẹ Michel. Bà là người về hưu, từng làm ở Công ty Ong. Ngoài lương hưu, bà còn được nhận tiền cổ tức, vì là một cổ đông của Công ty. Sinh năm 1928, đến năm 2009 bà đúng 81 “tuổi tây”, thế mà vẫn rất “phong độ”! Bà sống một mình trong ngôi nhà trệt sáu phòng, mới xây, do ngại lên xuống thang gác. Thửa vườn rộng như vườn nhà Michel: 5.000m2.

- Hôm nọ, ông bạn tôi từ Paris về thăm, hạ cánh trực thăng ngay chỗ kia! - Bà chỉ tay ra bãi cỏ rộng ở góc vườn. - Ông ấy bảo đi xe lửa thì lâu quá; còn lái ô tô 300km lại ngại!

- Trực thăng hạ cánh ngay trong vườn?

- Vâng, có sao đâu. Vườn đủ rộng, lại không vướng cây to!

Giám đốc công ty Ong dùng máy bay gia đình đưa khách Việt Nam đi thăm vùng Chezelles

Ngồi trên chiếc ghế bành kiểu Louis 14, trong gian phòng khách lắp kính sáng choang, tôi nhìn ra cánh đồng bao la hướng dương, cải dầu nở hoa vàng rực, chạy tít tắp tới tận chân mây. Con ong nhà Michel hút mật từ cánh đồng hoa ấy...

- Tôi không cho xây tường, chỉ lắp kính thôi, để trong nhà càng thu được nhiều ánh sáng trời càng tốt.

Nơi góc phòng đặt một chiếc máy vi tính, màn hình tinh thể lỏng 21inch, cài hệ điều hành Windows XP.

- Bà vẫn dùng máy tính?

- Mỗi ngày tôi mở máy nhận thư hai lần, chỉ để kịp đọc thư bạn bè, con cháu, và trả lời đừng chậm quá.

- Chắc vợ chồng Michel chỉ cho bà cách dùng?

- Không! Tôi muốn học từ từ, có bài bản. Thế nhưng Lune và Michel lại cứ dạy vội dạy vàng! Cho nên tôi quyết định theo học ở một lớp tin học ngoài thành phố, mỗi tuần học ba buổi, suốt bốn tháng.

- Vất vả quá!

- Có gì đâu! Chỉ 20km từ đây ra Châteauroux, mất 12 phút lái xe.

- Bà tự lái?

- Dĩ nhiên! Nếu ông muốn đi thăm thái ấp của bà George Sand thì sáng mai tôi đưa ông đi.

Đúng hẹn, bà đánh ô tô con sang nhà Michel, đón tôi đi. Chúng tôi thăm chỗ ở của George Sand (1804-1876) tại Nohant. Rồi thăm chiếc cối xay nước bên dòng suối Angibault, một nơi vắng vẻ mà George Sand thường “trốn khách” đến để ngồi viết sách. Tại căn phòng trên tầng gác của chiếc cối xay có treo tranh chân dung những người tình của George Sand. Tôi đếm được 10 người, trong đó có ba người rất nổi tiếng: nghệ sĩ piano Ba Lan F. Chopin, nhà thơ Pháp A. de Musset và họa sĩ Pháp E. Delacroix.

Ông chủ một nông trại gia đình

Có thể coi Chézelles là một xã hay một thị trấn đều đúng. Xét về mặt kết cấu hạ tầng hiện đại, thì nó đúng là thị trấn. Nhưng xét về mặt cảnh quan ruộng đồng thẳng cánh cò bay, thì nó lại giống làng thôn.

Người đứng đầu bộ máy hành chính ở Chézelles là một vị maire (dịch là xã trưởng hay thị trưởng đều có lý). Daniel Lavaud, 61 tuổi, vừa kết thúc nhiệm kỳ xã trưởng; năm 2007 được Nhà nước Pháp tặng huân chương vì “đã hết lòng lo cho cộng đồng dân cư”.

Thư thả dạo qua cánh đồng hoa hướng dương vàng rực, tôi đến thăm Daniel. Vừa bước vào nhà, tôi hỏi ngay:

- Gia đình ông cày cấy bao nhiêu đồng đất?

- Chỉ 300ha.

Tôi nhẩm tính, vậy là, về diện tích canh tác, một gia đình nông dân bên Tây bằng cả một xã bên ta!

- Bà nhà tôi lo nội trợ - Daniel tiếp lời. Tôi làm đồng với hai cậu con trai. Cười tủm tỉm, ông nói thêm: Cậu lớn sống chung với bồ đã hai năm rồi, nhưng chưa chịu cưới! Ba cha con tôi thu hoạch 1.500 tấn hạt cốc. Lúc thời vụ căng mới mướn tạm vài nhân công! Cái chính là... “bóc lột máy móc”!

Ngoài lúa mì, Daniel còn trồng đại mạch, hướng dương, cải dầu, lúa miến, cỏ linh lăng, đậu nhỏ, nấm cục v.v...

Ông dẫn tôi dạo khắp vườn nhà, xem các loại xe tải lớn, nhỏ, máy cày, máy gặt đập, kho lẫm, hầm sấy hạt cốc những ngày mưa. Ông hẹn sẽ cho tôi lên ca-bin máy gặt đập, đi gặt lúa mì ngay chiều hôm sau.

Theo GS. Đào Thế Tuấn, một chuyên gia về phát triển nông thôn, kinh tế nông thôn Pháp hiện là kinh tế hộ nông dân (peasant household economy), chứ không phải kinh tế tư bản chủ nghĩa (capitalist economy). Mỗi hộ sở hữu 30 - 300ha. Nhờ máy móc tiên tiến, họ tự mình canh tác trên nông trại của mình, không thuê mướn nhân công.

Năng suất cao khó tưởng tượng! Ở các nước như Mỹ, Pháp, số người làm nông nghiệp chỉ chiếm 2 - 7% số dân, thế mà vẫn cung ứng đủ bánh mì, bơ, sữa, thịt, trứng, hoa tươi, quả ngọt, rượu ngon cho toàn dân nước họ. Lắm khi lại còn thừa, xuất sang các nước đang phát triển, nơi 80% số dân làm nghề nông!

Chézelles dân cư thưa thớt, vẻn vẹn chỉ có 450 người. Thế mà diện tích thì rộng tới 2.500ha (gấp 5 lần Hồ Tây, Hà Nội). Dân cư hầu hết thuộc tầng lớp trung lưu. Họ vừa là chủ nông trại gia đình, vừa là người trực tiếp làm ra của cải. Cả làng chỉ còn 3 người làm thuê thời vụ.

Gia đình nào nhà cửa cũng khang trang, tiện nghi đầy đủ: điện thoại di động, tivi màn ảnh tinh thể lỏng, máy tính nối mạng ADSL, nước sạch, ô tô. Một số nhà như Michel còn sắm cả máy bay thể thao. Một sân bay rộng 50.000m2, nền cỏ, đường băng dài 900m, đủ cho máy bay cánh quạt cất cánh, hạ cánh đã được Nhà nước xây dựng để khuyến khích thể thao.

Bằng lái ô tô thì dân quê ở đâyđến tuổi trưởng thành ai mà chẳng có! Một số còn có cả bằng lái máy bay thể thao. Cố nhiên, ở Pháp, không có chuyện mua bằng!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hai doanh nghiệp ở nông thôn Pháp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO