Mối duyên giữa Yến Việt và Ba Huân với quỹ đầu tư tài chính đều có kết thúc không trọn vẹn |
Không phải cái bắt tay nào giữa các tổ chức tài chính và doanh nghiệp đều có kết thúc tốt đẹp. Trong quá khứ từng xảy ra trường hợp quỹ đầu tư tài chính (bên đầu tư) và doanh nghiệp (bên gọi vốn) ngậm ngùi nói lời chia tay.
Trước khi Quỹ Vietnam Opportunity Fund (VOF) của VinaCapital quyết định rót 32,5 triệu USD vào Công ty CP Ba Huân (ngày 26/2/2018), cả hai đều trải qua thời gian dài tìm hiểu lẫn nhau. VinaCapital nhận thấy Ba Huân là nhà sản xuất trứng và thịt gia cầm hàng đầu Việt Nam, chiếm 30% thị phần trứng thanh trùng, tăng trưởng doanh thu trung bình 15 - 30%/năm. Năm 2018, Công ty dự kiến doanh thu vượt 90 triệu USD.
Lãnh đạo Quỹ VOF khi đó nhấn mạnh, VOF có thể rót vốn thêm trong 12 tháng tới, sau khi đầu tư 32,5 triệu USD vào Ba Huân.Về phía Ba Huân cũng muốn hợp tác đầu tư cùng VinaCapital nhằm nâng tầm thương hiệu.
Tuy nhiên, "cuộc hôn nhân" đã sớm rơi vào tình trạng "cơm không lành, canh không ngọt" và đi đến chỗ đổ vỡ. Lý do, như văn bản trình Thủ tướng, Công ty CP Ba Huân nêu rõ, Vinacapital đã tự động đưa tỷ suất hoàn vốn (IRR) quá cao, là 22%/năm, gấp gần 3 lần lãi vay vốn ngân hàng. Trong khi VinaCapital lại hạn chế ngành nghề kinh doanh của Ba Huân và đưa ra những mức phạt, tỷ lệ hoàn vốn đầu tư hoặc chuyển giao cổ phần nếu Công ty không đạt được kết quả kinh doanh như thỏa thuận. Ba Huân cho rằng, những nội dung này không đúng với tinh thần trao đổi ban đầu cũng như khác với bản thỏa thuận tiếng Anh đã ký. Cũng từ đây, hành trình "cầu cứu" bắt đầu.
Phía VinaCapital cho rằng, đã có những hiểu lầm giữa 2 bên. Tuy nhiên, Quỹ quyết định dừng đầu tư vào Ba Huân và khẳng định mình làm đúng luật, đúng các thông lệ của thị trường. VinaCapital nhấn mạnh không có ý định chiếm quyền điều hành hay thâu tóm Ba Huân.
Ông Don Lâm - Tổng giám đốc VinaCapital cho biết: "VinaCapital - quỹ đầu tư có quy mô 1,8 tỷ USD sẽ tiếp tục tìm những doanh nghiệp chưa niêm yết để đầu tư”. Hiện tại, thông qua các quỹ con, như VOF, Vinaland Fund (VNL) hay DFJ VinaCapital (DFJV), VinaCapital đã đầu tư vào 170 doanh nghiệp. Trong đó đã từng có những cuộc "chia tay", để lại nỗi buồn cho một phía.
Có thể kể ra thương vụ giữa VinaCapital và Công ty CP Yến Việt. Năm 2010, 2 bên đã bắt tay nhau với tham vọng gia tăng độ phủ hệ thống bán lẻ của Yến Việt. Nhưng kết quả, sau 3 năm, "cuộc hôn nhân" trị giá 20 triệu USD này đã kết thúc với sự ra đi của bà chủ Công ty Yến Việt.
Bệnh viện Hoàn Mỹ cũng từng bắt tay với VinaCapital với mong muốn nhận được hỗ trợ vốn và mở rộng kinh doanh (năm 2009). Tuy nhiên, kết hợp với đối tác khác để rót 20 triệu USD, VinaCapital đã đưa ra những yêu cầu về IPO và tăng trưởng lợi nhuận cũng như mức chuyển đổi từ trái phiếu sang cổ phiếu, mức hoàn vốn, lãi phạt phải chịu nếu Hoàn Mỹ không đạt tăng trưởng như yêu cầu.
Kết quả, trước những áp lực về chuyển đổi quản trị lẫn tăng trưởng lợi nhuận, ban lãnh đạo Bệnh viện Hoàn Mỹ đã không đáp ứng được yêu cầu. Hơn một năm sau, Hoàn Mỹ phải bán lại cho Fortis, còn VinaCapital nhận lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với vốn đầu tư ban đầu.
Nhìn rộng hơn, ở một số quỹ khác, đổ bể thương vụ cũng từng diễn ra. Đó là Vinamit với Indochina Capital, là The KAfe với Cassia Investments (Hong Kong). Hầu hết nguyên nhân đổ vỡ đều do không đáp ứng được các điều kiện trong thỏa thuận đầu tư.