Đổi mới sáng tạo

Tư duy thiết kế định hình một trường đại học khởi nghiệp

Dương Tường Nhi (*) 18/12/2024 06:43

Khái niệm tư duy thiết kế trở nên phổ biến trong vài năm gần đây, với phạm vi ứng dụng sâu rộng, bao gồm cả các mô hình tiên tiến như đại học khởi nghiệp.

Tư duy thiết kế (design thinking) không chỉ là một công cụ sáng tạo mà còn là một triết lý, một phương pháp luận mang tính ứng dụng cao, giúp giải quyết các vấn đề phức tạp thông qua cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm. Đây là phương pháp đặc biệt hiệu quả để giải quyết các vấn đề phức tạp với sự tham gia của nhiều bên liên quan, nhờ vào việc tạo ra một khuôn khổ rõ ràng, quy trình bài bản và những công cụ hỗ trợ hợp tác, đồng sáng tạo.

Tư duy thiết kế định hình một trường đại học khởi nghiệp

Thực tế, tư duy thiết kế không phải là một khái niệm mới. Từ những năm 1990, Stanford d.school (thuộc Đại học Stanford) đã đóng vai trò tiên phong trong việc phát triển và phổ biến phương pháp này. Ngay sau đó, không chỉ dừng lại ở môi trường giáo dục, tư duy thiết kế đã được các tập đoàn như Google, IBM… áp dụng thành công để giải quyết những vấn đề phức tạp trong vận hành và sáng tạo sản phẩm.

tu-duy-thiet-ke-dinh-hinh-mot-truong-dai-hoc-khoi-nghiep1.jpg
Bà Dương Tường Nhi chia sẻ về Tư duy thiết kế trong một sự kiện mới đây

Gần đây, tư duy thiết kế trở nên phổ biến và thịnh hành trong cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Nhiều trường đại học, tổ chức và doanh nghiệp đã bắt đầu đưa tư duy thiết kế vào chương trình giảng dạy, hội thảo và khởi nghiệp thực tế của giảng viên, sinh viên.

Trước tiên, tư duy thiết kế sẽ giúp thiết kế một trường đại học khởi nghiệp. Điều này bắt đầu từ việc nhìn nhận trường đại học như một hệ sinh thái mở, nơi nguồn lực, từ con người, cơ sở vật chất đến các đối tác bên ngoài đều được liên kết một cách chặt chẽ để tạo nên giá trị lâu dài.

Đại học khởi nghiệp là mô hình mới, mang tính đột phá, nên cần cấu trúc một cách triệt để, từ việc xây dựng chiến lược phát triển bền vững, đổi mới phương pháp quản lý đến thiết kế nội dung giảng dạy phù hợp với nhu cầu thực tế. Thay vì sử dụng cách tiếp cận truyền thống, tư duy thiết kế thúc đẩy các nhà quản lý giáo dục thấu hiểu sâu sắc cả những nhu cầu chưa được bộc lộ của người học và xã hội, từ đó tạo ra những chương trình đào tạo khơi gợi sự sáng tạo của cả sinh viên và giảng viên, thay vì chỉ “chăm chăm” vào thành tích.

Sâu rộng hơn, về mặt chiến lược, tư duy thiết kế thúc đẩy các trường hướng đến sự cân bằng giữa các yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường, tạo ra một mô hình đại học khởi nghiệp bền vững trong bối cảnh xã hội có nhiều thay đổi. Sinh viên không chỉ được đào tạo để giỏi chuyên môn mà còn được khuyến khích trở thành những người kết nối, tạo giá trị mới cho xã hội. Đây chính là nền tảng để xây dựng những thế hệ doanh chủ tương lai, không ngừng sáng tạo và đổi mới.

Đặc biệt, một phần không thể thiếu của đại học khởi nghiệp chính là yếu tố con người, bao gồm cả lãnh đạo trường, đội ngũ giảng viên, sinh viên... Điều thú vị, tư duy thiết kế với triết lý lấy con người làm trung tâm, nên mỗi cá nhân trong hệ thống giáo dục của đại học khởi nghiệp phải được xem như một mắt xích quan trọng, đóng vai trò trong việc đồng sáng tạo thay vì cạnh tranh. Đây là một tư duy vô cùng đột phá của “design thinking” mà nhà hoạch định chiến lược giáo dục cần nắm bắt.

Giải quyết bài toán khó bằng quy trình 5 bước

Bài toán khó vẫn tồn tại khi các ý tưởng của sinh viên Việt Nam, dù rất hay và sáng tạo, thường khó phát triển thành những dự án lớn hoặc tiến xa hơn để trở thành doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Khi tư duy thiết kế ngày càng thịnh hành tại Việt Nam, nó mở ra cơ hội để suy nghĩ nghiêm túc hơn về việc ứng dụng phương pháp này nhằm giải quyết những “nỗi đau” lớn, bao gồm cả thách thức trên.

Theo lý thuyết chung, phương pháp này gồm 5 bước chính: Đồng cảm (empathize), xác định vấn đề (define), phát triển ý tưởng (ideate), xây dựng nguyên mẫu (prototype) và thử nghiệm (test). Dưới đây là một vài ưu điểm vượt trội của tư duy này:

Bước đầu tiên, đồng cảm, giúp sinh viên thấu hiểu sâu sắc nhu cầu của khách hàng hoặc cộng đồng mà họ hướng đến. Thay vì chỉ dựa trên giả định, sinh viên được khuyến khích lắng nghe, quan sát và trò chuyện với những người có liên quan, giúp họ không chỉ xác định chính xác vấn đề cần giải quyết mà còn nhận ra những cơ hội tiềm năng chưa được khai thác.

Ở bước xác định vấn đề, tư duy thiết kế hướng sinh viên tập trung vào việc định hình rõ ràng và chính xác vấn đề của kinh tế xã hội mà họ đang muốn giải quyết. Thay vì nhìn nhận vấn đề một cách tổng quát, sẽ có những công cụ giúp họ học cách phân tích, chia nhỏ và hiểu rõ các yếu tố cấu thành, từ đó đặt ra những câu hỏi cụ thể để dẫn đến giải pháp thực sự hiệu quả.

Hay khi bước vào giai đoạn phát triển ý tưởng, sinh viên được khuyến khích sáng tạo tự do, vượt qua những giới hạn truyền thống. Tư duy thiết kế tạo ra không gian cho sự động não, nơi mà mọi ý tưởng đều được chào đón và đánh giá. Nhờ đó, sinh viên không ngần ngại thử nghiệm những ý tưởng táo bạo, khác biệt. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc mọi ý tưởng “điên rồ” đều được chấp nhận mà phải sàng lọc bởi những giai đoạn tiếp theo.

tu-duy-thiet-ke-dinh-hinh-mot-truong-dai-hoc-khoi-nghiep2.jpg
Giải quyết bài toán khó bằng quy trình 5 bước của tư duy thiết kế

Bước xây dựng nguyên mẫu cho phép sinh viên chuyển hóa ý tưởng từ lý thuyết sang thực tiễn. Những sản phẩm mẫu ban đầu có thể rất đơn giản, nhưng chúng mang lại cơ hội để thử nghiệm và học hỏi từ phản hồi thực tế. Quy trình này giúp các nhóm dự án hiểu rằng sai lầm không phải là thất bại, mà là một phần tất yếu của sự phát triển và hoàn thiện. Nói cách khác, đôi lúc, tư duy thiết kế cũng giúp họ biết thất bại sớm hơn, để… bớt “đau lòng” sớm hơn!

Cuối cùng, ở bước thử nghiệm, sinh viên tiếp tục tinh chỉnh sản phẩm hoặc dịch vụ dựa trên phản hồi từ khách hàng thực tế. Tư duy thiết kế nhấn mạnh tính linh hoạt và khả năng thích nghi, giúp sinh viên không ngừng cải tiến để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường.

(*) Sáng lập Cộng đồng Tư duy thiết kế, TECHFEST Việt Nam

Khánh Hưng ghi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tư duy thiết kế định hình một trường đại học khởi nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO