Moody’s hạ tín nhiệm Mỹ: “Quả bom nợ” và những phản ứng từ thị trường
Quyết định hạ bậc tín nhiệm quốc gia của Mỹ do Moody’s công bố ngày 17/5 đã khiến giới đầu tư toàn cầu cảnh giác cao độ. Trong bối cảnh nợ công của Mỹ chạm ngưỡng 36.000 tỷ USD và các biện pháp tài khóa thiếu bền vững, thị trường trái phiếu đang gửi tín hiệu cảnh báo về một cuộc khủng hoảng niềm tin nếu Washington không sớm có cam kết rõ ràng về kỷ luật ngân sách.
Moody’s là hãng xếp hạng tín nhiệm cuối cùng trong nhóm “Big Three” đưa ra quyết định hạ bậc Mỹ, sau Fitch vào năm 2023 và Standard & Poor’s vào năm 2011.
Theo đánh giá, nợ công đã gia tăng đến mức đáng lo ngại và không có dấu hiệu được kiểm soát trong trung hạn. Với tổng nợ vượt 36.000 tỷ USD, tương đương hơn 120% GDP danh nghĩa, Mỹ đang đứng trước rủi ro mất dần uy tín tài chính nếu thiếu đi một chiến lược tài khóa thực chất.
.jpeg)
Tình hình càng trở nên căng thẳng khi Quốc hội Mỹ đang tranh luận về một dự luật chi tiêu quy mô lớn mang tên Big Beautiful Bill. Đảng Cộng hòa, lực lượng kiểm soát cả Hạ viện và Thượng viện, đang thúc đẩy các điều khoản bao gồm cắt giảm thuế, tăng chi tiêu quốc phòng và hạn chế chương trình an sinh xã hội.
Tuy nhiên, dự luật đã không vượt qua một bước bỏ phiếu quan trọng tại Thượng viện cuối tuần qua, bất chấp sự vận động quyết liệt từ Tổng thống Donald Trump.
Các nhà phân tích tài chính lo ngại rằng chi phí đi vay tại Mỹ sẽ tăng vọt trong thời gian tới. Spencer Hakimian, nhà sáng lập Tolou Capital Management nhận định việc bị hạ tín nhiệm sẽ gây áp lực lớn lên chi phí vay nợ không chỉ của Chính phủ mà còn cả khu vực tư nhân. Tuy nhiên, một số ý kiến khác cho rằng phản ứng kỹ thuật từ thị trường sẽ ở mức hạn chế, do phần lớn các quỹ đầu tư đã có sự chuẩn bị từ sau lần hạ tín nhiệm năm 2011.
Trong bối cảnh đó, giới phân tích cảnh báo rủi ro lớn nhất không nằm ở việc mất điểm tín nhiệm, mà là ở nguy cơ Quốc hội buông lỏng kỷ luật ngân sách. Scott Clemons, chiến lược gia đầu tư tại Brown Brothers Harriman nhận định một dự luật chi tiêu không kiểm soát có thể khiến nhà đầu tư rút lui khỏi trái phiếu dài hạn, gia tăng áp lực lên lợi suất và tỷ lệ lạm phát.
Theo tính toán của Ủy ban Ngân sách Liên bang Có trách nhiệm, nếu toàn bộ các điều khoản trong dự luật được thông qua và gia hạn, nợ công của Mỹ có thể phình to thêm hơn 5.000 tỷ USD vào năm 2034.
Moody’s cho rằng các chính quyền liên tiếp của Mỹ đã không thể đảo ngược xu hướng tăng thâm hụt ngân sách. Cơ quan này cũng bày tỏ nghi ngờ rằng những đề xuất tài khóa hiện tại sẽ không thể cải thiện một cách đáng kể tình trạng mất cân đối tài chính.
Diễn biến này đã phản ánh rõ nét trên thị trường trái phiếu, với phần bù rủi ro kỳ hạn 10 năm (thước đo mức độ lo ngại tài khóa) đang tăng lên đáng kể. Điều này cho thấy giới đầu tư đang đòi hỏi lợi suất cao hơn để chấp nhận nắm giữ các công cụ nợ dài hạn của Chính phủ Mỹ.
Lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm hiện đang ở mức 4,44%, thấp hơn khoảng 17 điểm cơ bản so với đầu năm nhưng có xu hướng tăng nhanh nếu thâm hụt tiếp tục mở rộng. Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent cảnh báo rằng nếu không có những điều chỉnh kịp thời, áp lực thị trường sẽ gia tăng nhanh chóng trong mùa hè tới. Trong khi đó, các tín phiếu đáo hạn vào tháng 8 đã ghi nhận mức lợi suất cao hơn các kỳ hạn liền kề, một dấu hiệu rõ ràng cho thấy nhà đầu tư đang lo ngại về nguy cơ trần nợ không được nâng đúng hạn.
Chính phủ Mỹ đã chạm trần nợ từ tháng 1 và đang triển khai các biện pháp đặc biệt để duy trì thanh khoản. Bộ Tài chính cảnh báo “ngày X”, thời điểm mà ngân khố cạn kiệt và không thể tiếp tục thanh toán các nghĩa vụ tài chính có thể rơi vào tháng 8.
Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson bày tỏ mong muốn dự luật được thông qua trước kỳ nghỉ Lễ Chiến sĩ Trận vong (26/5), trong khi phía Bộ Tài chính muốn Quốc hội nâng trần nợ trước giữa tháng 7 để tránh khủng hoảng tín dụng.
Theo chuyên gia Michael Zezas của Morgan Stanley, bất kỳ thỏa hiệp tài khóa nào khả thi về mặt chính trị nhưng không thực chất về mặt ngân sách đều sẽ khiến tình hình thâm hụt xấu đi trong ngắn hạn mà không mang lại động lực rõ ràng cho tăng trưởng.
Đồng quan điểm, Giám đốc đầu tư tại Guggenheim Partners bà Anne Walsh cho rằng nếu Washington không có kế hoạch cụ thể và khả thi để tái cấu trúc chi tiêu, nền tài chính quốc gia sẽ đối mặt với những rủi ro hệ thống nghiêm trọng trong những năm tới.