Du học tại chỗ: Tiêu chí nào cho chất lượng?

LỮ Ý NHI| 22/09/2008 06:31

Du học tại chỗ đang là mô hình đào tạo khá phổ biến và thu hút sự quan tâm của nhiều phụ huynh, học sinh. Tuy nhiên, không ít người đang băn khoăn về chất lượng đào tạo cũng như phân vân không biết chọn trường nào khi hầu hết đều quảng cáo rằng có liên kết với các trường “danh tiếng” ở nước ngoài.

Du học tại chỗ: Tiêu chí nào cho chất lượng?

Du học tại chỗ đang là mô hình đào tạo khá phổ biến và thu hút sự quan tâm của nhiều phụ huynh, học sinh. Tuy nhiên, không ít người đang băn khoăn về chất lượng đào tạo cũng như phân vân không biết chọn trường nào khi hầu hết đều quảng cáo rằng có liên kết với các trường “danh tiếng” ở nước ngoài.

Sinh viên đang nghe giới thiệu một chương trình du học tại chỗ.

Không thể phủ nhận lợi thế lớn nhất của chương trình du học tại chỗ là giúp học sinh chọn được chương trình học theo ý muốn, được cấp bằng quốc tế nhưng không phải học xa nhà, nhất là học sinh bậc trung học phổ thông chưa đủ tuổi thành niên.

Với những học sinh vừa tốt nghiệp phổ thông, chưa đủ vốn tiếng Anh, điều kiện học tập sẽ thuận lợi hơn do có thầy cô trợ giảng giúp đỡ, có thời gian trau dồi dần vốn tiếng Anh phục vụ học tập mà không quá áp lực.

Đặc biệt, chi phí học tập, sinh hoạt phí giảm đáng kể so với du học tự túc.

Chẳng hạn, lấy bằng cử nhân của trường La Trobe (Úc) học tại Việt Nam, phí 3 năm là 7.000USD và MBA là 6.400USD, còn học tại La Trobe ở Úc phải gấp gần 3 lần. Đó là chưa kể tiền đi lại và chi phí sinh hoạt.Hoặc học ngành thương mại tại RMIT Việt Nam, mất khoảng 14.000USD cho toàn bộ các kỳ học. Trong khi đó, tiền học tại RMIT Melbourne (Úc) tốn trên 30.000USD.

Đối với học sinh bậc trung học phổ thông, chi phí học tập, sinh hoạt phí ở nước ngoài trung bình là 20.000USD/năm nhưng du học tại chỗ chỉ mất 10.000USD/năm. Du học tại chỗ, ngoài việc tiết kiệm được nhiều khoản phí khác như tiền vé máy bay, tiền ăn ở, sinh hoạt, học sinh không phải gặp khó khăn trong việc hòa nhập cộng đồng, giao lưu văn hóa, phong tục tập quán...

Song, chất lượng đào tạo của mô hình này vẫn còn nhiều hạn chế. Mặc dù, hầu hết các chương trình liên kết đào tạo du học tại chỗ đều khẳng định chương trình học ở trong nước và nước ngoài hoàn toàn như nhau, giáo trình giảng dạy đều là một, nhưng quá trình xét tuyển đầu vào của các trường này lại khá dễ dàng: Anh văn chỉ cần đạt yêu cầu, tốt nghiệp THPT, đạt điểm sàn kỳ thi đại học (có trường không yêu cầu điều kiện này), thậm chí nhiều học sinh vừa tốt nghiệp THPT, khả năng tiếng Anh không đáp ứng đủ việc học cũng được tuyển nhận, trong khi yêu cầu tất yếu của các chương trình du học tại chỗ là thông thạo tiếng Anh.

Tuy “khắc phục” bằng các chương trình dạy học dự bị tiếng Anh cho học sinh và hai năm đầu, sinh viên học bằng song ngữ (cùng một bài, ngày đầu sinh viên sẽ học bằng tiếng Anh, ngày sau sẽ được dạy lại bằng tiếng Việt) nhưng không ít sinh viên vẫn cảm thấy đuối. Chưa kể, vì học chương trình quốc tế, nên hầu hết học sinh bị “hổng” kiến thức vì không được học các môn về lịch sử, xã hội, lý luận chính trị (triết học, kinh tế chính trị Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lịch sử Đảng...).

Riêng bậc trung học phổ thông, mặc dù các trường quốc tế và song ngữ quốc tế cũng khẳng định học sinh sẽ được cấp bằng nước ngoài ngay tại Việt Nam nhưng chương trình đào tạo thế nào, bằng cấp do trường nào, nước nào cấp thì không nói rõ. Theo bà Tô Thu Thủy - CT HĐQT Trường THPT tư thục Nam Mỹ, muốn biết một chương trình du học tại chỗ có chất lượng thế nào thì phải căn cứ trên hai yếu tố chính: Một là chương trình đào tạo, hai là học xong, trường nào sẽ cấp bằng và trường đó có uy tín không”.

Thực tế, gần 80% các trường quốc tế, song ngữ tại Việt Nam đều không thực hiện được điều này bởi học sinh PTTH ở đa số trường quốc tế, trường song ngữ đều học theo chương trình của Bộ Giáo dục - Đào tạo Việt Nam và tăng cường thêm tiếng Anh, do đó sau khi học xong lớp 12, bằng tốt nghiệp sẽ do Bộ Giáo dục - Đào tạo Việt Nam cấp và bằng quốc tế (như quảng cáo) chỉ có khi học sinh hoàn thành tiếp hệ cao đẳng hai năm và một năm học nghề tại một trường ở nước ngoài.

Bà Thủy phân tích thêm: Ở Việt Nam, chương trình đào tạo đều do Bộ đưa ra và thống nhất giữa các trường, còn ở nước ngoài, bộ giáo dục chỉ đưa ra khung giảng dạy, qui định môn học, còn chương trình đào tạo, đề cương môn học, học sách nào, tác giả là ai là do các trường tự biên soạn, lựa chọn. Do đó, cần phải tìm hiểu kỹ chương trình các trường đưa ra trước khi theo học”.

Để tìm hiểu thông tin của các trường, theo ông Nguyễn Quốc Toàn, Giám đốc Công ty tư vấn giáo dục Equest, có thể lên mạng Internet để tìm kiếm. Ví dụ, nếu trường cấp bằng đến từ Mỹ thì hoàn toàn có thể kiểm tra thông tin qua hệ thống xếp hạng của USNews hoặc danh sách các trường đại học lớn.

Ngoài ra, cần tìm hiểu đội ngũ giáo viên trực tiếp giảng dạy ở trường. Nếu chương trình có đội ngũ giáo viên toàn thời gian, có tối thiểu bằng thạc sĩ trở lên tại những trường đại học lớn thì chất lượng chương trình có thể bảo đảm được phần nào. Nếu chương trình dựa quá nhiều vào đội ngũ giáo viên bán thời gian thì khó có thể giữ được chất lượng cao, ổn định lâu dài.

Bên cạnh đó, một việc rất quan trọng là tìm hiểu các tiêu chí tuyển sinh nhập học. Những chương trình tốt thường đòi hỏi điều kiện nhập học khá cao, như điểm TOEFL trên một mức nào đó (ví dụ 500 điểm thi giấy với học đại học, và 550 điểm thi giấy với bậc sau đại học), tốt nghiệp trung học với điểm trung bình khá trở lên.

Với chương trình cao học thì tối thiểu phải có kinh nghiệm làm việc một năm và điểm cũng phải trung bình khá trở lên. Một cách nữa để tìm hiểu chất lượng chương trình là hỏi chính những người đã đi du học nước ngoài ở nước mà trường đăng ký. Họ có thể đánh giá khá chính xác về hệ thống giáo dục của nước họ từng học, qua đó bạn có thể hỏi được thêm rất nhiều về chương trình mình sẽ học.

LỮ Ý NHI

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Du học tại chỗ: Tiêu chí nào cho chất lượng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO