Chuyên đề

Năm 2024: Thách thức tăng trưởng GDP 6,5%

Lữ Ý Nhi 11/12/2023 20:00

Tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 được dự báo có thể đi ngang hoặc giảm nhẹ nhưng Nghị quyết của Quốc hội mới đây vừa thông qua mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5%. Nhiều đánh giá lạc quan về triển vọng phục hồi kinh tế sẽ là trụ lực chính để hoàn thành mục tiêu nhưng… cũng có nhiều quan ngại thách thức.

Chỉ còn ít ngày nữa là kết thúc năm 2023, trên các diễn đàn, hội nghị, chuyện trò cuối năm, chủ đề luôn nóng và được nhiều chuyên gia, doanh nghiệp quan tâm, đó là bức tranh kinh tế Việt Nam 2024 có bao nhiêu điểm sáng và mở ra cơ hội gì cho tăng trưởng kinh tế đột phá?

1. Nhiều điểm sáng - Bức tranh kinh tế đã sáng màu?

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2023 diễn ra ngày 6/12,Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, các kết quả cuối năm 2023 hiện nay cơ bản rất tích cực, mặc dù không đạt những mục tiêu cao như kỳ vọng đặt ra ban đầu, nhưng trong bối cảnh quốc tế, khu vực như hiện nay thì kết quả như vậy là rất tích cực, tạo đà tốt cho việc triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024.

Đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng đều đang có cơ hội tăng trưởng tốt trong năm 2024. Cụ thể, đầu tư nhà nước, đầu tư FDI, tư nhân đều có cơ hội trong năm 2024 do các kết quả của ngoại giao kinh tế năm 2023 đem lại, đặc biệt là đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, chip bán dẫn, ngành nghề khác…

Trên đà tăng trưởng của năm 2023 với nhiều lợi thế tích cực như sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và dòng vốn đầu tư toàn cầu; Thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại; Dịch vụ, tiêu dùng tăng khá; Đầu tư công được đẩy mạnh, rủi ro tài khóa ở mức trung bình, dư địa chính sách vẫn còn; Lạm phát và lãi suất đang giảm, tỉ giá cơ bản ổn định, rủi ro nợ xấu trong tầm kiểm soát…,TS.Cấn Văn Lực nhận định sẽ có tác động tích cực đến bức tranh kinh tế năm 2024.

metro-so-1.3.jpg

Cho rằng, điểm sáng tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2024 là nông nghiệp, thủy hải sản, du lịch, dịch vụ logistic, hệ thống cảng biển, cảng sông, công nghệ phần mềm, dịch vụ giáo dục, y tế, kế hoạch phát triển Trung tâm Tài chính (TTTC) tại TP.HCM để thu hút vốn, chuyên gia Tài chính - Chứng khoán - đại diện Văn phòng Ủy ban CKNN TP.HCM Ngô Quốc Khánh nói thêm, sự ổn định chính trị của Việt Nam và chính sách nhất quán trong thu hút đầu tư nước ngoài, cùng với đó là Việt Nam có độ tuổi lao động còn trẻ, dân số khoảng 100 triệu người cũng là lợi thế.

Với chiến lược ngoại giao cây Tre của Việt Nam, là bạn với tất cả các nước trên thế giới và việc gia nhập các tổ chức kinh tế lớn như CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP… đã tạo cho Việt Nam vị thế cao trên trường quốc tế, đầu tư trực tiếp FDI và đầu tư gián tiếp FII năm sau luôn cao hơn năm trước, giúp Việt Nam ngoài phát triển kinh tế nhanh còn cân bằng cán cân thanh toán, ổn định tỷ giá và kinh tế vĩ mô.

Theo Giám đốc Khối Nghiên cứu Kinh tế châu Á của HSBC Frederic Neumann, cơ hội cho kinh tế Việt Nam 2024 và những năm tới, ngoài làn sóng dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc (Trung Quốc +1) trong những năm gần đây Việt Nam đang tận dụng rất tốt, còn có triển vọng của ngành bán dẫn đang thu hút nhà đầu tư, nhất là khi quan hệ Việt Mỹ được nâng lên tầm cao mới. Cũng theo ông Frederic, điện tử sẽ là ngành đầu tiên được hưởng lợi. Việt Nam phải sẵn sàng chuyển từ công đoạn lắp ráp sang sản xuất vài thành phần của hàng hóa. Và đây là lợi thế khi Việt Nam đang có nhiều doanh nghiệp lắp ráp. Nhưng thách thức là họ phải mở rộng chuyên môn, nâng dần giá trị gia tăng trong sản phẩm.

Để tận dụng cơ hội dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc và ngành bán dẫn, Việt Nam cần quan tâm đến vấn đề con người, cần nang cao kỹ năng của nguồn nhân lực, bắt đầu từ gíao dục. Khu vực tư nhân nên tiên phong việc này và Chính phủ hỗ trợ chi phí để doanh nghiệp thực hiện đào tạo nhân sự như giảm thuế để họ xây dựng các chương trình đào tạo. Riêng ngành bán dẫn, Việt Nam phải chuẩn bị các bộ kỹ năng phù hợp cho đội ngũ kỹ sư và kỹ thuật viên.

Frederic Neumann - Giám đốc khối Nghiên cứu kinh tế châu Á của HSBC

Trong chuỗi cung ứng điện tử và một số lĩnh vực bán dẫn, Việt Nam còn có cơ hội mở rộng nhiều hơn. Ngoài ra, còn có thể nghĩ đến việc sản xuất máy móc phục vụ quá trình chuyển dịch năng lượng. Thay vì lắp ráp tấm pin mặt trời, có thể tiến tới sản xuất một số linh kiện, thành phần của tấm pin, từ đó tăng thêm giá trị mỗi sản phẩm. Ngành công nghiệp hóa chất và hóa dầu cũng nên chú trọng để sản xuất nguyên liệu hóa học phục vụ một vài nhóm ngành công nghiệp nhất định.

Đánh giá về tiềm năng ngành công nghệ bán dẫn Việt Nam, ông Frederic cũng cho rằng, làn sóng thay đổi chuỗi cung ứng bán dẫn trên toàn cầu đang đổ về hai cái tên sáng giá là Malaysia và Việt Nam, đây là cơ hội rất lớn.

2. Còn điểm nghẽn, kinh tế 2024 còn thách thức

Dù lạc quan với nhiều lợi thế nhưng Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cũng xác định, khả năng thực hiện mục tiêu 6-6,5% là một nhiệm vụ khó, bởi năm 2024 vẫn còn tiếp tục các khó khăn mà đến nay chưa thể dự báo được. Ví dụ như chiến sự các khu vực trên thế giới diễn ra chưa dự báo kết thúc cũng như những vấn đề mới phát sinh.

Phân tích thêm một số khó khăn có tác động lớn đến việc thực hiện mục tiêu, rheo chuyên gia Ngô Quốc Khánh chỉ ra: “Dù đã nhiều cải thiện cả về văn bản pháp luật và bộ máy nhưng vẫn còn nhiều văn bản pháp luật chồng chéo, ảnh hưởng đến bộ máy từ TW đến địa phương, tình trạng trì trệ vẫn còn. Thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng nhu cầu cuộc sống và sự phát triển của đất nước.

Đặc biệt, nền kinh tế và doanh nghiệp vẫn dựa vào thị trường tiền tệ để hoạt động sản xuất kinh doanh, dùng vốn ngắn hạn, vốn lưu động từ hệ thống ngân hàng phục vụ cho đầu tư, phát triển là không hợp lý, rủi ro cho nền kinh tế. Doanh nghiệp chưa hiểu đúng vai trò của thị trường vốn “Thị trường Chứng khoán (TTCK)” mang lại giá trị gì cho họ, từ đó chưa biết vận dụng triệt để TTCK để tái cấu trúc doanh nghiệp, huy động vốn và phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường và qua đó tái cấu trúc nền kinh tế.

TS. Nguyễn Hữu Thọ (thuộc nhóm nghiên cứu Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng đã chỉ ra những khó khăn, vướng mắc cần sớm cải thiện vì ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2024, trong đó ông nhấn mạnh việc hoạt động xuất nhập khẩu vẫn phụ thuộc nhiều vào khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là điều cần quan tâm.

Ngoài ra, sự ảnh hưởng bởi những yếu tố bên trong như công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế còn bất cập. Còn hiện tượng thiếu thống nhất, chồng chéo giữa một số quy định pháp luật, việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp còn chậm, chưa quyết liệt, kịp thời cũng là điểm nghẽn cần giải quyết sớm để mục tiêu 2024 khả thi.

3 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2024
Kịch bản: Mức 5,5% (kịch bản thấp); 6% (kịch bản cơ sở); 6,5% (kịch bản cao). Trong đó, kịch bản cơ sở 6% được đánh giá dễ xảy ra nhất.
Đáng lưu ý, theo nhóm nghiên cứu, các đầu tàu tăng trưởng truyền thống như TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội có tốc độ tăng trưởng chậm dần; xuất hiện một số đầu tàu mới (Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa) nhưng còn ít và chưa thực sự mạnh mẽ.
Đề xuất: Cần tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tập trung nhiều hơn các động lực tăng trưởng kinh tế; thúc đẩy tiếp tục cải thiện thể chế và môi trường kinh doanh. Cùng với đó, tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất; tăng cường hỗ trợ các chủ thể sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy phát triển thị trường hàng hóa dịch vụ.

TS. Nguyễn Hữu Thọ - Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

Bên cạnh đó, căng thẳng về địa chính trị và tăng cường rào cản kỹ thuật từ phía các thị trường quan trọng của Việt Nam liên quan đến các sản phẩm xanh, sản xuất xanh là một trong những thách thức rất lớn.

Trưởng Đại diện thường trú Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam Ramla Khalidi cũng nhận định, năm 2024 là một năm không mấy dễ dàng với kinh tế Việt Nam bởi những khó khăn trong nội tại nền kinh tế của năm 2023 vẫn được kéo dài đến năm 2024.

3. Gỡ điểm nghẽn, cần gì?

Để có được sự đột phá trong năm 2024 và những năm tiếp theo, tại các diễn đàn, đa số ý kiến đều đòi hỏi cần có những chính sách, chiến lược điều hành, phát triển kinh tế phù hợp nhằm tận dụng lợi thế từ những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nhằm vượt qua khó khăn, thách thức mới.

Về giải pháp thời gian tới, các chuyên gia khẳng định Việt Nam sẽ phải nỗ lực để có thể vượt qua những khó khăn nội tại của chính nền kinh tế cũng như những khó khăn khách quan từ kinh tế thế giới và bối cảnh phức tạp của địa chính trị.

Theo trưởng Đại diện thường trú Liên hiệp quốc (UNDP), để kinh tế Việt Nam có thể phục hồi mạnh mẽ vào năm 2024, Việt Nam cần linh hoạt các giải pháp để giải quyết những khó khăn, thách thức đang gặp phải. Thực tế, quá trình đổi mới sáng tạo, chuyển dịch năng lượng… đang mang đến những cơ hội mới để Việt Nam có thể thâm nhập vào các thị trường mới, gia tăng giá trị và hàm lượng hàng hoá, cũng như thúc đẩy xuất khẩu…

6544656.jpg

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có thể tăng cường thu hút đầu tư, tận dụng những công nghệ tiên tiến như công nghệ bán dẫn, trí tuệ nhân tạo… nhằm khai thác hiệu quả các cơ hội này để phát triển ở mức cao hơn, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình…

Đề xuất giải pháp, chuyên gia Ngô Quốc Khánh đưa ra 5 giải pháp:

Một, cần thay đổi cách làm Luật và cần rà soát lại tất cả các luật, nghị định, thông tư một cách đồng bộ, tránh mỗi cơ quan, đơn vị hiểu theo một cách. Giải pháp là phải có một đơn vị chủ trì “thường là Chính phủ” thống nhất và truyển đạt rộng rãi đến các Bộ, Ban, Ngành từ Trung ương đến địa phương, từ đó triệt tiêu cách hiểu khác nhau. Điều này không chỉ giúp các Cơ quan Quản lý Nhà nước làm đúng pháp luật, mà còn tránh tình trạng vi phạm pháp luật.

Hai, Chính phủ cần có chính sách để thị trường chứng khoán phát triển một cách mạnh mẽ hơn, đem lại giá trị tốt, cốt lõi cho DN, từ đó nội lực nền kinh tế được phát huy tối đa và giảm gánh nặng và rủi to cho thị trường tiền tệ.

Ba, DN phải được cập nhật và có nhiều thông tin để họ thấy được bức tranh rõ nét về kinh tế Việt Nam. Những cơ hội và thách thức nhằm điều chỉnh mình. Từ đó lan tỏa thông điệp một cách mạnh mẽ về tiến trình hội nhập, sự thay đổi nhanh chóng của thế giới và trong nước để có sự chuẩn bị cho sự thay đổi trong tương lai gần.

Bốn, sự phát triển của đất nước không thể mang lại giá trị lớn khi chỉ dựa vào nông nghiệp, du lịch, dịch vụ… mà phải là công nghiệp có hàm lượng chất xám cao. Do đó, cần tập trung nghiên cứu, phát triển, ứng dụng những sản phẩm có giá trị cao, thiết thực.

Năm, phát triển nhanh, mạnh thị trường Tài chính Việt Nam trong đó có TTTC TP.HCM. Vì một nền kinh tế không chi phát triển dựa trên nông nghiệp, du lịch… như nói trên mà cần có một TTTC mang tầm quốc tế để lưu thông dòng vốn trên thế giới, qua đó doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận nguồn vốn quốc tế nhanh nhất, rẻ nhất và hiệu quả nhất cho đầu tư phát triển. Các nước phát triển đều có TTTC phát triển, bài học trên thế giới đã khá rõ.

4. Quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công

Đầu tư công có vị trí quan trọng, góp phần rất lớn trong việc tăng trưởng kinh tế xã hội, nếu giải ngân tốt sẽ góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế đề ra.

Năm 2023, TP.HCM được phân bổ 70.000 tỷ đồng cho vốn đầu tư công, gồm vốn trung ương và vốn địa phương, cao gấp hai lần so với kế hoạch đầu tư công năm 2022.

Trong 11 tháng của năm 2023, giải ngân vốn đầu tư công của TP.HCM đạt trên 30.807 tỷ đồng, bằng 44,9% kế hoạch vốn UBND Thành phố giao.

metro.jpg

Theo Chủ tịch Phan Văn Mãi, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM đã góp phần hỗ trợ Thành phố tháo gỡ các khó khăn vướng mắc liên quan để đầu tư công.

Tuy vậy, để thuận lợi hơn trong đầu tư công, TP.HCM kiến nghị các cơ quan bộ ngành, trung ương cần nghiên cứu khả năng tinh giản, lược bỏ một số bước trong quy trình, thủ tục đầu tư các dự án đầu tư, đặc biệt là các bước ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư.

Vấn đề quan trọng là việc đầu tư phải đúng mục tiêu, từng công trình dự án phải phát huy hiệu quả và bảo đảm chất lượng, tránh tình trạng áp lực giải ngân bằng mọi giá. Điều này càng có ý nghĩa khi mà nguồn lực của đất nước có hạn, trong khi nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế, kỹ thuật, xã hội là rất lớn để đất nước phát triển theo kịp với các nước trong khu vực. Đồng thời, cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ nhằm bảo đảm công tác đầu tư công đúng mục đích, đạt hiệu quả, ngăn chặn tình trạng lợi dụng đầu tư công để trục lợi, tham nhũng và gây lãng phí nguồn lực của đất nước.

Đại biểu Quốc hội Lê Hữu Trí

Các bộ sớm xem xét trình Chính phủ, Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư các dự án trọng điểm như dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài; cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực Tham Lương - Bến Cát vay vốn Ngân hàng Phát triển châu Á (CRUS 1); cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực Tây Sài Gòn vay vốn Ngân hàng Phát triển châu Á (CRUS 2) và sắp tới là đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TP.HCM...

Đồng thời các bộ ngành cần sớm có hướng dẫn, tháo gỡ đối với các vướng mắc trong một số dự án quan trọng như giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM, dự án tuyến Metro số 1, số 2 để sớm hoàn thành và đưa dự án vào sử dụng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng.

KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ CÔNG CỦA TP.HCM NĂM 2024

Năm 2024, dự kiến tổng vốn đầu tư công của TP.HCM là hơn 79.000 tỷ đồng, phần lớn số vốn được dồn để thi công các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm. Trong đó vốn ngân sách Trung ương phân bổ cho Thành phố dự kiến là 3.686 tỷ đồng (2.545,89 tỷ đồng vốn trong nước và 1.140 tỷ đồng vốn nước ngoài).
Với số vốn được Trung ương phân bổ, UBND TP.HCM kiến nghị bố trí cho các dự án giao thông trọng điểm như: Dự án nút giao An Phú 500 tỷ đồng; Dự án thành phần 1 đường Vành đai 3 số vốn 500 tỷ đồng; Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước lên 1.500 tỷ đồng…
Đối với vốn ngân sách địa phương năm 2024 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo dự kiến là 75.577 tỷ đồng. Số vốn này UBND TP.HCM đề xuất phân bổ cho các chương trình, dự án đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 74.282 tỷ đồng.
Sau khi HĐND TP.HCM ban hành nghị quyết kế hoạch đầu tư công năm 2024, UBND TP.HCM sẽ ban hành quyết định giao kế hoạch vốn cho từng dự án.
Như vậy, số vốn đầu tư công năm 2024 của TP.HCM tăng hơn 10.000 tỷ đồng so với năm 2023. Do năm 2024 nhiều dự án hạ tầng quan trọng của Thành phố như đường Vành đai 3, nút giao An Phú, mở rộng Quốc lộ 50… phải tăng tốc thi công để hoàn thành vào năm 2025.
Với số vốn đầu tư công được giao rất lớn vào năm 2024, việc làm sao để giải ngân hết số vốn này là một thách thức rất lớn đối với TP.HCM vì năm 2023 dù được giao số vốn thấp hơn nhưng Thành phố vẫn không thể giải ngân đạt như kế hoạch đề ra.

5. Chính sách tài khóa

Theo chuyên gia Ngô Quốc khánh, chính sách tài khóa Việt Nam còn làm chậm và khá tiếc. Bởi nếu làm đúng sẽ giải quyết được 3 vấn đề lớn cho nền kinh tế:

Một, hỗ trợ cho nền kinh tế các ngành nghề liên quan hưởng lợi, tạo tính liên hoàn hưởng lợi từ đầu tư công.

Hai, không tác động đến CPI làm ảnh hưởng đến lạm phát, lãi suất và tỷ giá so với điều kiện bình thường.

Ba, giải quyết chiến lược phát triển hạ tầng kinh tế, đón đầu sự dịch chuyển từ chuỗi cung ứng từ các nước lớn vào Việt Nam và cũng tác động đến chi tiêu, sức mua của nền kinh tế khi người dân đi lại thuận tiện, chi tiêu thông qua hoạt động du lịch, vui chơi.

Các điểm nghẽn chung về đầu tư công còn tồn đọng
- Trên tổng thể công tác đầu tư công vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, nhất là trong khâu tổ chức thực hiện từ xây dựng kế hoạch, xác định mục tiêu đầu tư, đến công tác chuẩn bị đầu tư, phân bổ nguồn lực giải phóng mặt bằng, triển khai thi công và giải ngân.
- Trình tự, thủ tục trong đầu tư công cũng như các quy định của pháp luật về đất đai, môi trường, đấu thầu, chi ngân sách còn nhiều vướng mắc làm chậm công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công và giải ngân các dự án, công trình… Đây là những điểm nghẽn rất lớn cần được tháo gỡ để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, phát huy hiệu quả đầu tư công.
- Kỷ cương, kỷ luật trong đầu tư công chưa nghiêm, chưa trở thành nề nếp, còn phụ thuộc vào tính quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Chính vì vậy, đối với công tác này cần tổng kết, đánh giá, phân tích, xác định rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế không những diễn ra trong năm 2023 mà kéo dài từ nhiều năm trước.
- Việc xác định rõ đâu là nguyên nhân đích thực dẫn đến các tồn tại, hạn chế kéo dài để có các giải pháp có hiệu quả hơn nhằm để nhằm bảo đảm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, nhất là các dự án, công trình trọng điểm quốc gia, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia nhằm phát huy vai trò của đầu tư công là động lực dẫn dắt, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Xét tổng thể, kinh tế thế giới và Việt Nam đang chịu tác động lớn từ những biến động địa chính trị, khiến chuỗi cung ứng đứt gãy, sức mua các nền kinh tế giảm sâu, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân toàn cầu. Việt Nam đang làm rất tốt về chiến lược ngoại giao, sự chuẩn bị cho sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và chuyển mình của kinh tế Toàn cầu, những chỉ số như: FDI, FII… đã thể hiện rõ những giá trị mang lại. Đó cũng là tiền đề giúp Việt Nam có nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào, giúp ổn định tỷ giá.

Hiện nay, Thành phố có nhiều điểm nghẽn mà nếu giải tỏa được, thì tăng trưởng không chỉ 6,5% mà còn hơn thế nữa. Ví dụ về giao thông vận tải. Tuyến đường sắt trên cao tốn số tiền khổng lồ nhưng vẫn chưa khai thác. Rồi những điểm tắc đường, kẹt xe.
Thứ hai là về quỹ đất. Do quy hoạch treo hoặc vì lý do nào đó, nên không tận dụng cho các hoạt động kinh tế được, rất lãng phí. Thời gian qua công tác phòng chống tham nhũng lãng phí của chúng ta đạt được nhiều bước tiến tích cực, nhưng mặt khác khiến cán bộ ngại ngần, sợ không dám làm, không dám quyết. Nếu chúng ta gỡ được các điểm nghẽn trên, không chỉ 6,5%, Thành phố có thể tăng trưởng 10% hoặc hơn.
Về giải ngân vốn đầu tư công, Thành phố cũng như nhiều địa phương khác đang nghẽn ở khâu giải phóng mặt bằng. Nhiều dự án có tiền, đã được phê duyệt nhưng không có mặt bằng. Một số con đường chỉ vướng vài ngôi nhà nhưng bao nhiêu năm chưa xong. Nhiều cán bộ sợ sai, sợ bị kỷ luật nên không dám làm. Hiện nay rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn và có trách nhiệm của cả bộ máy hành chính.

Chuyên gia kinh tế Phan Thế Hải

Biến động chính trị thế giới hiện nay rất khó lường, khó đoán định và chiếm tỷ trọng lớn trong bất ổn toàn cầu. Vì vậy, chính sách tài khóa vẫn nên mở rộng thông qua đầu tư công để thực hiện 3 mục tiêu như phần trên. Chính sách tiền tệ điều tiết và điều chỉnh linh hoạt thời gian qua là phù hợp với hiện trạng và trong tình hình hiện nay.

97686787.jpg

Với lượng tiền gửi rất lớn trong hệ thống ngân hàng năm 2023 thì việc bơm thêm vốn cho nền kinh tế là chưa cần thiết. Việt Nam cần tạo ra sức mua nội tại của nền kinh tế từ đó kích thích và tăng sức mua. Ví dụ, việc tăng lương, thu nhập cho cán bộ công chức, công nhân viên xét cho cùng giải quyết được nhiều vấn đề trong đó có sức mua của nền kinh tế. Vì vậy Chính phủ cũng nên xem xét để hỗ trợ công nhân, người yếu thế bị ảnh hưởng bởi khó khăn kinh tế hiện nay, việc này giải quyết được vấn đề an sinh xã hội, vừa tạo sức mua trong nền kinh tế, DN hoạt động sản xuất kinh doanh, nhà nước thu thuế… nó như một vòng khép kín.

TP.HCM còn 3 nhóm khó khăn vướng mắc lớn, khó giải ngân hết trong năm 2023. Cụ thể, nhiều dự án chưa tính toán kỹ phương án giải phóng mặt bằng, còn 5.440 tỷ đồng khó giải ngân. 3 nhóm này có tổng số vốn 16.900 tỷ đồng, chiếm 25% tổng số vốn năm 2023 toàn TP.HCM.
Nhóm thứ hai là các dự án trên địa bàn TP Thủ Đức cũng vướng mắc, chủ yếu về giải phóng mặt bằng, chiếm 5.683 tỷ đồng.
Thứ ba: Dự án chống ngập do triều. Năm nay Thành Phố bố trí vốn 5.771 tỷ đồng nhưng cũng chưa thể giải ngân do các vướng mắc thuộc thẩm quyền Trung ương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Năm 2024: Thách thức tăng trưởng GDP 6,5%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO