Dâu phố, dâu quê!

HỒNG BÍCH| 10/01/2014 08:50

Hôm qua ra đảo Lý Sơn, gặp đám cưới miền biển. Lý Sơn nhiều đám cưới lúc cận Tết, vì mùa này biển động, trời lạnh, thuyền ít ra khơi, nên các đám cưới diễn ra đông đủ bà con, bạn bè.

Dâu phố, dâu quê!

Hôm qua ra đảo Lý Sơn, gặp đám cưới miền biển. Lý Sơn nhiều đám cưới lúc cận Tết, vì mùa này biển động, trời lạnh, thuyền ít ra khơi, nên các đám cưới diễn ra đông đủ bà con, bạn bè.

Đọc E-paper

Đám cưới với các tục lệ cũ xưa sao, nay vậy. Cả họ hàng hai bên, cả làng xã, bà con gói gọn trong mười lăm mâm là vừa đẹp. Càng ngạc nhiên khi nghe thân phận chú rể tuy người gốc đảo Lý Sơn nhưng đã đi Sài Gòn học hành, làm ăn đến 10 năm, lại quay về đảo lấy vợ. Một bà trong họ giải thích, cha mẹ nó muốn con trai về lấy vợ quê cho chắc chắn.

Chắc chắn cái gì vậy? Hỏi loanh quanh một hồi thì ra các bậc cha mẹ ở quê vẫn cho rằng phẩm chất tốt nhất của người con gái nông thôn là đức tiết kiệm, nó sẽ đem lại nền móng bền vững cho hạnh phúc của một đời người. Ôi chao, các cô gái thành phố hãy nghe mà ngẫm nghĩ nhé.

Những nhà sản xuất hàng tiêu dùng cần phải dự một đám cưới ở quê, và nghe các bà, các cụ bàn tán để có định hướng sản xuất hàng đúng với phân khúc tiêu dùng của người nông thôn nhé.

Đến chọn vợ, một chuyện quan trọng của đời người, các cụ vẫn chỉ thích cái tiêu chuẩn ngàn đời truyền lại, nên dù chú rể sống ở thành phố đã lâu, đã kiếm được nhiều tiền, nhưng dẫn cô nào về mẹ cha cũng lắc đầu bàn ra, khi thấy quần áo, điện thoại của các cô cứ lóe sáng dưới nắng.

Các cụ phát hoảng khi so sánh điện thoại của nàng dâu thành phố bằng ba chuyến đi biển của ngư dân. Quần áo của các cô đẹp thật, cũng không đến mức phải hình dung đến tiền triệu, nhưng hóa ra là tiền triệu thật. Vì thế, các cuộc điện thoại ngày đêm với con trai lên thành phố sống vẫn cứ có một nội dung "con ơi, về lấy vợ quê!".

Con gái miền Trung tuy không có nhan sắc như con gái miền Tây hay con gái thành phố, nhưng các cô vẫn thắng cuộc trong nhiều gia đình có hoàn cảnh tương tự đám cưới này, nhờ các cô rất có giá trị vì cái đức tiết kiệm ăn sâu trong máu.

Các cô sẽ đem theo cái đức tính quý ấy ra phố, vững vàng trong vị trí người vợ để kề vai sát cánh cùng người chồng chiến đấu với cuộc sống hối hả làm ăn khó khăn nơi thành thị.

Muôn đời trong mắt các bà mẹ là chuyện dâu phố, dâu quê. Và đây là câu chuyện ở phố, nơi tôi có hai người bạn xuất thân từ hai nơi khác nhau. Một cô gái sinh ra trên nhung lụa và văn chương lãng mạn cổ điển phương Tây ở phố. Và một cô gái trưởng thành ở một thị trấn nhỏ ven quốc lộ dẫn về miền sông nước Kiên Giang.

Cô bạn gốc nông thôn đón tôi với nhà cửa sạch tươm. Bưởi vừa đem dưới quê lên, được gọt sẵn, bày biện đẹp trên đĩa. Mấy đứa nhỏ mách: "Có chị đến thăm, chị em đã "hét" tụi em phải lo dọn nhà cửa để đón khách đó”. Ở với cô ấy hai ngày vô cùng dễ chịu.

Những cô bé ở quê lên thành phố học hồn nhiên, không kiểu cách, nó cho ta cảm giác mát lành như uống nước tinh khiết. Biết tôi định chuyển sang thăm cô bạn "nhung lụa thành phố” theo lời hẹn, cô thứ nhất quyết liệt can ngăn: "Trời ơi, chị không thể ở đó đâu, khó chịu lắm". "Khó chịu sao".

"Nhà rất bẩn này, bấm chuông đến mấy lần không biết có mở cửa được chưa. Rồi có khi còn vừa nằm trên giường, vừa nói chuyện với chị đó!" .Tôi nghe cũng "mất hứng", đổi ý, chờ còn một buổi đến giờ ra sân bay mới đến bấm chuông nhà bạn.

Nhà cô bạn mới xây năm trước, nên cô ấy vừa pha cà phê, vừa dẫn tôi tham quan vòng vòng. Bàn nước cắm mấy cành phong lan cát tiên nhỏ xíu, đỏ thẫm đẹp tuyệt. Tôi hài lòng, tha cho cái tội tìm mãi mới lôi được bình siêu tốc ra để nấu nước sôi. Chúng tôi ngồi uống cà phê bên cái cửa sổ tuyệt đẹp, một dây leo bò mơn man phía ngoài.

Trên bệ cửa, một lớp dày lá khô vàng nâu vô tình kẹt vào và nằm đó chắc đã lâu mà chủ nhân không định quét dọn. Bên cạnh, mấy đôi giày thể thao để lộn xộn. Liếc mắt vào nhà tắm, ôi thôi, nào là son, phấn, kem dưỡng da dùng dở dang, hoặc đã hết, hoặc mới nguyên chưa bóc tem, chúng nằm vây quanh cái bồn tắm có thiết kế đẹp.

Tôi nhìn thế giới của cô bạn, nhìn khung cửa sổ lá khô không quét, nhìn những thỏi son đã hết không vứt đi và những mấy đôi giày thể thao các loại. Cô ấy sẽ bị các bà mẹ chồng của đảo Lý Sơn, hay các bà mẹ sống ở nông thôn loại từ vòng đầu. Cô ấy từng làm dâu nhà thành phố, nhưng cũng không xong.

Xa cô ấy đã mấy năm, nhưng tôi còn nhớ mùi cà phê ấm áp và câu chuyện thú vị trong không gian của cô ấy. Tất cả, những dở dang, vương vãi kia, vô tình hay cố ý vẫn mang lại chút gì đó thật ấm áp, sự bừa bộn có tiết chế nó đem lại cuộc sống tuy có khác thường, nhưng xua tan cảnh cô đơn của một phụ nữ dang dở.

Ở nhà tôi, một cuốn sách đọc dở cũng phải cất lại vào tủ, không được để lung tung trên giường hay trên bàn làm việc. Những đồ cũ bị thải loại với lý thuyết không để gia đình biến thành tiệm tạp hóa.

Cần phải biết tiết chế mọi thứ. Nghĩa là phải biết tiết kiệm, kể cả tiết kiệm cảm xúc, để giữ được cái nề nếp của một gia đình. Ngôi nhà ngăn nắp, dễ chịu lâu dài đó, nhưng nó không thu hút, không ấn tượng. Giống như một người vợ, là hậu phương vững chắc, nhưng không thể mãi hấp dẫn! Cuộc sống nó vẫn vậy, nên không buồn!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Dâu phố, dâu quê!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO