Mang hải sản nước lạnh về vùng nhiệt đới

XUÂN LỘC/DNSGCT| 07/05/2017 06:51

Cuối năm 2016, sản phẩm tôm Bắc cực lần đầu tiên có mặt tại thị trường Việt Nam.

Mang hải sản nước lạnh về vùng nhiệt đới

Cuối năm 2016, sản phẩm tôm Bắc cực lần đầu tiên có mặt tại thị trường Việt Nam. Những con tôm có kích thước chỉ bằng ngón tay cái, đã được hấp chín vô trùng và cấp đông, được bán với giá 385.000 đồng một ký.

Đọc E-paper

Sau đó, một số sản phẩm hải sản xứ lạnh khác tiếp tục xuất hiện trên thị trường như: ốc Bulot Pháp, cá tuyết Na Uy… do anh Lê Thanh Nhàn - Giám đốc Công ty Lecon Seafoods đưa về Việt Nam.

Hải sản sạch không hẳn phải có giá “trên trời”

Những con tôm Bắc cực màu hồng có kích thước chỉ bằng con tôm thẻ Việt Nam đã cấp đông, được bày bán không thật bắt mắt. Nhưng những người từng ăn thử đều công nhận hương vị ngọt đậm tự nhiên của loại tôm nước lạnh này và không ít người quyết định mua về cho gia đình dùng.

“Tôm Bắc cực chúng tôi nhập về được đánh bắt từ vùng biển Greenland, phía nam Bắc Băng Dương. Do sống nhiều năm dưới lòng đại dương băng giá nên tôm rất sạch, thịt săn chắc và có vị ngọt đậm hơn so với các loại tôm nước ấm. Việc đánh bắt tôm trên vùng biển Greenland cũng không đơn giản. Vì nơi đây bị bao phủ bởi lớp băng vĩnh cửu rất dày, ngư dân phải trang bị những con tàu lớn và lưới sâu trên 1.000m mới có thể đánh bắt tôm đạt năng suất cao. Tôm vừa đánh bắt xong sẽ được rửa sạch, phân loại và hấp vô trùng ngay trên tàu, cấp đông chuyên sâu ở -40oC để giữ được hương vị và hàm lượng dinh dưỡng cao”, anh Thanh Nhàn cho biết.

Khi anh giới thiệu loại hải sản Bắc cực này ra thị trường, không ít khách hàng thắc mắc về giá cả của tôm Bắc cực, thậm chí có người nói chỉ có hàng Trung Quốc mới rẻ như vậy!

“Tôi nói rằng thực tế người Việt Nam chúng ta đang dùng hải sản với giá mắc, chứ tôm Bắc cực như thế là hợp lý. Không phải thực phẩm nào bán giá “trên trời” mới là sạch”.

Theo anh Lê Thanh Nhàn, hải sản Việt Nam thuộc hàng đắt nhất trên thế giới. Nếu nói rằng do chúng ta có nguồn hải sản ngon và đa dạng nên bán giá cao thì điều này chỉ đúng một phần. “Hiện nay, công nghệ đánh bắt thủy hải sản ở nước ta còn rất thô sơ nên lượng đánh bắt không nhiều. Hơn nữa, việc bảo quản chưa tốt nên hải sản bị giảm chất lượng và tỷ lệ thất thoát cao. Vì vậy mà người tiêu dùng phải mua hải sản với mức giá cao hơn giá trị sản phẩm nhiều. Người ở các nước vùng Bắc Âu có nguồn hải sản tươi ngon giá rẻ là nhờ công nghệ đánh bắt, chế biến và bảo quản ngay trên tàu rất tốt”, anh nói.

Hiện công ty anh đang bán sản phẩm ốc Bulot Pháp từ biển Normandie với giá 435.000đ một kg. Ốc Bulot Pháp có vị ngọt, thanh và đậm đà hơn ốc hương Việt Nam. Ngay sau khi đánh bắt, ốc Bulot được đưa vào “sốc nhiệt” trong bồn nước biển dưới 0oC, hấp chín trong môi trường vô trùng rồi được đông nhanh ở nhiệt độ -40oC. Quy trình như thế nhằm đảm bảo chất lượng và hương vị của ốc Bulot không thay đổi so với còn sống.

Ngoài ra, các sản phẩm cá tuyết Na Uy, vẹm xanh Chile, và sò điệp Hokkaido (Nhật)… cũng được anh Nhàn đưa về Việt Nam bán với giá “dễ chịu”.

Ngành nhiều tiềm năng chưa ai khai phá

Để đưa các sản phẩm hải sản nước lạnh trên vào thị trường Việt Nam, doanh nghiệp của anh Lê Thanh Nhàn mất khá nhiều thời gian để hoàn thành các thủ tục khá “dài dòng” từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đến Cục Thú y, Sở Y tế. Tuy nhiên, việc sử dụng các rào cản thương mại đối với hàng thủy sản của chính phủ để bảo hộ sản xuất trong nước là điều cần thiết. Ngay cả người tiêu dùng cũng rất quan tâm đến đời sống của ngư dân.

Trong một lần giới thiệu về tôm Bắc cực, có người nói với anh Nhàn: “Vì sao anh không bán hải sản trong nước cho ngư dân đỡ khổ mà lại nhập khẩu hải sản nước ngoài vào để tăng cạnh tranh?”.

Anh nói: “Là người làm trong ngành thủy hải sản hơn 20 năm nay, tôi rất thấu hiểu những khó khăn, vất vả của ngư dân. Nhưng cũng vì làm lâu năm trong ngành này nên tôi biết việc tìm hải sản sạch trên thị trường là điều không dễ. Chính vì vậy, hằng tháng công ty của tôi vẫn xuất khẩu từ vài chục đến vài trăm tấn hải sản Việt Nam ra nước ngoài. Đồng thời, tôi cũng chọn nhập hải sản từ những nước có mức an toàn vệ sinh thực phẩm cao để phục vụ một số lượng lớn người tiêu dùng. Tôi cũng là người tiêu dùng và tôi muốn gia đình, người thân của tôi được ăn hải sản sạch”.

Một khó khăn khi kinh doanh hải sản nước lạnh là phải tư vấn kỹ về cách sử dụng. Chẳng hạn như tôm Bắc cực đã được hấp chín trước khi bảo quản trong môi trường đông lạnh nên người dùng chỉ cần cho tôm ra đĩa trong vòng 5 phút là có thể thưởng thức ngay. Còn ốc Bulot Pháp thì chỉ hấp cách thủy để giữ nguyên hương vị của sản phẩm chứ không luộc trong nước ngọt, thêm nhiều gia vị sả, ớt như thói quen của người Việt Nam.

Để không “làm khó” người dùng, nhất là những người chưa từng sử dụng sản phẩm thì trong thời gian tới, anh sẽ đưa ra thị trường các mặt hàng hải sản nước lạnh chế biến sẵn. Người bận rộn có thể dùng ngay hoặc sử dụng lò vi sóng để làm nóng trong vài phút.

>>Hải sản tươi sống tại chợ cá nổi tiếng nhất Sydney

Ông chủ của Lecon Seafoods đánh giá rằng thị trường hải sản nước lạnh khá tiềm năng, vì nhu cầu về thực phẩm ngon và sạch tại Việt Nam rất lớn. Tuy mới vài tháng có mặt trên thị trường nhưng lượng tiêu thụ sản phẩm này rất đáng kể. Sản phẩm của công ty anh Nhàn cũng sẽ có mặt trong các siêu thị lớn như Coopmart, Aeon Mall… trong một, hai tháng tới.

Doanh nghiệp của anh là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam nhập khẩu hải sản nước lạnh nên con đường mà ông chủ trẻ này lựa chọn hầu như chưa có đối thủ. Anh Nhàn cho rằng đây là một lợi thế lớn nhưng cũng là thử thách. Vì việc thay đổi thói quen tiêu dùng của thị trường sẽ mất nhiều thời gian và chi phí.

Hy vọng rằng trong thời gian tới, sự xuất hiện của một vài doanh nghiệp tâm huyết với hải sản sạch nhập khẩu từ miền nước lạnh sẽ cùng anh xây dựng và mở rộng thị trường tiềm năng này, để người tiêu dùng trong nước có bữa ăn ngon và an tâm hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mang hải sản nước lạnh về vùng nhiệt đới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO