Đại học khởi nghiệp: Nhìn từ Trường Đại học Adelaide
Trong bối cảnh giáo dục đại học toàn cầu đang chuyển mình mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu của đổi mới sáng tạo (ĐMST), mô hình đại học khởi nghiệp nổi lên như một động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Đại học Adelaide là trường đại học Úc đầu tiên và duy nhất vượt qua 15 tiêu chuẩn và đạt được chứng nhận từ Hội đồng Công nhận các trường đại học có tinh thần khởi nghiệp và cam kết (ACEEU).
“Đắm mình” trong các chương trình khởi nghiệp sáng tạo
Thành công của mô hình đại học khởi nghiệp tại Adelaide phải kể đến các chương trình đầy sáng tạo như E-Challenge và Tech Challenge, nơi sinh viên, các nhóm dự án có thể “đắm mình” trong môi trường của ĐMST.
Cụ thể, các chương trình này được tổ chức với mục tiêu không chỉ cung cấp cố vấn chuyên sâu và tài trợ tài chính, mà còn tạo ra một hệ sinh thái hỗ trợ toàn diện, giúp sinh viên, các nhóm dự án khởi nghiệp có thể biến ý tưởng sáng tạo thành hiện thực, rộng hơn là hình thành các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp ĐMST trong các lĩnh vực.
Với chiến lược tích hợp ba sứ mệnh cốt lõi: Giáo dục, nghiên cứu và gắn kết cộng đồng, Đại học Adelaide đã xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST vững mạnh.
Thông qua các chương trình này, sinh viên được tiếp cận với mạng lưới cố vấn là các chuyên gia đầu ngành, các doanh nhân dày dạn kinh nghiệm, cùng sự hướng dẫn từ các giảng viên giàu chuyên môn. Các chương trình cũng cung cấp các khóa đào tạo kỹ năng thực tiễn như lập kế hoạch kinh doanh, gọi vốn đầu tư và xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm. Đây là các kỹ năng mang tính thực tiễn cao thay vì hàn lâm và lý thuyết. Đồng thời, các nội dung nhằm thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo chủ động của sinh viên cũng được chú trọng.
Không chỉ là môi trường học tập, những chương trình thúc đẩy khởi nghiệp ĐMST còn khuyến khích sự hợp tác giữa các lĩnh vực, giúp sinh viên từ nhiều ngành học khác nhau cùng làm việc để giải quyết các vấn đề thực tiễn. Bởi hiện tại, một kiến thức của ngành cụ thể không giải quyết được các vấn đề thực tiễn, mà đòi hỏi tính xuyên ngành, liên ngành rất lớn.
Nhiều startup trưởng thành từ Adelaide
Một trong những thành công nổi bật là SciLogic - một startup trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững, được sáng lập bởi Hayden Hung Nguyễn - nghiên cứu sinh người gốc Việt.
Hành trình của Hayden đã truyền cảm hứng về sự nỗ lực và sáng tạo trong môi trường học thuật và khởi nghiệp. Hayden bắt đầu theo học tại Đại học Bách khoa TP.HCM vào năm 2017, nơi anh nhận được nền tảng kiến thức vững chắc và cơ hội tiếp cận với nghiên cứu và khởi nghiệp. Năm 2020, Hayden chuyển sang Đại học Adelaide để tiếp tục hành trình học tập. Sau hai năm tại đây, anh tốt nghiệp hạng ưu và nhận học bổng nghiên cứu danh giá Bridges University of Adelaide, rồi bắt đầu học chương trình tiến sĩ với trọng tâm là nâng cao giá trị sinh khối (biomass).
Trong quá trình nghiên cứu, Hayden cùng nhóm cộng sự phát hiện một ứng dụng mới mang tính đột phá nên họ quyết định thành lập SciLogic - một startup ngay trong trường đại học, tập trung vào các giải pháp nông nghiệp và môi trường bền vững. SciLogic phát triển công nghệ tái chế sinh khối thành sản phẩm thân thiện với môi trường, ứng dụng trong phục hồi đất, giảm stress cho cây trồng, xử lý chất thải điện tử và chiết xuất khoáng sản từ rác thải hoặc quặng.
Hayden từng chia sẻ, sự thành công của anh không thể thiếu vai trò của Đại học Bách khoa TP.HCM và Đại học Adelaide. Đại học Bách khoa TP.HCM đã mang đến cho anh nền tảng kiến thức và tiếp xúc sớm với nghiên cứu, trong khi Đại học Adelaide cung cấp môi trường sáng tạo, các cố vấn từ cả ngành công nghiệp và học thuật, cùng những chương trình khởi nghiệp thực tế như E-Challenge.
Đặc biệt, với vai trò của Adelaide, theo chia sẻ của Hayden, Trường đã đóng vai trò quan trọng trong hành trình học thuật và khởi nghiệp của sinh viên nhờ vào đặc thù của mô hình đại học khởi nghiệp.
“Chúng tôi được tiếp xúc với các chuyên gia hàng đầu, có kinh nghiệm về học thuật và cả kinh nghiệm thực tiễn liên quan đến ngành công nghiệp. Họ luôn sẵn sàng cố vấn và hỗ trợ chúng tôi trong nghiên cứu và khởi nghiệp. E-Challenge là nơi tôi học cách chuyển ý tưởng nghiên cứu thành mô hình kinh doanh, từ xây dựng chiến lược, gọi vốn đến đưa sản phẩm ra thị trường. Đặc biệt, Trường còn mang đến mạng lưới kết nối mạnh mẽ với doanh nghiệp, giúp tôi và cộng sự tìm được đối tác chiến lược để triển khai dự án, mở ra cơ hội thử nghiệm và thương mại hóa sản phẩm” - Hayden chia sẻ.
Hayden cùng với SciLogic là một trong hơn 1.000 startup trưởng thành trong môi trường tự do sáng tạo và đổi mới của đại học khởi nghiệp. Những trường đại học như Adelaide đã khẳng định được tính hiệu quả trong nỗ lực gia tăng số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST.
(*) Quản lý tuyển dụng và quan hệ đối tác - Đại học Adelaide
Khánh Hưng ghi
Bài học kinh nghiệm đối với các trường đại học Việt Nam
Từ Đại học Adelaide, có thể chia sẻ ba cốt lõi đến các trường đại học Việt Nam khi hướng tới mô hình đại học khởi nghiệp. Đó là:
Tích hợp khởi nghiệp vào chương trình giảng dạy: Tạo điều kiện để sinh viên tiếp cận với tư duy khởi nghiệp từ sớm, thông qua các chương trình thực tế và nghiên cứu ứng dụng.
Xây dựng hệ sinh thái kết nối: Hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp và cộng đồng để chuyển giao kiến thức và công nghệ, tạo ra giá trị thực tế.
Hỗ trợ toàn diện cho sinh viên: Không chỉ đào tạo kiến thức mà còn cung cấp nền tảng cố vấn, tài trợ và cơ hội thử nghiệm ý tưởng trong môi trường thực tiễn.
Với vai trò là “chất xúc tác” thúc đẩy ĐMST, các trường đại học Việt Nam có thể tham khảo cơ hội này để góp phần phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia, đóng góp vào tăng trưởng bền vững và hội nhập quốc tế.