Sự kiện kinh tế

Phát triển Bình Dương thành trung tâm giáo dục - đào tạo cấp vùng và quốc gia

Minh Hào 08/08/2023 18:30

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tỉnh Bình Dương phát triển về công nghiệp, thu hút lao động từ các tỉnh, thành trên cả nước và được xếp thứ tư trong vùng Đông Nam bộ. Để tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội tương xứng với tiềm năng, Bình Dương đặt mục tiêu xây dựng thành trung tâm giáo dục - đào tạo cấp vùng và quốc gia.

binh-duong.jpeg
Bình Dương muốn trở thành trung tâm giáo dục - đào tạo cấp vùng và quốc gia

Ưu tiên cho giáo dục

Sau 25 năm xây dựng và phát triển, Bình Dương từ một tỉnh với kinh tế nông nghiệp là chủ yếu đã từng bước chuyển mình trở nên phát triển năng động, là trung tâm công nghiệp - đô thị hiện đại, đầu mối quan trọng gắn kết các tỉnh, thành phố trong vùng ở Đông Nam bộ. Hiện quy mô kinh tế của Bình Dương đạt trên 412,5 nghìn tỷ đồng, gấp 105,3 lần so với năm 1997, GRDP bình quân đầu người đạt trên 7.000 USD/người, đứng thứ hai cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài (năm 2022).

Ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, với chủ trương phát triển kinh tế để phục vụ an sinh xã hội, tỉnh luôn ưu tiên đầu tư cho giáo dục và xác định đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển bền vững.

Nhiều năm qua, bên cạnh việc tập trung phát triển kinh tế, duy trì và nâng cao tỷ lệ thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài, Bình Dương đặc biệt quan tâm đến chính sách phát triển giáo dục và đào tạo. Cụ thể, ngoài việc đảm bảo cho tất cả trẻ em trong độ tuổi đi học trên địa bàn đều được đến trường, hằng năm, tỉnh dành nguồn ngân sách để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị ngành giáo dục theo hướng đồng bộ, hiện đại.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng huy động các nguồn lực tại địa phương, đặc biệt là các chủ trương thông thoáng trong thực hiện xã hội hóa để đầu tư, xây dựng các trường theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Tất cả nhằm để ngành giáo dục và đào tạo phát triển tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hiện tỉnh Bình Dương có 8 trường đại học cùng 86 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đã góp phần đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, bổ sung lực lượng lao động cho tỉnh và một số địa phương lân cận. Về cơ bản, học viên, sinh viên của tỉnh sau tốt nghiệp đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng và hội nhập với thị trường lao động của khu vực.

Đến cuối năm 2022, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 82%, trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 32% cao hơn bình quân chung cả nước. Tỷ lệ lao động sau đào tạo có việc làm phù hợp với kỹ năng nghề và trình độ đào tạo tăng, góp phần hình thành đội ngũ lao động chất lượng, tay nghề cao, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Cũng theo ông Võ Văn Minh, Bình Dương phấn đấu trở thành một thành phố thông minh và đạt các tiêu chí trở thành đô thị loại I, trực thuộc Trung ương. Vì vậy, việc thu hút và phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng và hoàn thiện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số và tiếp tục chiến lược phát triển thành phố thông minh, cùng cả nước hướng tới mục tiêu vượt bẫy thu nhập trung bình đang trở thành một trong những yêu cầu, nhiệm vụ chiến lược vừa có tính cấp bách, vừa có tính lâu dài, có ý nghĩa rất quan trọng và cần thiết trong quá trình xây dựng, phát triển của Bình Dương.

Vẫn còn bất cập

Dù có những đầu tư nhất định cho giáo dục nhưng theo người đứng đầu chính quyền Bình Dương, vẫn còn những bất cập. Cụ thể, do phát triển nhanh về công nghiệp, thu hút rất đông đảo nguồn lao động từ các tỉnh, thành trên cả nước, mỗi năm dân số của Bình Dương tăng trung bình khoảng 100.000 người.

Với tốc độ tăng dân số cơ học này, hiện có hơn 53,5% trên tổng số gần 2,8 triệu dân của tỉnh là người từ các địa phương khác đến sinh sống, làm việc, học tập. Lượng người này tập trung ở các vùng có nhiều khu, cụm công nghiệp và có tốc độ đô thị hóa cao. Điều này đã tạo nên áp lực trong công tác quản lý nhà nước, đảm bảo an ninh trật tự và khả năng giải quyết các vấn đề bức xúc của xã hội, nhất là trong việc chuẩn bị cơ sở vật chất và nguồn nhân lực cho lĩnh vực giáo dục.

giao-duc.jpg
Giáo dục là lĩnh vực quan trọng đang được Bình Dương đẩy mạnh đầu tư

Với số học sinh các cấp học tăng nhanh, bình quân mỗi năm tăng hơn 20.000 học sinh, nhiều trường học có sĩ số học sinh/lớp vượt cao so với quy định, nhiều trường phải giảm lớp học 2 buổi/ngày do thiếu phòng học và tình trạng thiếu giáo viên...

Điều này buộc ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Bình Dương phải thực hiện đồng bộ nhiều phương án, giải pháp căn cơ, phù hợp để đảm bảo cho học sinh có chỗ học, nhất là trẻ mầm non và học sinh bậc tiểu học. Vấn đề này cũng ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 và việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục.

Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp hằng năm có tăng nhưng chưa tương xứng với yêu cầu tăng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo. Công tác xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế, chưa thu hút được nhiều nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp.

Hiện quỹ đất dành cho giáo dục nghề nghiệp ở Bình Dương cũng còn thiếu, nhất là ở các vùng trung tâm đông dân cư. Cơ chế thực hiện chính sách xã hội hóa trong giáo dục nghề nghiệp còn khó thực hiện, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Đã vậy, công tác đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho người lao động chưa được doanh nghiệp chú trọng, chưa khuyến khích người lao động tham gia học tập suốt đời.

Một vấn đề nữa là quy mô đào tạo trình độ đại học, sau đại học vẫn còn hạn chế, tỷ lệ giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ thấp hơn mức bình quân trong khu vực và cả nước. Chất lượng và số lượng đào tạo vẫn còn khiêm tốn, chỉ mới đáp ứng được một phần yêu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là các ngành nghề mà tỉnh và vùng đang cần (như kinh tế, tài chính, logistics, trí tuệ nhân tạo và các ngành cơ khí, kỹ thuật công nghệ…).

Để ngành giáo dục và đào tạo phát triển tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ông Võ Văn Minh cho biết, Bình Dương đang hoàn thiện đề án “Phát triển tỉnh Bình Dương thành trung tâm giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp cấp quốc gia và vùng”.

Trong thời gian tới, Bình Dương sẽ huy động, tập trung trí tuệ, tiếp tục phát huy nội lực, phát triển giáo dục, từ mầm non cho đến đại học. Trong đó đặc biệt đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục nghề nghiệp, phát triển đồng bộ và tái cấu trúc mạnh mẽ mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Xây dựng chế độ đãi ngộ, thu hút nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao đảm bảo đủ hấp dẫn về làm việc, sinh sống tại Bình Dương, qua đó góp phần nâng cao năng suất lao động, tăng mức độ đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào quy mô tăng trưởng của tỉnh.

Tuy nhiên, Bình Dương cũng cần chế độ, chính sách phù hợp, đủ mạnh để thu hút nguồn nhân lực cho ngành giáo dục và đào tạo, nhất là giáo viên mầm non. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần có cơ chế thông thoáng trong chính sách về đất đai phục vụ cho giáo dục, có hành lang pháp lý đủ mạnh để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia xã hội hóa giáo dục nhiều hơn để giảm bớt áp lực cho các cơ sở giáo dục công lập.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phát triển Bình Dương thành trung tâm giáo dục - đào tạo cấp vùng và quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO