Chuyên đề

Nhớ về ngày đầu làm kinh doanh và những lãnh đạo thành phố năm xưa

Lê Thị Giàu (*) 11/10/2023 17:00

Có những lúc gian khổ, khó khăn, nhưng lãnh đạo đất nước nói chung và TP.HCM nói riêng đều kịp thời cải cách và đổi mới.

phan-van-khai.jpg

Khi Sài Gòn giải phóng tôi mới 16 tuổi, đang học dở lớp 10. Đến năm 1977, tôi được Nhà nước cử đi học Trường Trung học Tài chính Thành phố và sau này về làm việc trong lĩnh vực quản trị tài chính của thành phố và 3 tỉnh miền Đông.

Đó là giai đoạn đất nước rất khó khăn, ai cũng vất vả, cơm không đủ no, có khi phải ăn bo bo để sống. Lúc đó, bác Võ Văn Kiệt là bí thư. Bác là người thúc đẩy hình thành lực lượng thanh niên xung phong, rồi đi đào những con kênh ở khắp nơi. Tôi nhớ mãi câu nói của bác Kiệt: “Không ai chọn được nơi mình sinh ra” nên tất cả mọi người đều phải bình đẳng.

Thanh niên bấy giờ có những người đi đào kênh. Tôi nằm trong nhóm đi học và được đào tạo. Tôi vẫn còn nhớ bài hát nổi tiếng khi đó, bài Con kênh ta đào. Sau khi tốt nghiệp tôi về ban khai hoang xây dựng nông trường. Hồi đó có bác Tư Sang làm Giám đốc Sở Nông nghiệp. Rồi chú Nguyễn Vĩnh Nghiệp làm Chủ tịch Thành phố. Rồi bác Phó chủ tịch Phan Văn Khải. Sau này bác Kiệt ra làm Thủ tướng, thì bác Khải làm Chủ tịch Thành phố.

Sau khi về Sở Nông nghiệp, năm 1985 tôi lập gia đình rồi nghỉ làm. Sau đó tôi bắt đầu chập chững kinh doanh lĩnh vực phân bón. Hồi đó kinh doanh khó khăn lắm, do quan điểm về kinh tế tư nhân chưa hình thành. Tới năm 1989-1990 mọi thứ dễ dàng hơn, tôi mở công ty tới giờ.

Nhớ lại thời kỳ doanh nhân và doanh nghiệp tư nhân chưa được công nhận, có nhiều khó khăn. Ví dụ cơ chế bị ràng buộc, không được làm cái này, không được làm cái kia, cũng như không được đầu tư lớn. Đất nước mình bị cấm vận và cũng chưa có luật cho người nước ngoài vào làm ăn. Trong nước chỉ được tự cung tự cấp, nhưng khổ là không thể mang sản phẩm từ vùng này sang vùng khác. Ví dụ miền Tây dư thừa gạo, nhưng tỉnh khác lại thiếu. Từ Thủ Đức mang gạo đi qua một cây cầu thôi, là trở thành buôn lậu và sẽ bị tịch thu. Do đó, người dân hồi đó phần lớn đều nghèo. Cả xã hội đều nghèo.

vrd35uqe.jpg

Tư nhân cũng không được vay ngân hàng, chỉ được làm đại lý phân phối những sản phẩm Nhà nước quản lý. Vấn đề quyền tư hữu rất khó khăn. Khi Việt Nam mở cửa, tư nhân bắt đầu có giấy phép kinh doanh, rồi làm chủ công ty, rồi đến thời kỳ không còn bị cấm vận. Sau khi Việt - Mỹ nối lại quan hệ, chính sách kinh tế - ngoại giao của Việt Nam dần trở nên thông thoáng. Cộng đồng doanh nhân bắt đầu phát triển.

Thời kỳ đó, trong ký ức của tôi, các chú Tư Sang, Nguyễn Vĩnh Nghiệp và nhiều lãnh đạo khác, ai cũng từ phong trào Đoàn đi ra, làm việc rất cần cù chăm chỉ, tâm huyết, nhiệt tình giúp đỡ nhân viên. Ai cũng có cái tâm lớn và không vụ lợi.

Được kết nạp Đoàn tại Sở Nông nghiệp, chúng tôi được giáo dục Đoàn viên và tuổi trẻ xung kích, phải nói hồi đó quá tuyệt vời. Tất cả cùng nhau học tập, cùng dìu nhau qua thời kỳ gian khó. Bây giờ khó mà tưởng tượng được. Có thể nói, chính trong cái gian khổ ngày đó, đã tôi luyện để tạo ra con người bản lĩnh và kinh nghiệm, giúp tôi vượt qua nhiều khó khăn thử thách.

Nhân kỷ niệm 19 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam, có dịp ngồi nhớ lại, tôi thấy mình rất may mắn được trưởng thành theo các giai đoạn thăng trầm của đất nước. Mỗi giai đoạn đều có đặc điểm khác nhau. Năm 1945, Bác Hồ cũng đã viết thư cho giới công thương. Doanh nghiệp, doanh nhân là một bộ phận quan trọng của xã hội, không thể tách rời khỏi nền kinh tế.

Sau khi có quyết định của Thủ tướng Phan Văn Khải, tôi cũng như cộng đồng doanh nhân rất phấn khởi, có cảm giác gần gũi và gắn kết với nhau hơn, cũng như trách nhiệm với cộng đồng hơn, sát sao với người lao động hơn.

Chúng tôi hiểu rằng mỗi công ty, mỗi nhà máy là một pháo đài nhỏ. Từng cái vững chắc sẽ làm cho nền kinh tế đất nước vững chắc.

Từ năm 1975 đến nay đã trải qua rất nhiều giai đoạn. Gần 50 năm rồi, cả một đời người rồi. Thời gian đi qua nhanh quá. Có những lúc gian khổ khó khăn, nhưng lãnh đạo đất nước nói chung và TP.HCM nói riêng, đều kịp thời cải cách và đổi mới. Như bác Trần Văn Khuê có nói, chúng ta hội nhập chứ không hòa nhập. Chúng ta đang hội nhập, nền kinh tế lớn hơn, làm được nhiều sản phẩm hơn và đời sống người dân nâng cao hơn. Các sản phẩm “made in Vietnam”, xuất hiện ngày càng nhiều trên thế giới.

Như công ty của chúng tôi sản xuất phở, bún, miến và mì, phục vụ người Việt và xuất khẩu, nhất là thị trường châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines.

Trải qua quá trình dài, tôi tự hào rằng, tầng lớp doanh nhân luôn song hành cùng đất nước. Thời chiến có nhiều doanh nhân đóng góp của cải và công sức. Thời bình những người doanh nhân đang gánh vác vai trò thiết yếu trong quá trình hội nhập và làm giàu quê hương.

doimoi3-upfl-1669190652-4733-1669191602.jpg

Nhân dịp 15 năm thiết lập quan hệ Việt - Mỹ, nhiều doanh nhân đã tháp tùng Thủ tướng Phan Văn Khải sang bên đó xúc tiến thương mại và đầu tư. Phái đoàn còn sang cả Canada nữa.

Phải nói là lãnh đạo Việt Nam nào cũng muốn đất nước phát triển và hội nhập, đặc biệt là bác Phan Văn Khải. Bác Khải và người tiền nhiệm là bác Võ Văn Kiệt luôn ủng hộ cộng đồng doanh nghiệp, luôn mong đất nước đạt được nhiều thành tựu.

Tôi học được ở họ đức tính chân thành và từ tốn, với nhân dân nói chung và với doanh nhân nói riêng.

Với tôi, hai bác phải nói là quá tuyệt vời. Với bác Sáu Khải, tôi có may mắn gắn bó trong thời kỳ hội nhập. Bác có nhiều cuộc tiếp xúc lắng nghe giới doanh nhân ở Hà Nội và TP.HCM. Bác luôn lắng nghe để hiểu doanh nhân nghĩ gì, từ đó đề ra giải pháp cũng như động viên tinh thần. Điều này đóng góp quan trọng cho quá trình phát triển của Việt Nam.

Ngày Doanh nhân Việt Nam ra đời như mở ra một trang sử mới. Những cống hiến của người doanh nhân đã được công nhận và tôn vinh bằng văn bản. Khi có sự công nhận thì các doanh nhân làm gì cũng phải nghĩ đến vai trò của mình trong nền kinh tế thị trường ngày hôm nay.

(*) Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đông Nam Dược Nhị Thiên Đường

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhớ về ngày đầu làm kinh doanh và những lãnh đạo thành phố năm xưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO