“Sản phẩm” của các trường đại học khởi nghiệp
Trong bối cảnh kinh tế tri thức phát triển mạnh, đại học khởi nghiệp không chỉ đào tạo nhân lực mà còn là cái nôi nuôi dưỡng doanh nghiệp (DN) đổi mới sáng tạo (ĐMST). Với hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn chỉnh, sinh viên và giảng viên có điều kiện phát triển ý tưởng kinh doanh, công nghệ mới, gắn liền với nhu cầu thực tiễn.
Sinh viên với kiến thức, tư duy và tinh thần khởi nghiệp
Sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học khởi nghiệp sẽ khác biệt rõ rệt so với sinh viên từ các trường đại học truyền thống. Trong khi hệ thống giáo dục truyền thống chưa theo kịp tốc độ phát triển của khoa học công nghệ, khiến kiến thức được giảng dạy có nguy cơ lỗi thời ngay khi sinh viên ra trường, thì đại học khởi nghiệp tạo ra một mô hình đào tạo linh hoạt hơn, gắn liền với nhu cầu thực tiễn của xã hội.
Bill Gates đã từng nói: “Các trường của chúng ta được thiết kế cách đây 50 năm và đã đáp ứng những nhu cầu nhất định của thời đại ấy. Nhưng nếu không thiết kế lại để phù hợp với thế kỷ 21, chúng ta sẽ đánh hỏng cuộc đời của hàng triệu người mỗi năm”. Cùng với đó, nhà tư tưởng Peter Drucker dự báo: “Ba mươi năm nữa, các khuôn viên đại học sẽ chỉ còn là di tích. Chúng ta phải bắt đầu giảng bài ngoài các trường đại học, qua vệ tinh và video hai chiều, với chi phí thấp nhất”.

Đại học khởi nghiệp không chỉ đơn thuần cung cấp kiến thức chuyên môn mà còn trang bị cho sinh viên tinh thần và kỹ năng khởi nghiệp, giúp họ dễ dàng hòa nhập với môi trường làm việc ngay sau khi tốt nghiệp. Thông qua các trung tâm ươm tạo, các phòng thí nghiệm và không gian nghiên cứu trong trường, sinh viên có cơ hội tiếp cận công nghệ mới, rèn luyện kỹ năng thực hành và phát triển tư duy sáng tạo.
Các phòng thí nghiệm tại các trường đại học khởi nghiệp được thiết kế để phục vụ cả việc học tập lẫn nghiên cứu khoa học. Những phòng lab phổ biến hiện nay bao gồm phòng thí nghiệm hóa học, vật lý, nghiên cứu sản xuất thuốc và công nghệ đặc biệt. Hai dạng phòng lab phổ biến nhất là phòng lab chuyên dụng và phòng lab đa năng, giúp sinh viên có môi trường thực hành sát với thực tế công việc.
Tình trạng thất nghiệp trong nhóm sinh viên mới tốt nghiệp từ các trường đại học truyền thống ngày càng gia tăng do thiếu kỹ năng làm việc thực tế. Ngoài kiến thức chuyên môn, các DN hiện nay đặc biệt chú trọng đến các kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, tư duy phản biện. Sinh viên tốt nghiệp từ đại học khởi nghiệp với hệ sinh thái khởi nghiệp trong trường có thể làm việc thành thạo ngay tại các DN, thậm chí trở thành những nhân tố quan trọng trong các công ty khởi nghiệp và DN hiện hành.
Mô hình đào tạo của đại học khởi nghiệp không chỉ góp phần giải quyết bài toán thất nghiệp mà còn tạo ra lực lượng lao động có năng lực thực tế, sẵn sàng thích nghi với sự thay đổi của thị trường. Đây chính là chìa khóa giúp nền kinh tế ĐMST phát triển bền vững trong thời đại công nghệ 4.0.
DN khởi nghiệp ĐMST
Trong bối cảnh nền kinh tế tri thức phát triển mạnh mẽ, các DN khởi nghiệp không thể tự hình thành và phát triển một cách độc lập mà cần được ươm tạo, hỗ trợ trong một hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST thuận lợi.
Một hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST hoàn chỉnh, chất lượng ngay trong trường đại học chính là nguồn lực quan trọng để thúc đẩy sự ra đời và phát triển của các DN khởi nghiệp. Trường đại học khởi nghiệp không chỉ cung cấp kiến thức, mà còn huy động nguồn lực đầy đủ, ổn định và lâu dài để hỗ trợ các ý tưởng sáng tạo đi vào thực tiễn.
Hệ sinh thái này bao gồm nhiều thành phần quan trọng. Trước hết là chính nhà trường với đội ngũ giảng viên, sinh viên được đào tạo bài bản, cùng các tổ chức trực thuộc như trung tâm thương mại hóa và chuyển giao công nghệ, trung tâm ươm tạo và khởi nghiệp, các câu lạc bộ mentor, câu lạc bộ cựu sinh viên... Đây là lực lượng nòng cốt giúp DN khởi nghiệp ĐMST có được nền tảng tri thức và hỗ trợ cần thiết ngay từ giai đoạn đầu.
Một hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST hoàn chỉnh, chất lượng ngay trong trường đại học chính là nguồn lực quan trọng để thúc đẩy sự ra đời và phát triển của các DN khởi nghiệp. Trường đại học khởi nghiệp không chỉ cung cấp kiến thức, mà còn huy động nguồn lực đầy đủ, ổn định và lâu dài để hỗ trợ các ý tưởng sáng tạo đi vào thực tiễn.
Bên cạnh đó, sự tham gia của DN đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thị trường, nguồn lực tài chính và cơ hội hợp tác thực tế. Cùng với đó, các quỹ đầu tư trong và ngoài nhà trường góp phần giúp các startup có đủ nguồn lực tài chính để hiện thực hóa ý tưởng và mở rộng quy mô hoạt động.
Mấu chốt của mô hình đại học khởi nghiệp chính là cơ chế kết nối và hợp tác giữa tất cả các thành phần này, đảm bảo sự khai thác hiệu quả các nguồn lực. Khi các trường đại học không chỉ là nơi giảng dạy mà còn trở thành trung tâm sáng tạo, chuyển giao công nghệ và hỗ trợ khởi nghiệp, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST sẽ thực sự phát huy được vai trò của mình, tạo ra những DN có sức cạnh tranh và đóng góp tích cực cho nền kinh tế.
Mô hình kinh doanh và công nghệ mới
Với hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn chỉnh, các trường đại học trở thành trung tâm nghiên cứu và ứng dụng, nơi các giảng viên và sinh viên có điều kiện để phát triển những ý tưởng sáng tạo, từ đó hình thành các sản phẩm và giải pháp đột phá cho nền kinh tế.
Cơ chế kết nối chặt chẽ giữa nhà trường và DN đóng vai trò quan trọng trong quá trình này. Khi có sự “đặt hàng” từ DN, giảng viên và sinh viên sẽ tập trung nghiên cứu, tạo ra những mô hình kinh doanh và công nghệ đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Không chỉ dừng lại ở ý tưởng, DN và các quỹ đầu tư mạo hiểm trong và ngoài trường đại học còn tham gia hỗ trợ vốn cho quá trình thử nghiệm lâm sàng, sản xuất thử, giúp các phát minh, sáng chế trở thành sản phẩm thương mại có khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Các trường đại học trên địa bàn TP.HCM có số lượng sinh viên rất lớn, chẳng hạn Trường Đại học Bách Khoa với hơn 27.000 sinh viên, Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM với hơn 36.000 sinh viên. Nếu khai thác và phát huy hiệu quả nguồn lực này cho việc nghiên cứu, sáng tạo mô hình kinh doanh và công nghệ mới, chắc chắn hệ sinh thái khởi nghiệp sẽ tạo ra những DN ĐMST có giá trị thực tiễn cao, đóng góp tích cực cho sự phát triển của nền kinh tế.
(*) Chủ tịch Công ty CP Đại học khởi nghiệp, Ủy viên Ban Chấp hành Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).