Chuyên đề

Văn hóa doanh nghiệp: Nền tảng phát triển bền vững

Hồng Nga - Duy Chí 08/11/2023 21:30

Văn hóa doanh nghiệp (VHDN) có vai trò quan trọng, là nền tảng phát triển bền vững của doanh nghiệp (DN). Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, VHDN lại càng quan trọng hơn khi là nguồn năng lượng tái tạo của DN và giữ chân nhân tài, giúp DN xây dựng thương hiệu uy tín đối với khách hàng, đối tác.

toan-canh.jpg

Đó là nội dung trao đổi của các doanh nhân tại tọa đàm “Văn hóa doanh nghiệp: Nền tảng phát triển bền vững” do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức ngày 2/11/2023.

Văn hoá giúp tăng trưởng kinh doanh

Sau khi Ban giám đốc Công ty CP Đầu tư - Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Hùng Cường (Inox Hùng Cường) đi học và bắt tay xây dựng VHDN, trao hết quyền và phân cấp quản lý cho cấp dưới thì mọi việc từng bước đổi khác. Mỗi khi có đơn hàng hay vụ việc gì cần giải quyết, lãnh đạo Công ty chỉ cần trao đổi với các cấp có liên quan, mọi người chia nhau làm việc tập trung, trách nhiệm đến độ chiều tối, bảo vệ có mời về cũng không về!

van-lam.jpg

“Bí quyết của chúng tôi chính là bài học từ các DN Nhật Bản. Nếu ai đó thử đặt câu hỏi “Công ty này của ai?” cho chị lao công đến cán bộ quản lý đều nhận được câu trả lời giống nhau: “Công ty này của tôi”. VHDN đã tạo niềm tin, hạnh phúc ở người lao động. Có niềm tin, hạnh phúc, người lao động xem công ty là của mình để làm việc, dấn thân và đi lên” - ông Nguyễn Ngọc Luận, Tổng giám đốc Meet More Coffee chia sẻ.

“VHDN được chúng tôi xây dựng bắt đầu bằng việc đọc sách thường xuyên, tổ chức thành những nhóm và trong quá trình đọc, các bạn chia sẻ ý nghĩa nội dung sách với nhau. Ban lãnh đạo mỗi khi ra ngoài có gì hay cũng chụp hình ghi lại và chia sẻ với anh em. Vào ngày thứ 7 hằng tuần, chúng tôi dành 4 tiếng đồng hồ để nhân viên đọc sách, ngày thứ hai thì tổ chức chào cờ, chia sẻ về những cuốn sách hay và lý do vì sao nên đọc sách, tại sao phải đọc sách, tại sao phải học, tại sao phải chơi với bạn tốt.

Ông Trần Văn Lâm - Phó giám đốc Công ty CP Đầu tư - Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Hùng Cường

Ngoài ra, vào các buổi sáng thứ hai đầu tuần, cán bộ - công nhân viên Công ty đều tổ chức chào cờ, hát quốc ca và chia sẻ, giới thiệu về những trang sách hay đã đọc.

duong-tong.jpg

Ông Dương Tống - Giám đốc Công ty HomeNext cũng cho biết, khi lĩnh vực bất động sản đang bị cạnh tranh rất khốc liệt về khách hàng và nhân viên bán hàng. Nhân viên bán hàng, đặc biệt là những người tài, HomeNext không thể giữ chân họ bằng tiền vì không thể cạnh tranh với những DN lớn. Công ty chỉ có thể giữ chân họ bằng VHDN, tức gắn kết đội ngũ và hiệu quả kinh doanh. Nhờ vậy, HomeNext vẫn phát triển tốt trong thời điểm này.

VHDN sẽ giúp DN vượt qua nhiều khó khăn, thử thách nhờ tinh thần đoàn kết, tính chuyên nghiệp. Với DN khởi nghiệp nên chú ý xây dựng văn hoá từ đầu cùng với chiến lược kinh doanh. VHDN cũng phải thay đổi cùng với chiến lược kinh doanh.

Ông Dương Tống - Giám đốc Công ty HomeNext

Trong khi đó, để cho nhân viên tự hiểu giá trị của mỗi người, ông Danh Phạm Thanh Tài - Giám đốc Khu du lịch, Nhà hàng ẩm thực Phương Nam chia sẻ: “Tại hệ thống nhà hàng Phương Nam ở Đồng Nai và Bình Dương, người lao động đến từ nhiều tỉnh - thành với nhiều hoàn cảnh nhưng có điểm chung là học không nhiều mà phải phục vụ người có điều kiện học hành, địa vị cao. Lo lắng nhân viên gặp khó khăn, ông Thanh Tài mời một người quản lý có bằng cấp quốc tế, từng điều hành khách sạn 5 sao về đào tạo và cùng làm việc nhưng không chỉ thất bại mà còn bị phản ứng.

thanh-tai.jpg

“Hai mươi hai giờ đêm có khách vào nhà hàng, anh em phục vụ ngó lơ, than “giờ này còn vô chi nữa”. Qua hiện tượng đó, mình phải tự xây dựng quy trình, giao cho người quản lý vận hành, đồng thời phổ biến cách kinh doanh của nhà hàng là “khách hàng là người trả lương”, “khách hàng càng hài lòng lương càng cao” rồi để nhân viên suy nghĩ, áp dụng. Kết quả từ năm 2021 đến nay, trung bình mỗi năm hệ thống phát triển thêm một chi nhánh, doanh thu tăng trung bình 10%/năm” - ông Thanh Tài kể.

Bắt đầu từ đâu và như thế nào?

ngoc-luan.jpg

Xây dựng VHDN từ đâu, lúc nào là tùy định hướng, quy mô của từng DN. Theo ông Nguyễn Ngọc Luận - Tổng giám đốc Meet More Coffee, lâu nay khi nói đến VHDN người ta thường nghĩ đến những DN lớn hơn là những DN nghiệp nhỏ. VHDN bắt đầu từ đâu, quá trình xây dựng và phát triển như thế nào hoàn toàn phụ thuộc người đứng đầu DN. Khi thành lập, DN thường đưa ra sứ mệnh, đó là một phần của VHDN, cũng chính là giá trị của DN.

Tại Meet More Coffee, khi mới thành lập, cũng như bao DN khác, lãnh đạo Công ty chủ yếu lo chuyện cơm áo gạo tiền, chuyện tồn tại nên chưa chú trọng việc xây dựng VHDN. Sau này, phát triển lên quy mô tầm trung, Công ty có khoảng 50 người, bắt buộc Công ty phải nghĩ đến việc xây dựng VHDN làm sao mang bản sắc riêng, giá trị riêng.

dang-khue.jpg

Cùng quan điểm này, ông Vũ Đăng Khuê - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty VCA Holdings cho rằng, điều đáng buồn là hiện nay, rất nhiều DN nhỏ, sản xuất ở quy mô gia đình không coi trọng vấn đề này. Nhiều DN sau vài năm chăm chỉ gầy dựng đã bằng lòng với doanh thu. VCA Holdings từng mời đại diện một số công ty nhỏ đến trao đổi về nhu cầu thị trường và sự cần thiết phải liên kết thành hệ thống, thành chuỗi cung ứng hoặc nhóm các nhà cung cấp dịch vụ cho các tập đoàn lớn, nhưng các ông chủ nhỏ không mặn mà với rất nhiều lý do mà một trong số đó là “tôi kinh doanh như vậy được rồi”. Nhiều DN thường cho rằng mình nhỏ nên kinh nghiệm cũng nhỏ và khi kết hợp với DN lớn sẽ bị “nuốt chửng”.

Kinh nghiệm xây dựng VHDN chúng tôi đúc rút thời gian qua là phát huy vai trò cấp quản lý trực tiếp. Người đứng đầu chỉ theo dõi, kiểm tra, tìm ra cái hay, cái mới phù hợp với DN và chiến lược phát triển. Người lao động sẽ nhìn vào lãnh đạo để thực hiện VHDN. Nếu hằng trăm, hàng nghìn DN cùng xây dựng VHDN thì sẽ hình thành một cộng đồng VHDN rộng lớn.

Ông Vũ Đăng Khuê - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công VCA Holdings

“Văn hoá rất đa dạng, phong phú. Theo quy luật, điều gì chưa phù hợp thì không nên gò ép, nhưng đến lúc cần thay đổi phải thay đổi để không bị đào thải vì khó thích ứng” - ông Vũ Đăng Khuê đúc kết.

quang-anh.jpg

Chia sẻ về việc xây dựng VHDN, ông Phạm Quang Anh - Giám đốc Công ty may mặc Dony khẳng định: “Xây dựng VHDN phải phù hợp với chiến lược phát triển của công ty, nhưng cũng đừng quá lo lắng vì xây dựng VHDN không tốn kém, chỉ cần sự thật lòng và quan tâm chăm chút. Để phát triển bền vững cần phải thích nghi hoàn cảnh. Mọi thứ đều vận động, luôn thay đổi, DN nào thích nghi tốt sẽ tồn tại, sẽ phát triển. Muốn vậy phải xây dựng văn hóa linh động. Bởi vì văn hoá luôn đi đôi với phát triển và đổi mới. Khi chiến lược kinh doanh thay đổi thì VHDN cũng phải thay đổi cho phù hợp.

Giá trị cốt lõi là nguồn nhân lực

Ở Hùng Cường, từ năm 2019, khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, lãnh đạo Công ty nghĩ ngay đến việc cải tổ bộ máy. Ông Lâm kể, sau hai năm chuẩn bị, năm 2021, Công ty chính thức “đập bỏ ngôi nhà đang có” để xây lại. Đó là một việc cực kỳ khó khăn và vất vả. Với tiềm lực của DN, việc đập đi xây lại buộc bỏ ra một khối tài sản rất lớn. Có thời điểm Công ty phải nợ lương nhân viên nhiều tháng liền. Lúc đó, lãnh đạo Công ty quyết định đi học và nhận ra là phải xây dựng nhân lực trước. Phải xây dựng được những con người sống trong môi trường của mình thật tốt, đoàn kết, biết yêu thương, biết chăm sóc bản thân và người xung quanh. Muốn vậy phải lan tỏa tinh thần học tập trong nhân viên Công ty. Nhờ vậy mà Hùng Cường đã tạo dựng được đội ngũ đoàn kết từ trên xuống dưới, luôn đồng thuận trong công việc được giao, hỗ trợ nhau hết mình. Trong thời điểm dịch Covid-19, Công ty gặp nhiều khó khăn, nhân viên đã góp túi ra để việc kinh doanh không bị ngưng trệ.

“Bên cạnh đó, chúng tôi trao quyền cho tất cả nhân viên. Công việc của Công ty là công việc của từng cá nhân, của tập thể trong DN, ai cũng có trách nhiệm. Để tồn tại, chúng tôi chia sẻ với khách hàng, biến khách hàng thành bạn thân. Đó là những điều tự hào mà Hùng Cường đã làm được và cũng cho thấy vì sao Hùng Cường vượt qua đại dịch, tồn tại và phát triển” - ông Lâm chia sẻ.

Trong khi đó, Công ty May mặc Dony từng nhiều lần đầu tư mạnh vào xây dựng VHDN do khách hàng là nhiều tập đoàn và nhà nhập khẩu nước ngoài. Nhưng càng đầu tư thì kết quả mà Dony nhận được càng ngược lại, hàng bị trả về ngày một nhiều. Đến khi bế tắc, lãnh đạo DN mới nhận ra “mình thế nào thì văn hoá thế đó, chiến lược phát triển của DN thế nào thì VHDN như thế đó”. Nhận thức ra điều này, lãnh đạo Dony đã thay đổi và bắt đầu “giao tiếp” với nhân viên bằng khẩu hiệu “Mất một giờ để làm đúng từ đầu hơn là mất cả ngày để sửa sai”. Khi mọi người đã nhớ, đã thấm thì khẩu hiệu này được chia sẻ cho người mới hoặc sử dụng trong đào tạo. Sự điều chỉnh phù hợp đã giúp DN tăng trưởng bình quân 23%/năm dù kinh tế đang khó khăn.

ngoc-quyen.jpg

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, văn hóa chia sẻ càng phải được đề cao và lan toả trong đội ngũ nhân viên. Đây chính là chất keo kết dính đội ngũ, từ đó giúp công ty vượt qua thách thức để tiếp tục mở rộng kinh doanh. Ở Công ty Thiết kế - Lắp đặt kho lạnh Kim Ngọc Đăng, bà Nguyễn Thị Ngọc Quyên quan tâm đến từng người lao động. Bà quan niệm, khi gặp khách hàng cười là Công ty thành công và khi nhân viên cười là họ đang làm việc tốt.

Chúng tôi chọn những người có tư duy tốt, có chí tiến thủ để làm lực lượng lao động nòng cốt trong Công ty. Họ không cần phải có bằng cấp quá cao, không phải quá giỏi nhưng sẵn sàng học hỏi, lắng nghe, thay đổi và chúng tôi sẽ đào tạo.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Quyên - Giám đốc Công ty Kim Ngọc Đăng

Công ty HomeNext cũng có nhiều chính sách đãi ngộ được người lao động đánh giá cao và quyết định gắn bó với Công ty. HomeNext xác định chiến lược không tập trung vào việc phát triển thị trường mà là nhân lực, là đội ngũ bán hàng. HomeNext bắt tay vào tuyển dụng nhân sự với tiêu chẩn tốt nghiệp đại học, có khát vọng làm giàu, đam mê kinh doanh. Công ty tạo điều kiện để họ học tập và phát triển bản thân. Và khi đã có nhiều nhân viên nữ giỏi tự nhiên thu hút được nhiều ứng viên nam tài năng vào Công ty.

Chủ tịch Hội Đầu bếp tỉnh Đồng Nai Phạm Long Hương:

chu-tich-hoi-dau-bep-tinh-dong-nai-pham-long-huong.jpg

Tôi tâm đắc với quy tắc 5S của người Nhật (Seiri - sàng lọc, Seiton - sắp xếp, Seiso - Sạch sẽ, Seiketsu - săn sóc, Shitsuke - Sẵn sàng) .VHDN là yếu tố nền tảng, là giá trị cốt lõi của DN, thể hiện rõ nét nhất khi DN đứng trước khó khăn, nó làm tăng khát vọng chinh phục thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Văn hóa doanh nghiệp: Nền tảng phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO