Tuy chỉ tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước, không ấn tượng bằng Bình Dương (tăng 48,8%, vượt 1,6 lần kế hoạch đề ra), song đáng chú ý là số dự án FDI còn hiệu lực hoạt động trên địa bàn TP.HCM là 11.273 dự án với vốn đăng ký là 55,84 tỷ USD, dẫn đầu cả nước về số dự án còn hiệu lực. Các như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước đều tăng trưởng so với năm trước.
Năm 2023, nền kinh tế thế giới được nhận định sẽ không mấy sáng sủa. Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos ngày 17/1, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế Kristalina Georgieva nhận định, kinh tế thế giới sẽ tiếp tục giảm tốc trong năm 2023 xuống còn 2,7% (năm 2022 là 3,2%) trước khi phục hồi vào năm 2024.
Theo bà Georgieva, 3 thách thức lớn đối với kinh tế thế giới là: xung đột Nga - Ukraine vẫn đang căng thẳng, cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, và lãi suất cao ở mức chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ.
Ở trong nước, vùng Đông Nam bộ cũng phải đối diện với nhiều trở ngại rất lớn. Đầu tiên là quỹ đất phát triển công nghiệp đang bị thu hẹp đáng kể. TP.HCM dự kiến chỉ có 46ha đất “sạch” để cho nhà đầu tư thuê trong năm 2023. Số đất này lại nằm rải rác ở nhiều quận, huyện, không thể đón được nhà đầu tư lớn. Một số khu công nghiệp (KCN) như Hiệp Phước, hay KCN Tây Bắc Củ Chi còn hàng trăm hécta đất, song chưa ký được hợp đồng thuê đất với Nhà nước.
Đồng Nai cũng đang gặp khó khăn tương tự về quỹ đất. Các KCN của địa phương này hầu như đã được lấp đầy; trong khi đó, 5 KCN mới, với diện tích hơn 7.100ha đến nay vẫn chưa thể xây dựng. Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu có lợi thế hơn về quỹ đất, với nhiều KCN lớn, nhưng các KCN này lại nằm rất xa cảng biển, sân bay; hệ thống hạ tầng kết nối chưa được đầu tư đồng bộ. Các tuyến đường Vành đai 3 TP.HCM, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, một số tuyến quốc lộ dự kiến đến năm 2025 mới hoàn thành đưa vào khai thác, mới hóa giải phần nào thách thức về kết nối hạ tầng vùng.
Tại TPHCM, mãi tới gần đây, tháng 10/2022, cơ chế một cửa tại các KCN mới được tái lập và Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất (Hepza) được ủy quyền thẩm định, phê duyệt, cấp, đổi giấy phép môi trường đối với các dự án đầu tư.
Đây là động thái giúp giải tỏa phần nào bức xúc của doanh nghiệp. Nhưng theo nghiệp cho rằng, cần phải cấp phép cơ chế một cửa tại KCN với tất cả các thủ tục, chứ không chỉ cấp phép về môi trường… Một yếu tố khác cũng rất cần quan tâm là lao động.
Theo nhiều doanh nghiệp FDI, họ không tuyển được lao động để đáp ứng nhu cầu sản xuất, thậm chí cả lao động phổ thông. Cùng với việc nhiều tỉnh, thành phố tăng giá thuê đất, mức đóng bảo hiểm xã hội cho lao động nước ngoài tăng lên từ năm 2022, các doanh nghiệp FDI sẽ phải cân nhắc nhiều hơn trước khi đầu tư.