Theo đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để ngành điều giữ vững vị trí là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực, đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 3 tỷ USD vào năm 2020, có vẻ ngành điều đã chạm mục tiêu sớm hơn kế hoạch đặt ra. Song điều đáng bàn là ngành điều Việt Nam phát triển thế nào khi chỉ mới chủ động được 30% nguyên liệu.
Đọc E-paper
Vấn đề này đã được bàn luận nhiều tại Hội nghị Phát triển ngành điều bền vững với chuỗi giá trị toàn cầu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (NN&PTNT) và Tập đoàn Pan Group phối hợp tổ chức tuần qua tại Hà Nội. Theo thống kê chung của ngành, từ năm 2006 đến nay, Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu nhân điều lớn nhất thế giới.
Chỉ tính riêng 8 tháng năm 2017, Việt Nam đã xuất khẩu được 223.000 tấn điều nhân, đạt kim ngạch 2,2 tỷ USD, đạt 98,9% về lượng và gần 125% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Với đà tăng trưởng này, ngành điều Việt Nam dự kiến sẽ cán đích ở mức 3,3 tỷ USD vào cuối năm 2017. Như vậy, ngành điều đang đạt kết quả vượt trội nếu so với kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp và mục tiêu xuất khẩu ngành điều đạt kim ngạch 3 tỷ USD vào năm 2020.
Có điều gì đáng lo với đà tăng trưởng này? Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Việt Nam Nguyễn Xuân Cường, Việt Nam xuất khẩu trên 50% sản lượng điều của thế giới, nhưng chỉ mới chủ động được 30% nguyên liệu. Đây là vấn đề rất đáng bàn đối với sự bền vững của một trong những ngành hàng nông nghiệp Việt Nam, luôn đạt giá trị xuất khẩu tỷ USD/năm và kéo dài hơn chục năm qua, nhưng lại phụ thuộc đến 70% vào điều thô nhập khẩu.
Bộ NN&PTNN cho biết, hiện sản lượng điều thô trong nước chỉ mới đáp ứng được 1/3 nhu cầu của hơn 300 doanh nghiệp (DN) đang tham gia chế biến, xuất khẩu hạt điều tại Việt Nam. Tuy nhiên, để chủ động trong kinh doanh, các DN ngành điều đã đẩy mạnh nhập khẩu nguyên liệu điều thô từ các nước như Campuchia, Ấn Độ, Bờ Biển Ngà...
Cụ thể, năm 2016, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 1,1 triệu tấn điều thô, khiến giá thành sản phẩm đầu ra tăng cao. Song điều đáng nói là chất lượng nguồn điều thô nhập khẩu từ các nước không được ổn định, dẫn đến chất lượng điều nhân xuất khẩu của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng trong thời gian qua.
Trên thực tế, vấn đề này cũng từng được bàn luận rất nhiều suốt nhiều năm qua. Ngay tại Hội nghị Điều quốc tế Việt Nam lần thứ 8 do Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) và Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) thực hiện hồi tháng 11/2016 tại Đà Nẵng, vấn đề hạt điều thô nhập khẩu bị ẩm, mốc, mọt được bàn luận khá nhiều. Bởi vì chất lượng hạt điều nhập khẩu kém đã gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của DN Việt Nam khi làm ăn với khách hàng nước ngoài. Do đó, ngành điều mong nhận được sự hỗ trợ từ các đơn vị quản lý, trong đó có Bộ NN&PTNT, để có thể chủ động được nguồn nguyên liệu.
Vấn đề điều sạch cũng đã được đặt ra tại hội nghị này, và Vinacas cho biết đã thành lập Câu lạc bộ Các DN sản xuất, kinh doanh hạt điều sạch hàng đầu Việt Nam (G20-VCS++) với cam kết "3 có” gồm: có màu sắc tự nhiên, có mùi vị đặc trưng, có giá trị dinh dưỡng, và cam kết "5 không" gồm: không sử dụng hương liệu trong chế biến, không có sản phẩm biến đổi gene, không nấm mốc, không nhiễm khuẩn - sâu mọt, không sử dụng lao động cưỡng bức.
Về cơ bản, Vinacas đã cho thấy sự đồng lòng của các DN trong tổ chức cùng hướng tới việc từng bước đầu tư vào chiều sâu. Thế nhưng, khi nhìn về ngành điều tại Hội nghị Phát triển ngành điều bền vững với chuỗi giá trị toàn cầu diễn ra ngày 30/9, đã có ý kiến cho rằng, ngành điều Việt Nam chỉ mới tham gia vào khâu sơ chế, tương đương 18% chuỗi giá trị điều. Phần tạo giá trị thặng dư lớn hơn đang chiếm gần 60% chuỗi giá trị thì các DN Việt Nam chưa đạt được.
Trước những vấn đề này, các DN ngành điều cho rằng, ngành điều muốn phát triển bền vững cần phải vượt qua 3 thách thức lớn gồm vùng nguyên liệu, chế biến và tiếp cận thị trường. Bởi nếu vấn đề không được cải thiện, hạt điều không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường thế giới thì sẽ bị thay thế bằng loại hạt khác. Đánh giá tình hình, Bộ NN&PTNT cho rằng, ngành điều vẫn còn nhiều cơ hội phát triển, do đó, Bộ đã đề nghị Tập đoàn Pan Group và tỉnh Bình Phước hoàn thiện đề án liên kết "4 nhà” trong phát triển vùng điều bền vững tại Bình Phước, thủ phủ của cây điều Việt Nam.
Tuy nhiên, mô hình liên kết "4 nhà” có đạt được kết quả hay không còn phụ thuộc vào thời gian. Bởi vì, dù là cây điều hay bất kỳ loại cây trồng nào khác, để thuyết phục được người nông dân thì kế hoạch hay mô hình đặt ra trước tiên phải nghĩ đến lợi ích của người nông dân cũng như tính bền vững của ngành thì mới đi được đường dài.