Vượt qua con dốc cao ngất

BÍCH HỒNG| 07/07/2012 05:10

Cuộc khủng hoảng đang áp sát mọi chức phận!

Vượt qua con dốc cao ngất

Ngày 21/6, ngày mà nhà báo nhận được rất nhiều tin nhắn chúc mừng. Thú thực, thời điểm này nghe chúc tụng cũng không còn vui nữa, bởi lẽ mỗi buổi sáng giở tờ báo, thấy từ diễn đàn Quốc hội, quốc tế, đến các bài bình luận kinh tế toàn tin xấu, tin khó khăn. Cuộc khủng hoảng đang áp sát mọi chức phận!

Đọc E-paper


Chị gọi điện hẹn một bữa cà phê. Gặp nhau than chán chuyện làm ăn thời khủng hoảng, bỏ 50 tỷ đồng ra đã thấy trước thiệt hại phân nửa. Chán vì các dự án bất động sản chưa sinh đã chết!

Chị bảo, người Việt mình gặp tắc đường vẫn nhìn lên vỉa hè, kiếm cái hẻm mà lách đi, sợ gì chuyện khủng hoảng.

Chị là một cô gái xinh đẹp, khởi nghiệp kinh doanh hồi còn ngồi trên ghế một trường đại học danh tiếng ở Moscow. Ngoài hai lăm tuổi đã nức tiếng về những đường dây làm ăn buôn bán qua biên giới các nước; đánh hàng từ Việt Nam, Trung Quốc sang hầu hết các nước Đông Âu.

Trào lưu người Việt thành công ở nước ngoài về Việt Nam đầu tư kinh doanh kéo chị về khai phá những dự án bất động sản ở những vùng ven đô thị. Những dự án vài chục héc ta đất, rồi cao ốc, khách sạn và đất đẻ ra tiền hay tiền sẽ nuốt chửng đất. Chị ngước nhìn ra xung quanh, nhiều bạn đồng học từ Đông Âu về đã thành chủ tập đoàn bất động sản du lịch lớn.

Chị quay vào với những con số chạy dài từng ngày theo tiến độ dự án của tập đoàn mình sáng lập, nghe các cổ đông lớn bảo phải kêu gọi thêm một vài cổ đông mạnh thế, mạnh quyền để phát triển tập đoàn này thành một thương hiệu lớn hơn nữa.

Chinh phục những đỉnh cao vốn là một thuộc tính của doanh nhân. Nhưng hiện tại, chuyện gì đang xảy ra với chị, không vay được vốn ngân hàng, hay là mỏi mòn vì dự án ở xứ mình phải chờ giấy phép các loại đến 4 năm mới động thổ được.

Hay là buồn chán chuyện vợ chồng người Đông kẻ Tây, lúc ngả qua con dốc cuộc đời, mỗi lần gặp nhau lại hỏi: rút cuộc chúng mình bôn ba trong cái vòng xoáy này để đến bao giờ mới ở bên nhau trong một mái nhà?

Chị bảo chính cái ước mơ phát triển thành một tập đoàn lớn, mà ở thành phố lớn nào những dự án đó cũng phải mang dấu ấn kiến trúc của đô thị đang tấn công chị. Các cổ đông lớn trong công ty mơ về những quả đồi hoang biến thành thương hiệu du lịch quốc tế, muốn một tay che lấp Mặt trời, biến những cánh đồng thành khu đô thị sầm uất, bãi biển thành sân golf.

Đại loại thế! Tất nhiên chẳng ước suông đâu, mà những đàm phán đã bắt đầu, những chia rẽ hay hợp tác đã xuất hiện. Chỉ có chị, một tay quản lý từng dự án, chỉ có những ngày đi theo bước tiến của xe xúc, xe ủi giải tỏa, quyết toán đền bù đất đai mới thấm đẫm nỗi khắc khoải.

Chị bảo, kinh doanh làm sao nổi, khi nhìn vào mỗi dự án lại thấy hiện lên biết bao căn nhà tan nát, bao nhiêu tiếng khóc than. Tôi chất vấn: “Thế đền bù ra sao mà để họ tan nát?”. Chị thẳng thắn nhìn nhận: “Họ thỏa mãn làm sao được với cách đền bù. Đang nhà cửa, ruộng vườn xênh xang, đền bù được dăm ba trăm triệu đồng thì làm sao được nhà mới tử tế?”.

Bài toán của người nông dân với đất đai của họ thật giản đơn và hợp lẽ đời. Với vài sào vừa ruộng vừa đất vườn, các lão nông buổi xế bóng có thể ung dung cắt ra chia phần cho bầy anh em bốn năm đứa bắt đầu lập nghiệp, làm nhà ở. Còn chút vườn với nhà tổ tiên có chỗ để anh em lui về thăm cha mẹ, hoa lợi trong vườn đủ để cúng giỗ ông bà.

Tuổi già thảnh thơi trong cái không khí làng mạc thanh bình bỗng bị cày xới tung lên bởi những tính toán, rồi chới với vì bị giải tỏa treo bốn năm năm. Những người nông dân thấy số phận mình một ngày chợt mong manh khi nghe thông báo về quy hoạch đô thị đã lan đến mảnh vườn nhà tổ tiên để lại.

Họ sống nhiều năm trời trong thấp thỏm lo âu trước cái bảng giá đền bù vô tình mỗi mét đất là mấy chục nghìn đồng rẻ rúng. Họ hoảng hốt vì cái tương lai phải sống trong căn nhà đô thị mà ngoảnh trước sau không biết làm nghề gì kiếm đồng ra đồng vào. Họ sợ bầy con lộc ngộc mới lớn không kiếm nổi mảnh đất cắm dùi trên cái bảng quy hoạch hào nhoáng mới xuất hiện đầu làng, vô công rỗi nghề có thể sẽ khiến chúng nhúng tay vào tội ác.

Tham gia vào tất cả câu chuyện ấy, chị đã để cho một nỗi sợ hãi mơ hồ xâm chiếm mình, mất mát quá nhiều tâm huyết. Đã nhiều lần chị mệt mỏi đóng vai nhà thương thuyết đến gặp những cụ già đưa thêm những phong bao cả trăm triệu hỗ trợ những mong các cụ đồng ý rời khỏi căn nhà cũ để dự án khởi động.

Các cụ không nhận tiền, và không muốn rời căn nhà cũ! Bước ra khỏi những ngôi nhà nông dân ấy, chị mang theo nỗi đau của họ trong lòng, những gian truân của thị trường với kẻ bán người mua tranh cướp vẫn không nặng nề bằng phải chứng kiến nỗi đau nhân tình thế thái. Chị biết mình khó giữ được cân bằng trong tâm, một sự cân bằng cần thiết để nuôi dưỡng cảm hứng kinh doanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vượt qua con dốc cao ngất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO