Năm 2023, kinh tế Việt Nam đã và đang đối mặt những thách thức từ cả trong và ngoài nước. Tuy vậy, vẫn có những tín hiệu tích cực với triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế. Trong khi đó, Việt Nam cũng đang chú trọng tăng trưởng kinh tế dài hạn.
Nền kinh tế Việt Nam sẽ bình thường hóa vào năm 2023, trang Fibre2Fashion nhận định. Nền kinh tế đang quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng dài hạn khi giai đoạn bùng nổ mở cửa trở lại sau Covid-19 đã kết thúc. Việt Nam đặt mục tiêu tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng lên 7% GDP trong năm nay để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo dòng vốn FDI tiếp tục chảy vào đất nước trong nhiều năm tới.
Trang The Star nhận định, đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam đang thúc đẩy nền kinh tế trong tương lai. Với lợi thế về môi trường kinh doanh thuận lợi, môi trường chính trị ổn định, kinh tế vĩ mô phát triển bền vững, lực lượng lao động dồi dào, chi phí thấp, Việt Nam là điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Tình hình rất khó khăn trên toàn cầu nhưng đến nay Việt Nam đã và đang phục hồi, trở lại quỹ đạo phát triển. Vẫn sẽ còn thách thức từ nguy cơ suy thoái, chủ nghĩa bảo hộ toàn cầu làm giảm nhu cầu xuất khẩu nhưng vẫn có rất nhiều mặt tích cực, có một số động lực thúc đẩy tăng trưởng đó là đầu tư nước ngoài, đầu tư về nhân lực, cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, đó là sự tăng trưởng nhanh chóng trong việc phục hồi niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp. Đã có sự phục hồi về nhu cầu trong nước.
Trang Bloomberg cho biết, Việt Nam là mảnh đất hấp dẫn cho các công ty khởi nghiệp nhờ sự dồi dào của các kỹ sư có trình độ nhưng chi phí nhân công chưa cao, cùng với nền kinh tế đang phát triển nhanh. Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 đưa TP.HCM trở thành "thỏi nam châm" thu hút vốn đầu tư công nghệ và nhắm đến một nền kinh tế kỹ thuật số.
Việt Nam hiện là một trung tâm sản xuất và là một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Vì vậy, điều quan trọng là các doanh nghiệp và nền kinh tế đẩy mạnh tự động hóa, số hóa chuỗi giá trị cùng với cải thiện nhanh chóng năng suất lao động là một trong những động lực quan trọng. Việt Nam có tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế nhanh và chuyển đổi kỹ thuật số trên tất cả lĩnh vực, theo Standard Chartered Việt Nam đánh giá.
Trong khi đó, trang Modern Diplomacy nhận định, các yếu tố giúp đảm bảo tăng trưởng Việt Nam bao gồm việc đẩy mạnh cải cách cơ cấu, thể chế, tham gia sâu rộng vào các hiệp định thương mại thế hệ mới, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, đẩy nhanh chuyển đổi kinh tế số, hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.