Tai hại vì “đẳng cấp”

KHẢI LY| 15/06/2012 03:48

Làm cha mẹ ai cũng mong mỏi đứa con trưởng thành với tính cách mạnh mẽ để vào đời, nếu có thành tựu trong học tập thì càng trọn vẹn.

Tai hại vì “đẳng cấp”

Làm cha mẹ ai cũng mong mỏi đứa con trưởng thành với tính cách mạnh mẽ để vào đời, nếu có thành tựu trong học tập thì càng trọn vẹn.

Đọc E-paper

Hầu hết các gia đình giàu hay khó khăn, người làm cha mẹ cũng đều âm thầm hoạch định lộ trình giáo dục hoặc phát triển tương lai cho con. Thế nhưng, mỗi gia đình lại là một câu chuyện có hồi kết khác nhau.

Có một cô bé con chỉ đứng xem cô chị tập đàn mà ham thích rồi bộc lộ năng khiếu hơn hẳn chị, được Nhạc viện Hà Nội chọn đi biểu diễn giao lưu âm nhạc thiếu nhi ở Hàn Quốc. Bố mẹ liền mua một cây đàn mấy chục triệu đồng và mời giáo viên đến kèm con gái.

Cô bé 5 tuổi luôn nghe người lớn nói rằng: “Mỗi buổi tập đàn bố mẹ phải trả 300 nghìn đồng, con phải học cho đáng tiền!”. Kể từ sau chuyến đi nước ngoài đầu đời, cô bé càng bị áp lực mạnh hơn trong phát triển tài năng, bố mẹ không tiếc tiền đầu tư học tập để tìm kiếm cho cô bé cơ hội đạt những đỉnh cao mới.

Những năm tiếp theo cô bé được nuôi dưỡng trong bầu không khí chờ đợi “đỉnh cao”, chơi nghịch cũng không dám vì sợ hỏng tay, lúc nào cũng phải luyện đàn để bước vào những cuộc “thi đấu”. Với bạn bè tiểu học, cô bé bảo các bạn không thể có tài vì chúng bạn không có nhiều tài và nhiều tiền.

May mắn thay, cô bé gặp một giáo viên là nhạc sĩ nhiều năm học ở nước ngoài về, nhận thấy lộ trình phát triển tài năng âm nhạc của cô bé này có nhiều vấn đề và đã tư vấn với các phụ huynh. Cô bé được giải thoát áp lực tìm đỉnh cao và đã có biến đổi hồn nhiên hơn với lứa tuổi.

Các bậc phụ huynh ai cũng mong muốn hãnh diện khoe với bạn bè rằng, con tôi đi du học nước ngoài đạt được những thành tựu này kia trong học tập, đã được nhận vào các tập đoàn đa quốc gia, đã trở thành CEO nổi tiếng trong các công ty lớn. Với những khối tài sản khổng lồ một đời tích cóp trong làm ăn, ai cũng mong có lớp trẻ thừa kế xứng đáng không chỉ duy trì sản nghiệp, thương hiệu công ty, người châu Á còn coi chuyện con cái thành đạt hay không là một nửa danh dự của cuộc đời làm người.

Không một ai muốn mình ở vị thế phải gọi điện cho các VIP nhờ bảo lãnh cho con ra khỏi đồn công an vì đua xe tốc độ, vì xài thuốc lắc, hay quậy phá nơi công cộng và muôn vàn những “trở chứng” của các cô chiêu, cậu ấm! Nhưng hằng ngày trên đường phố, ta vẫn thấy rất nhiều những thanh thiếu niên vi phạm Luật Giao thông, cứ bị cảnh sát tuýt còi là lập tức rút điện thoại nhờ người cứu.

Khi xong chuyện hầu hết họ đều có thái độ vênh váo kiểu tự hào con ông cháu cha, đến cảnh sát cũng không làm gì được. Phong trào thanh niên Hà Nội cứ bị “tuýt còi” là xưng danh “cháu tướng Nhanh” (Giám đốc Công an Hà Nội) xuất phát từ sự không nghiêm túc của rất nhiều phụ huynh dung dưỡng nuôi con trong bầu không khí của quyền lực và đồng tiền, làm cho mới bước vào tuổi thành niên đã muốn thể hiện đẳng cắp “ngồi trên luật pháp” là vậy.

Làm cha mẹ ai cũng lo đầu tư tài năng cho con cái mà đôi lúc quên hẳn việc bồi dưỡng nhân cách, ý thức chấp hành pháp luật của công dân.

Tôi từng quen biết gia đình một cán bộ cấp tổng giám đốc tập đoàn kinh tế Nhà nước. Cậu quý tử trong nhà giao hoàn toàn cho người mẹ giáo dục. Cậu bé không được hưởng chút nuông chiều nào. Buổi sáng vào lớp, khi các cậu ấm ngồi bàn bên cạnh có mẹ năn nỉ đút cho ăn, thì cậu bé này phải tự chọn món mình muốn.

Sau đó, nếu cậu bỏ dở món vì không hợp khẩu vị hoặc vì nhõng nhẽo, người mẹ sẽ gói thức ăn mang về và cậu vào lớp với cái bụng rỗng. Tất cả các việc sinh hoạt cá nhân cậu được dạy phải tự lập. Học lớp 8, cậu đã biết làm thiệp mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam và đứng bán ở trước cổng trường học không xấu hổ chuyện con nhà giàu bán thiệp.

Hết lớp 11, cậu bắt đầu ra nước ngoài đi học một mình, và cha mẹ của cậu hoàn toàn yên tâm về đứa con trai có thể thích nghi ngay với cuộc sống tự lập xa gia đình. Khi học đại học năm thứ ba, cậu cùng bạn đồng khóa thành lập một tổ chức phi chính phủ tại Mỹ nhằm giúp đỡ sinh viên Việt Nam có mong muốn đi du học. Ước mơ của cậu là tiếp tục lấy bằng thạc sĩ kinh tế tại Đại học Harvard bằng học bổng chứ không phải bằng tiền của gia đình.

Chúng ta chẳng thiếu bài học các tỷ phú thế giới dạy con cách đối mặt với quyền lực và đồng tiền thường xuyên vây bọc cuộc sống của các cậu ấm cô chiêu. Các nhà tâm lý học thường nhắc nhở: “đẳng cấp” là một từ tai tại với giáo dục trẻ em trong mỗi gia đình!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tai hại vì “đẳng cấp”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO