Đại học khởi nghiệp phải gắn với phát triển kinh tế số
Kinh tế số không chỉ là một xu hướng mà là sức mạnh đang thay đổi toàn diện mọi mặt của cuộc sống. Một mô hình mới, “đột phá” như đại học khởi nghiệp cũng không thể tách rời xu hướng phát triển của kinh tế số…
Kinh tế số đã thay đổi toàn diện cách thức mà các doanh nghiệp khởi nghiệp vận hành. Trước đây, các doanh nghiệp khởi nghiệp thường tập trung vào các mô hình kinh doanh truyền thống, như sản xuất hoặc dịch vụ trực tiếp, dựa vào nguồn lực vật chất và địa lý nhất định. Tuy nhiên, với sự bùng nổ của kinh tế số, các doanh nghiệp giờ đây có thể tiếp cận thị trường toàn cầu, sử dụng công nghệ để tối ưu hóa quy trình và tạo ra giá trị gia tăng mới dựa trên nền tảng kỹ thuật số.
Trong bối cảnh đó, vai trò của các trường đại học là rất quan trọng, gắn liền với sự phát triển của xu hướng “kinh tế số”. Ngoài việc là “cái nôi” đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ cho sự phát triển của kinh tế số, các trường còn đóng vai trò là trung tâm của sự đổi mới và phát triển công nghệ, thúc đẩy việc nghiên cứu những công nghệ tiên tiến, từ đó góp phần giải quyết các vấn đề thực tiễn của nền kinh tế số.
Tuy nhiên, để đáp ứng những thay đổi của nền kinh tế số, các trường đại học truyền thống cần phải chuyển đổi mạnh mẽ. Mô hình đại học khởi nghiệp là ý tưởng mới, mang tính đột phá cho mục tiêu tạo ra nhiều nhất các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đáp ứng sự phát triển của nền kinh tế số.
Ứng dụng những thành quả từ kinh tế số
Với một mô hình đột phá như đại học khởi nghiệp, các trường có thể ứng dụng kinh tế số để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp trong các hoạt động của mình. Cụ thể:
- Hỗ trợ các dự án khởi nghiệp dựa trên dữ liệu: Việc sử dụng các công cụ phân tích dữ liệu lớn (Big Data) giúp các trường đại học khởi nghiệp cung cấp thông tin thị trường, phân tích hành vi người tiêu dùng và dự đoán xu hướng phát triển kinh doanh, giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể ra quyết định dựa trên dữ liệu thực tiễn thay vì dựa vào cảm tính.
- Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp kết nối toàn cầu: Các trường đại học hướng tới mô hình đại học khởi nghiệp có thể sử dụng các nền tảng công nghệ để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp liên kết toàn cầu, cho phép sinh viên và giảng viên kết nối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp và các trường đại học khác trên toàn thế giới. Ví dụ, các chương trình hợp tác quốc tế của Đại học Quốc gia Singapore (NUS) đã giúp sinh viên tiếp cận với các nguồn vốn đầu tư mạo hiểm và công nghệ tiên tiến từ Silicon Valley.
- Tăng cường thương mại hóa kết quả nghiên cứu: Một trong những nhiệm vụ quan trọng của các trường đại học khởi nghiệp là thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học. Kinh tế số giúp thúc đẩy quá trình này thông qua các nền tảng số hóa, cho phép các nhóm nghiên cứu dễ dàng chuyển đổi các sáng chế thành sản phẩm thương mại. Trường MIT là nơi mà hơn 400 bằng sáng chế đã được thương mại hóa, tạo ra hàng ngàn việc làm và doanh thu hàng tỷ đô la.
Đi cùng xu hướng tài sản số
Trong nền kinh tế số, khái niệm tài sản số mới mẻ và là yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế số và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tài sản số có thể bao gồm các bằng sáng chế, quyền sở hữu trí tuệ, dữ liệu nghiên cứu, phần mềm, và các sản phẩm kỹ thuật số khác được phát triển trong môi trường học thuật. Các trường đại học không thể tách mình khỏi xu hướng phát triển của loại tài sản mới này. Thậm chí, với một mô hình đột phá như đại học khởi nghiệp, cần tiên phong triển khai tài sản số trong các hoạt động của mình.
Các trường đại học khởi nghiệp có thể hỗ trợ sinh viên phát triển tài sản số thông qua việc hỗ trợ pháp lý về quyền sở hữu trí tuệ, giúp sinh viên và giảng viên đăng ký bằng sáng chế, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và đảm bảo rằng các phát minh của họ không bị sao chép hoặc khai thác trái phép; Xây dựng nền tảng kỹ thuật số cho việc lưu trữ và quản lý tài sản số, tạo ra các hệ thống quản lý tài sản số (Digital Asset Management - DAM) để lưu trữ và quản lý các tài sản trí tuệ của sinh viên và giảng viên, tạo ra một cơ sở dữ liệu tập trung, dễ dàng quản lý và theo dõi quá trình thương mại hóa các sáng tạo của sinh viên…
Đặc biệt, một cách thức vận hành điển hình mà các trường đại học có thể sớm triển khai, đó là đưa các ý tưởng khởi nghiệp thành tài sản số. Khi ý tưởng khởi nghiệp được số hóa, nó không chỉ tồn tại dưới dạng một dự án hay kế hoạch trên giấy, mà trở thành một sản phẩm số có giá trị thực tế, có thể đo lường và trao đổi trong nền kinh tế số. Tiếp theo, các nhà đầu tư “hứng thú” có thể rót vốn mọi lúc, ở mọi nơi, với tỷ lệ đầu tư tuỳ thích. Tất nhiên, họ cũng có thể dễ dàng đánh giá, theo dõi sự phát triển của các dự án và đảm bảo quyền lợi của mình khi đầu tư.
Việc này tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp và đầu tư khởi nghiệp linh hoạt, sáng tạo. Nhà đầu tư thì dễ dàng tìm kiếm cơ hội kinh doanh, đầu tư sinh lời. Mặt khác, các nhóm dự án khởi nghiệp dễ dàng tiếp cận các nền tảng huy động vốn cộng đồng, nơi các ý tưởng có thể thu hút sự chú ý của đông đảo nhà đầu tư tiềm năng, gỡ điểm nghẽn lớn trong câu chuyện khởi nghiệp: Thiếu nguồn vốn!
(*) Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam
Khánh Hưng ghi
Tài sản số có thể bao gồm các bằng sáng chế, quyền sở hữu trí tuệ, dữ liệu nghiên cứu, phần mềm, và các sản phẩm kỹ thuật số khác được phát triển trong môi trường học thuật.