Foodtech cho hàng quán

Mỹ Huyền| 13/03/2023 07:00

Đầu năm, không ít nhà hàng và cơ sở kinh doanh dịch vụ phải thu hẹp chi nhánh để giảm chi phí trong khi sức mua còn yếu. Và vì thế, nhiều doanh nghiệp tìm đến công nghệ thực phẩm (foodtech) như một cách giúp cải thiện quá trình sản xuất, phân phối và cung cấp thực phẩm.

Foodtech cho hàng quán

Nguyễn Chí Anh Khoa - nhà sáng lập, CEO Expand Việt Nam đã “đặt dấu chấm” đối với dự án tích hợp trí tuệ nhân tạo vào camera mà anh “nuôi mãi không lớn”, lao vào mảng suất ăn công nghiệp đang phát triển bởi tác động của đại dịch Covid-19 và mô hình sản xuất “ba tại chỗ” vào năm 2020. 

Khoa chi mạnh tay mua dây chuyền nấu ăn công nghiệp từ EU có công suất 2.000 phần ăn mỗi tiếng đồng hồ, nhưng giúp cải thiện quá trình sản xuất, phân phối và cung cấp thực phẩm đến nay mới chỉ nhận được hai máy. 300.000 USD đầu tư của anh phần lớn vẫn còn lênh đênh ở xứ người. Và rồi TP.HCM chấm dứt giãn cách, nhu cầu về suất ăn công nghiệp cũng giảm dần.

F&B (dịch vụ nhà hàng và quầy uống) vẫn tiếp tục tăng trưởng, quy mô doanh thu toàn ngành 2022 đạt gần 610.000 tỷ đồng, tăng 39% so với năm 2021, theo báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực của iPOS, VIRAC. Doanh thu từ nhà hàng dịch vụ trọn gói chiếm 27,8% thị phần và nhà hàng có dịch vụ giới hạn chiếm 23,06%. Doanh thu thị trường ăn ngoài tại Việt Nam năm 2022 đạt 333.690 tỷ đồng.

Bên cạnh những con số ấn tượng ấy, lĩnh vực F&B vẫn phải đối mặt với những khó khăn trong chuỗi cung ứng, theo nhà đầu tư Bình Trần - cổ đông chính của Ascend Vietnam Ventures (AVV). Doanh nghiệp trong ngành phải giữ hàng tồn kho nhiều vì “tính sáng nắng chiều mưa” của chuỗi cung ứng. Chi phí logistics ở Việt Nam cao hơn từ 6-12% so với các nước láng giềng. Ngay cả chuỗi nhượng quyền quốc tế cũng chưa thể cân bằng chi phí logistics nội bộ. Và giá thực phẩm tăng. Ông Bình cho rằng, phải tối ưu số hóa và dữ liệu hóa chuỗi cung ứng thì mới cải thiện được giá cả, có lẽ trong vài năm tới. Khi đó, những thương hiệu quốc tế mới mạnh dạn nhượng quyền kinh doanh cho doanh nghiệp Việt Nam. 

Nhúng công nghệ ngành thực phẩm

Từng là Giám đốc Vận hành Pizza 4Ps, Taku Tanaka hiểu rõ những khó khăn trong chuỗi cung ứng: “Chuỗi cung ứng F&B ở Việt Nam vẫn còn rời rạc. Thị trường tập trung vào doanh nghiệp nhỏ mà nhà cung cấp lớn không thể phục vụ. Doanh nghiệp nhỏ phải mua phần lớn nguyên liệu từ thị trường truyền thống, nơi giá cả, lượng hàng tồn kho không ổn định”. 

Link bài viết

Thị trường bỏ trống cho ai thấy cơ hội, Taku liền cho ra đời Kamereo - nhà cung cấp một cửa cho chuỗi cung ứng nhỏ lẻ. Anh đã đầu tư vào các điểm thu mua rau củ trực tiếp với nông dân, nhà sản xuất và tìm nguồn cung ứng sản phẩm tươi mỗi ngày, sau đó giao hàng tận nơi.

Kamereo tự phát triển phần mềm quản lý hàng, đặt hàng và giao hàng cho kho và cho khách hàng. Đơn đặt hàng được tổng hợp và mở, giảm giá theo số lượng. Điểm bán hàng, phân phối và người lao động được bố trí tối ưu hóa bằng các phần mềm.

Dù cho rằng công nghệ chỉ là nhân tố hỗ trợ, nhưng theo Taku, không có nó sẽ khó mở rộng quy mô đơn hàng, quản lý  hàng tồn kho và giao hàng chặng cuối. Tuy nhiên, giá nhân công ở Việt Nam còn tương đối rẻ so với các nước phát triển nên nhu cầu tự động hóa hoàn toàn chưa cao và tự động hóa mọi thứ không hề dễ. Vì vậy, anh chỉ thành lập một nhóm công nghệ nội bộ tự xây dựng hệ thống với chi phí vừa phải. Taku cho rằng, cải thiện được tình trạng phân mảnh chuỗi cung ứng tại thị trường Việt Nam mới thực sự quan trọng. Kamereo áp dụng triết lý kinh doanh Kaizen (cải tiến không ngừng) để hợp lý hóa chuỗi cung ứng từ điểm thu mua rau đến trung tâm phân phối cuối cùng.

Xu hướng áp dụng công nghệ đang góp phần thúc đẩy tăng trưởng trong lĩnh vực F&B. “Việt Nam là quốc gia tăng trưởng nhanh thứ ba ở châu Á về chi tiêu thực phẩm. Sự đột phá này phần lớn nhờ các ứng dụng giao đồ ăn”, ông Aske - đồng sáng lập Decision Lab nhận định. “Những chương trình giảm giá của các công ty giao đồ ăn đã thúc đẩy thị trường bán lẻ trong lĩnh vực F&B. Quy mô thị trường giao đồ ăn tại Việt Nam đã tăng tới mức 29.900 tỷ đồng vào năm 2022”.

Nguyễn Chí Anh Khoa không nằm ngoài “cuộc chơi” trong khi có hai chiếc máy nấu ăn công nghiệp giá gần 1 tỷ đồng. Cũng như Taku, Khoa nhận thấy sự phi tập trung trong chuỗi cung ứng ẩm thực. Anh quyết định tập trung nhóm phi tập trung lại, mở nhà hàng trung tâm ảo. Nhà hàng trung tâm sẽ là nơi tập trung phần ăn còn nóng hổi từ các nơi về, giữ chất lượng trong nhiệt độ nhất định trước khi được phân phối 24/7. 

Cùng lúc đó, nhiều nhà hàng lớn đóng cửa, có nhà hàng rời trung tâm TP.HCM. Khoa dùng hai chiếc máy chế biến thức ăn làm “của tin” đàm phán với một số nhà hàng anh ưa thích để kéo họ về cùng. Việc mà Khoa đang làm là vận hành trung tâm kho lạnh và hâm nóng đồ ăn cùng quy trình quản lý xuất nhập kho cho nhiều nhà hàng đang thu hẹp chi nhánh. Một số nhà hàng phải di chuyển ra khỏi khu trung tâm thành phố nay đã gỡ bỏ được mối lo mất khách trung thành. 

Khoa đã thuyết phục được 36 nhà hàng đặt kho trung tâm tại Expand Việt Nam. Giới thiệu với nhà hàng đối tác, Khoa nói nhà hàng trung tâm của mình không chỉ là kho công nghệ bảo quản thực phẩm. Tận dụng kiến thức công nghệ, Khoa tạo ra mã QR cho Expand Việt Nam để tăng thêm sự hiện diện cho đối tác trên thị trường. Mã QR được đặt khắp nơi, khách hàng muốn đặt hàng chỉ cần quét mã để gọi món. Đơn hàng đổ về nền tảng sẽ được sắp xếp tự động giao việc cho từng mảng phân phối.

Link bài viết

“Liệu cơm gắp mắm” 

Cũng như Kamero, Expand Việt Nam dùng công nghệ giải quyết vấn đề trong chuỗi cung ứng. Doanh nghiệp F&B nhỏ không nên chi quá tay vào công nghệ nếu chưa thấy lợi ích. “Giải pháp công nghệ giúp cải thiện biên lợi nhuận nhưng thường chỉ hiệu quả khi có đủ khối lượng. Doanh nghiệp nhỏ với chi phí lao động thấp không có nhiều lợi ích từ công nghệ”, ông Bình Trần khuyên các nhà hàng không nên chi quá 1-3% doanh thu cho các giải pháp công nghệ.

Riêng thị trường giao đồ ăn theo yêu cầu đang nằm trong tay một số hãng công nghệ. Ông Bình Trần cho rằng, các nhà hàng không nhận ra mình phải trả phí mua lại khách hàng nhiều lần cho cùng một khách hàng qua công ty công nghệ. Đây là điểm yếu thị trường mà các startup công nghệ có thể nhảy vào. Startup có thể giúp nhà hàng hút khách trực tuyến hoặc các đơn hàng trực tiếp để giảm thiểu chi phí. Ông Bình cho biết thêm, tiềm năng của lĩnh vực F&B khuyến khích các mô hình vào danh mục đầu tư của Quỹ AVV. Quỹ này đã đầu tư vào Kilo, Foodmap, Fooder, Copper Cow Coffee và Cricket One từ năm 2021 đến nay. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Foodtech cho hàng quán
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO