Số tự động hay số sàn an toàn hơn?

NGỌC HƯƠNG/DNSGCT| 14/10/2012 09:49

Vụ tai nạn hy hữu xảy ra trong ngày cuối của Triển lãm ôtô Việt Nam 2012 đã gây chấn thương nặng cho hai người và làm hư hỏng ít nhất ba xe ôtô, mà nguyên nhân là người lái thử xe đã đạp nhầm chân ga thay vì đạp phanh.

Số tự động hay số sàn an toàn hơn?

Vụ tai nạn hy hữu xảy ra trong ngày cuối của Triển lãm ôtô Việt Nam 2012 đã gây chấn thương nặng cho hai người và làm hư hỏng ít nhất ba xe ôtô, mà nguyên nhân là người lái thử xe đã đạp nhầm chân ga thay vì đạp phanh. Nói là hy hữu, nhưng trên thực tế, nhầm lẫn tai hại này hầu hết là nguyên nhân gây ra các vụ “xe điên” liên tiếp trong vài năm gần đây, mà đều xảy ra với những chiếc xe hơi đời mới, được trang bị hộp số tự động.

Đọc E-paper

Khác với xe số sàn (số tay), xe số tự động sẽ tự động chuyển số tương ứng với tốc độ xe, bởi vậy người lái không còn phải dùng chân côn như xe số sàn. Ở xe số tự động chỉ còn một chân ga và một chân phanh nằm gần nhau, ở phía chân phải của người lái.

Một điều như là nguyên tắc đối với người lái xe số tự động là chỉ sử dụng chân phải để kiểm soát cả chân ga và chân phanh, có vậy mới không xảy ra trường hợp vừa đạp phanh vừa đạp ga. Tuy nhiên, điều đó lại dễ khiến người chưa quen xe số tự động bị nhầm lẫn và có thể gây ra tai nạn đáng tiếc.

Hầu hết xe hơi hiện nay sử dụng hộp số tự động

Hộp số tự động trên chiếc Mercedes SL, chế độ P chỉ là một nút bấm

Được các kỹ sư của General Motors phát triển từ những năm 1930, loại xe sử dụng hộp số tự động đã có mặt trên thị trường hồi thập niên 1940. Đến thập niên 1950, hầu hết các mẫu xe được bán ra trên thị trường Mỹ đều có hai lựa chọn: hoặc hộp số sàn, hoặc hộp số tự động, trong đó khoảng 20% khách hàng lựa chọn hộp số tự động.

Tại thị trường châu Á, hộp số tự động trở nên phổ biến từ thập niên 1990. Đến nay, hầu hết các xe hơi đời mới đều trang bị hộp số tự động.

Những thương hiệu cao cấp như Mercedes, BMW, Audi, Lexus… đã không còn sử dụng hộp số sàn cho các dòng xe sang trọng của mình. Xu hướng này cho thấy tính ưu việt của hộp số tự động trong ngành công nghiệp ôtô hiện đại cũng như đối với người tiêu dùng. Vậy những gì được gọi là ưu việt?

Hộp số truyền động của ôtô có hai loại chính là có cấp (AMT và AT, trong đó loại AT hiện được sử dụng rộng rãi nhất) và vô cấp CVT (truyền động bằng dây đai kim loại). Về mặt nguyên tắc, nếu lái xe ở chế độ D (tự động), hộp số tự động sẽ tự động chuyển số tương ứng với tốc độ xe.

Ở xe sử dụng hộp số sàn, người lái phải chủ động thay đổi số theo sự cảm nhận tốc độ và kết hợp chân côn cùng với chuyển số bằng tay. Như vậy, lái xe số tự động có thao tác giản tiện hơn, cũng giống như đi xe máy tay ga so với xe máy số. Khi xe chạy trong thành phố thường liên tục phải thay đổi tốc độ thì lái xe số tự động rõ ràng nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

Chưa kể là với những người mới lái xe, hộp số tự động giúp cho việc chuyển số nhẹ nhàng, êm ái (số cấp trong hộp số tự động càng cao thì khi chuyển số càng mượt mà), không bị “giật cục” như số sàn và cũng không bao giờ bị rơi vào tình trạng tắt máy đột ngột như xe số sàn.

Xe số tự động còn có ưu thế đặc biệt khi leo dốc hay vượt mố cầu vì xe không bị tắt máy đột ngột (ở xe sử dụng hộp số sàn, nếu chân côn và chân ga không phối hợp nhịp nhàng thì xe bị khựng lại). Ở nhiều mẫu xe đời mới hiện nay, ngoài hộp số tự động còn có thêm tính năng hỗ trợ leo dốc rất tiện lợi và an toàn cho người lái.

Trường hợp xe bị dừng lại giữa dốc thì không bị tuột dốc ngay, vẫn có khoảng vài giây đủ để người lái chuyển từ chân phanh sang chân ga. Nếu lái xe số sàn, để chống tuột dốc trong trường hợp này, chỉ có cách kết hợp phanh tay, chân côn và chân ga, nhưng đó là kỹ thuật khá phức tạp, những người chưa có nhiều kinh nghiệm lái xe khó vận dụng thành thạo được.

Thích nghi với mọi loại đường sá, điều khiển dễ dàng, an toàn thoải mái, tải trọng động nhỏ, tuổi thọ chi tiết cao… là những ưu thế nổi trội của xe lắp hộp số tự động, giúp nó ngày càng trở nên thông dụng, đặc biệt là phù hợp với phụ nữ. Tuy nhiên…

Điểm yếu của xe số tự động

Một trong những sự cố dễ xảy ra với người lái xe số tự động chính là việc nhầm lẫn, trong đó phổ biến nhất là nhầm chân ga và chân phanh, rồi nhầm chế độ lái (D) và chế độ lùi (R) hoặc đỗ xe (P). Những nhầm lẫn đó đều có thể dẫn tới tai nạn.

Hộp số tự động trên Ford Focus

Vụ đâm xe tại Triển lãm ôtô Việt Nam 2012 mới đây hoặc trong hầu hết các vụ tai nạn do “xe điên” đều liên quan tới nhầm chân ga và chân phanh, chủ yếu là do người lái bị mất bình tĩnh, đạp sai vị trí khi chân ga và chân phanh được đặt khá gần nhau. Xảy ra va chạm trong trường hợp này thì hậu quả thường nghiêm trọng, lý do là khi gặp vật cản, xe sẽ tự động chuyển về số thấp để tăng lực đẩy.

Đối với xe số sàn, việc nhầm lẫn tương tự cũng có thể xảy ra nhưng khả năng gây tai nạn ít hơn, vì nếu đang đi ở số thấp, chỉ đạp ga thì xe cứ rú ga chứ không thay đổi tốc độ, còn nếu tốc độ và số không tương ứng thì xe sẽ bị cắt côn và tắt máy.

Ngoài ra, ở một số mẫu xe số tự động, vị trí các chế độ lái trên cần số có khoảng cách gần nhau và nằm trên đường thẳng, do đó nếu người lái không cẩn trọng thì có thể xảy ra tình trạng nhầm các chế độ lái, ví dụ nhầm giữa chế độ lái (D) và chế độ lùi (R) hoặc khi cần dừng xe trước đèn đỏ lại không về chế độ đỗ (P), mà buông chân phanh! Ở xe số sàn, gặp những nhầm lẫn như vậy, xe sẽ bị tắt máy.

Tuy nhiên, như đã nói, xe số sàn kém an toàn hơn xe số tự động ở địa hình phức tạp, nhiều dốc. Để xe bị tắt máy ngang dốc hoặc xe tuột dốc là vô cùng nguy hiểm.

Bởi vậy, suy cho cùng, mọi sự an toàn đều nằm ở chính người cầm lái. Công nghệ dù hiện đại tới đâu cũng vẫn còn tồn tại đôi ba điểm yếu và chúng có thể là nguyên nhân gây ra tai nạn.

Từ những tai nạn do nhầm lẫn đáng tiếc của các lái xe gây ra trong thời gian gần đây, có thể thấy một trong những nguyên nhân là sự bất cập của hệ thống đào tạo lái xe ở nước ta hiện nay. Tới tận tháng 7 vừa qua, Tổng cục Đường bộ mới trình Bộ Giao thông Vận tải tài liệu dự thảo bổ sung việc đưa xe số tự động vào chương trình đào tạo lái xe.

Lâu nay, các trung tâm đào tạo lái xe chỉ duy nhất giảng dạy người tập lái lái loại xe số sàn và dĩ nhiên, việc thi lấy bằng lái xe cũng được thực hiện với xe số sàn. Vì thế, nhiều người có bằng lái nhưng khi lái xe số tự động vẫn có thói quen dùng cả hai chân để điều khiển chân ga và chân phanh hoặc bị bối rối khi sử dụng các chức năng được tích hợp trên cần số tự động.

Trong khi đó, lại có tâm lý cho rằng lái xe số tự động rất dễ, “nhảy lên là có thể lái được ngay”. Đúng là lái xe số tự động rất nhẹ nhàng (và đó chính là sự ưu việt của công nghệ này), nhưng khi xử lý tình huống khẩn cấp thì rất cần đến khả năng thuần thục kỹ thuật và tâm lý bình tĩnh của người cầm lái.

Bởi vậy, ai chưa có nhiều kinh nghiệm lái xe số tự động (cho dù đã quen với xe số sàn) thì phải hết sức thận trọng khi cầm lái. Một trong những nguyên tắc hàng đầu khi ngồi vào vị trí lái chiếc xe số tự động là phải tìm hiểu kỹ các vị trí trên cần số (vì có thể mỗi model nhà sản xuất có cách bố trí hơi khác nhau) và quan sát chế độ lái được hiển thị trên đồng hồ phía trước trước khi cho xe lăn bánh, tránh để xảy ra những nhầm lẫn đáng tiếc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Số tự động hay số sàn an toàn hơn?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO