Phạm luật hay bội tín?

LỮ Ý NHI| 08/05/2012 00:22

Vụ kiện cáo lùm xùm của Tập đoàn Hoa Sen đã đẩy tranh chấp về nhân sự cấp cao trong các công ty lên đỉnh điểm. Thực chất, những cá nhân rời công ty cũ sang công ty đối thủ đã phạm luật hay đạo đức kinh doanh?

Phạm luật hay bội tín?

Vụ kiện cáo lùm xùm của Tập đoàn Hoa Sen (HSG) đã đẩy tranh chấp về nhân sự cấp cao trong các công ty lên đỉnh điểm. Thực chất, những cá nhân rời công ty cũ sang công ty đối thủ đã phạm luật hay đạo đức kinh doanh?

Đọc E-paper

Giới kinh doanh chưa quên câu chuyện ông Trần Bảo Minh, sau khi thôi chức Phó tổng giám đốc của Công ty Vinamilk, đã về đầu quân cho TH True Milk. Khi đó, dư luận đã khá khắt khe và đặt vấn đề “đạo đức kinh doanh” với vị CEO nổi tiếng này vì ông đã chuyển sang một công ty tạm coi là đối thủ của công ty cũ, và còn kéo theo cả đội ngũ quản lý cao cấp.

Kể câu chuyện tương tự, ông Chung Văn Đạt, Giám đốc Công ty TM-DV Tân Châu, cho biết, Tân Châu từng khốn đốn khi Phó tổng giám đốc đột ngột nghỉ việc và lập công ty riêng kinh doanh cùng lĩnh vực với Tân Châu. Vị phó này không chỉ lôi kéo nhiều khách hàng, đơn hàng, mà còn kéo theo cả đội ngũ nhân sự là trưởng, phó các phòng, ban cùng các nhân viên giỏi của Tân Châu.

Rùm beng hơn cả là mới đây, Tập đoàn Hoa Sen (HSG) công bố sẽ khởi kiện ông Phạm Văn Trung, nguyên Tổng giám đốc của HSG. Vụ việc diễn ra khi ông Trung chuyển sang làm Tổng giám đốc của Công ty CP Thép Nam Kim - NKG.

Theo yêu cầu của HSG, ông Trung phải bồi thường thiệt hại 26 tỷ đồng liên quan đến các hợp đồng mua hàng; hoàn trả những khoản tiền tạm ứng và tiền nợ mua hàng... HSG cũng đề nghị Nam Kim chấm dứt sử dụng lao động đối với ông Trung và các cán bộ quản lý khác đã từng làm việc tại HSG.

Theo lập luận của HSG, trước khi nhận chức Tổng giám đốc, ông Phạm Văn Trung có ký cam kết về chế độ trách nhiệm của cán bộ quản lý đối với HSG.

Theo cam kết trên, ông Trần Ngọc Chu, Phó chủ tịch HĐQT HSG, cho rằng: “Việc ông Phạm Văn Trung hợp tác làm việc với NKG với chức danh Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc sau khi tự ý thôi việc tại HSG mới chỉ 7 tháng là vi phạm cam kết. Về phía NKG, nếu HSG đã thông báo ông Trung và các cán bộ quản lý có ký cam kết trách nhiệm với HSG mà NKG vẫn tiếp nhận những người này làm việc thì HSG xem như NKG có chủ trương thông đồng, cấu kết với các cá nhân trên để cạnh tranh không lành mạnh với HSG...”.

Tuy nhiên, ông Trung cũng đưa ra những lý lẽ kiện lại HSG vì cho rằng, HSG bôi xấu danh dự và khẳng định mình có quyền đi làm chỗ khác vì HSG không trợ cấp trong thời gian nghỉ việc.

Về vụ việc này, luật sư Trần Kim Ngân, Văn phòng Luật sư Nghiêm & Chính, lập luận: “Không có bất kỳ nội dung nào cấm ông Trung không được phép làm việc với tư cách là người lao động cho công ty đối thủ cạnh tranh. Hơn nữa, một trong những nguyên tắc của Luật Lao động Việt Nam là người lao động có quyền tự do lựa chọn và tìm kiếm việc làm, và có quyền làm việc cho bất kỳ người sử dụng lao động nào và ở bất kỳ nơi nào mà pháp luật không cấm. Do đó, về mặt pháp lý, ông Trung không vi phạm cam kết chế độ trách nhiệm nêu trên”.

Tuy nhiên, dù lý lẽ thế nào thì với việc ông Trung không tôn trọng cam kết với công ty cũ, khiến không ít người phải đặt vấn đề về hành vi bội tín trong kinh doanh.

Một nhân sự cấp cao nghỉ việc tại một công ty công nghệ của Mỹ tại Việt Nam cho biết: “Tôi phải chuyển sang công ty kinh doanh thực phẩm vì những cam kết với công ty cũ có hiệu lực trong 3 năm sau khi xin nghỉ việc. Tại các công ty nước ngoài, chuyện cấm các nhân viên của mình làm việc hoặc cộng tác với các đối thủ cạnh tranh được coi là hoàn toàn bình thường. Điều khoản này, thoạt nghe thì có vẻ vô lý, nhưng thật ra cũng chỉ là một điều khoản chung của nhiều công ty. Các công ty này đã bỏ tiền để đào tạo, huấn luyện nhân viên của mình với mục đích họ sẽ là những thành viên trung thành nhất, nhiệt huyết nhất. Nhưng chuyện chảy máu chất xám là điều không tránh khỏi, việc nhảy từ chỗ làm này sang chỗ làm khác, đặc biệt là nhảy sang làm cho các đối thủ cạnh tranh, dẫn đến nhiều thiệt hại cho các ông chủ, dù những thiệt hại đó là vô hình và khó định giá được”.

Ông Lý Trường Chiến, Chuyên gia tư vấn tái câu trúc và quản trị chiến lược, Chủ tịch Tri Tri Group, cũng cho rằng: “Việc quy định và luật hóa về đạo đức kinh doanh, bảo mật, không làm với đối thủ cạnh tranh ít nhất vài năm với các vị trí quản lý cấp cao là việc cần thiết, phải được chú ý xây dựng thành nguyên tắc đạo đức kinh doanh và thể chế hóa ở các doanh nghiệp và cả tầm quốc gia. Có thể tham khảo các nước phát triển về kinh tế thị trường, cũng như các công ty đa quốc gia vì việc này đã được thể hiện ngay từ khi bắt đầu và có cơ sở để áp dụng luật”.

Theo ông Chiến, từ vụ việc của HSG, các công ty có thể xem đây là bài học về công tác quản trị, từ quản trị tổng quát đến quản trị nhân sự, quản trị quan hệ truyền thông cũng như có chiến lược và kế hoạch để hành động tốt hơn, tránh việc truyền thông thụ động và cảm tính, trở nên mất kiểm soát dẫn đến bất lợi.

“Về phía các CEO, dù với bất cứ lý do gì, việc vi phạm cam kết đã ký để về đầu quân, nhất là giữ vị trí điều hành, cho một công ty cùng lĩnh vực với công ty mình đã làm hiện vẫn chưa có được sự thiện cảm của dư luận. Bởi suy cho cùng, đó là sự cạnh tranh không lành mạnh, thiếu đạo đức kinh doanh”, ông Chiến kết luận.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phạm luật hay bội tín?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO