Một “không gian văn hóa Hồ Chí Minh” tương xứng với thành phố mang tên Hồ Chí Minh
Xây dựng TP.HCM trở thành một không gian văn hóa Hồ Chí Minh theo Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ khóa XI (2020-2025) có thể hiểu là xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh, phát huy đặc trưng văn hóa, tính cách của con người thành phố luôn năng động sáng tạo, đi đầu, dám chấp nhận thử thách, nhân ái và tình nghĩa.
Diễn giải một cách khác, theo nghị quyết này thì nội hàm của không gian văn hóa Hồ Chí Minh được hình thành trong một môi trường văn hóa lành mạnh, nơi mà những đặc trưng văn hóa của con người TP.HCM được phát huy với các phẩm chất “năng động, sáng tạo, đi đầu, dám chấp nhận thử thách, nhân ái và nghĩa tình”.
Quan sát những cách thể hiện không gian văn hóa Hồ Chí Minh qua truyền thông, điều dễ nhận thấy là có xu hướng muốn xây dựng một không gian văn hóa Hồ Chí Minh cụ thể tựa như một không gian (đúng hơn là một gian nhà) được thiết kế bởi cảnh sắc và nội dung tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh với những hình thức thể hiện khác nhau… tựa như một không gian truyền thống, một ban thờ khai thác giá trị tâm linh để tôn vinh và giáo dục ý thức liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, hỗ trợ cho cuộc vận động đã và đang diễn ra lâu nay: “Học tập tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh”…
Phải hiểu khái niệm “không gian” trong cách gọi không gian văn hóa Hồ Chí Minh được nêu trong Nghị quyết là một môi trường sinh thái để tư tưởng Hồ Chí Minh có thể phát huy, tác động vào con người và công cuộc phát triển (trong đó có các hoạt động kinh tế của các doanh nghiệp) của thành phố có hiệu quả và tạo nên những đặc trưng (ưu trội) khác với những nơi (không gian) khác.
Nó phải là một nỗ lực của toàn thành phố, chứ không phải chỉ là sự cộng lại các không gian riêng lẻ của những cộng đồng, đơn vị, khu dân cư như các trường học, khu phố, cơ quan xí nghiệp… Tuy nhiên, đối với mỗi cộng đồng có những cách tiếp cận để hình thành những giá trị phù hợp.
Câu hỏi đặt ra tại một cuộc hội thảo của Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn gắn với đối tượng chủ yếu là các doanh nhân, cần cụ thể hóa các nội dung được thể hiện trong nghị quyết phù hợp với đối tượng của mình. Một “môi trường văn hóa lành mạnh”, “những đặc trưng văn hóa gắn với tính cách “con người thành phố luôn năng động, sáng tạo, đi đầu, dám chấp nhận thử thách, nhân ái và nghĩa tình” có nội hàm như thế nào đối với đội ngũ doanh nhân và thể hiện trong cách hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, trong những hoạt động kinh tế của thành phố?
Trả lời câu hỏi này là một vấn đề lớn, cần có những cách tiếp cận khoa học, có điều tra, nghiên cứu để tổ chức vận động, giáo dục, khích lệ. Nhưng chắc chắn có một vấn đề tiên quyết là phải xây dựng được một hệ thống luật pháp “lành mạnh” trên cả phương diện ban hành và thực thi. Đồng thời, đối với mỗi cộng đồng (ở đây là các doanh nghiệp, doanh nhân), nên xây dựng những quy chuẩn về đạo đức mang tính nghề nghiệp. Đây cũng là xu thế chung của thế giới ngày nay luôn hướng tới giá trị “đạo đức” nhằm hạn chế và triệt tiêu những tác hại của chính xu thế phát triển không lành mạnh đang diễn ra, trong đó có cả mặt trái của sự phát triển khoa học và công nghệ (từ góc độ nhân văn xã hội và môi trường thiên nhiên).
Do vậy, những giải pháp thực hiện thì ngoài việc tổ chức nghiên cứu để tiếp cận một cách khoa học, xây dựng hệ thống các chuẩn mực để tạo sự thống nhất về mục đích; tuyên truyền quảng bá để thu hút người tham gia, tổ chức qua các trải nghiệm cụ thể để đúc rút kinh nghiệm… thì theo tôi, tính gương mẫu của những người lãnh đạo là vô cùng quan trọng.
Muốn đưa chủ trương này đi vào thực chất, tránh hình thức, mang tính phong trào tùy thời… cần có những tư duy “đột phá” tạo tâm thế mới để tiếp cận những vấn đề tưởng như không mới. Để tương xứng với một không gian văn hóa Hồ Chí Minh của TP.HCM, một thành phố phải có một “môi trường văn hóa lành mạnh” để con người của thành phố thể hiện được 6 phẩm chất mà nghị quyết đã đề ra trong tương quan với các địa phương khác trên cả nước, thể hiện rõ vị thế của TP.HCM (như đã trình bày ở trên), xin đưa ra hai nội dung (tạm gọi là đột phá) sau:
Thứ nhất, mạnh dạn “nâng cấp” cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” mà cả nước đã thực hiện như một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước đã hơn một thập kỷ qua thành cuộc vận động “Hàng Việt Nam (của TP.HCM) chinh phục người Việt Nam (trong đó có TP.HCM)”.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” nhưng thay đổi vị thế. Nét đặc sắc nhất ở Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương đạo đức của người cầm quyền. Là nguyên thủ tối cao vẫn giữ được đạo đức trong mối quan hệ với xã hội, với thiên nhiên và với những người xung quanh vì nghĩa lớn. Cái khó và vĩ đại là người có quyền lực cao nhất vẫn giữ được đạo đức trong khi thực hiện trách nhiệm cũng như lý tưởng của mình. Người cầm quyền và có quyền mới dễ bị tha hóa, mất đạo đức… Do vậy, cuộc vận động tại không gian văn hóa Hồ Chí Minh là những người lãnh đạo (những học trò của Bác) sẽ là người phải học, phải hành trước hết và trước mặt quần chúng để mọi người cấp dưới, quần chúng nhân dân đánh giá và biểu dương...
Giải pháp xây dựng văn hóa đặc trưng của doanh nghiệp, doanh nhân TP.HCM trong không gian văn hóa Hồ Chí Minh
Xây dựng hình ảnh doanh nhân trong nền kinh tế hội nhập là trách nhiệm mà mỗi doanh nhân TP.HCM phải nhận thức đúng và xác định. Bởi hình ảnh của mỗi doanh nhân không chỉ gắn liền với giá trị văn hóa, đạo đức kinh doanh của cá nhân, mà còn là hình ảnh đại diện cho đội ngũ doanh nhân Việt Nam, doanh nhân TP.HCM bước ra thế giới, đại diện cho hình ảnh dân tộc, đất nước Việt Nam. Với trọng trách và ý nghĩa đó, việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, gắn liền với hình ảnh doanh nghiệp, doanh nhân thành phố, giúp doanh nhân học tập, tu dưỡng đạo đức, văn hóa kinh doanh để chung tay đóng góp vào sự phát triển kinh tế cho thành phố là một hành động thiết thực và cần nhân rộng.